- Ý kiến: Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư, xây dựng kè chống sạt lở dọc Sông Lam đoạn qua xã Đỉnh Sơn, Đức Sơn, Lạng Sơn và Tào Sơn.

Trả lời: Trong những năm qua, do ảnh hưởng của thiên tai, trên địa bàn tỉnh Nghệ An bờ sông, suối bị sạt lở nhiều, trong đó có một số vị trí thuộc địa bàn xã Đỉnh Sơn, Đức Sơn, Lạng Sơn và Tào Sơn, huyện Anh Sơn. Do ngân sách địa phương còn khó khăn, chưa đủ cân đối để khắc phục toàn bộ hiện tượng sạt lở nên mới chỉ bố trí được 2,2 tỷ đồng từ nguồn Trung ương để hỗ trợ UBND huyện Anh Sơn kè khắc phục một số đoạn xung yếu (Năm 2018: Tại Quyết định số 5183/QĐ-UBND ngày 22/11/2018 của UBND tỉnh: 1,1 tỷ; Năm 2019: Tại Quyết định số 391/QĐ-UBND ngày 12/02/2019: 1,1 tỷ).

Để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và đất sản xuất của nhân dân, trước mắt UBND huyện Anh Sơn chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến sạt lở và tuyên truyền cho người dân trong khu vực để chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Ngày 18/02/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND phê duyệt kế hoạch sửa chữa khắc phục các đoạn kè nêu trên trong giai đoạn 2021 - 2025.

- Ý kiến: Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư, xây dựng tuyến đường Bình Sơn đi Thọ Sơn, tuyến đường cứu hộ cứu nạn sông Con.

Trả lời:

+ Tuyến đường Bình Sơn đi Thọ Sơn:

Do nguồn vốn khó khăn nên dự án đã dừng thi công từ năm 2013. Năm 2020 dự án đã được UBND tỉnh bố trí 2 tỷ đồng. Hiện UBND huyện Anh Sơn đang hoàn thiện thủ tục để tiếp tục thi công.

+ Tuyến đường cứu hộ cứu nạn sông Con:

Do nguồn vốn khó khăn nên dự án đã dừng thi công từ năm 2013. Năm 2020 dự án đã được UBND tỉnh bố trí 10 tỷ đồng. Hiện đơn vị thi công đang thi công 2 cầu tại Km0+659 và Km0+928. UBND huyện đang chỉ đạo đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công và tiếp tục thu hút nguồn vốn để sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác sử dụng.

- Ý kiến: Cử tri kiến nghị trước đây theo Nghị quyết số 115/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 của HĐND tỉnh chi trả kinh phí cho Tổ dân vận khối, xóm, bản là 2.000.000đ; nay sau khi sáp nhập, không được chi trả cho công tác dân vận nữa. Đề nghị UBND tỉnh xem xét tiếp tục hỗ trợ.

Trả lời: Tại Điều 14a, Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ quy định: “Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có)”. Căn cứ Nghị định 34/2019/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 tại Điều 11 (điều khoản thi hành) đã bãi bỏ Nghị quyết số 151/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 của HĐND tỉnh. Theo đó, người tham gia công tác dân vận ở xóm, khối, bản chỉ được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản và kinh phí lấy từ nguồn đã khoán cho xóm, khối, bản theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

- Ý kiến: Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt xử lý tình trạng sử dụng kích điện gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là bước vào mùa mưa lũ tình trạng này xuất hiện càng nhiều hơn.

Trả lời: Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý các hành vi sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua đó, đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp tuyên truyền vận động nhân dân tự nguyện giao nộp kích điện và triển khai các biện pháp phát hiện, xử lý nghiêm hành vi sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản. Kết quả từ đầu năm 2021, lực lượng Công an đã vận động nhân dân giao nộp gần 110 kích điện; bắt, xử lý 31 vụ, 35 đối tượng sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 93 triệu đồng, thu giữ 31 kích điện. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là người địa phương, có điều kiện kinh tế khó khăn, họ sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản chủ yếu tại các cánh đồng, khe, suối nhỏ để cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, Công an cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện giao nộp kích điện, không sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản; đồng thời, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm hành vi sử kích điện để đánh bắt thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.

Phan Trung Tú

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

(Tổng hợp)