Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên đề cập đến ngoại giao "cây tre Việt Nam”. Trong bài phát biểu kéo dài hơn 60 phút tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức hồi tháng 12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đi thông điệp quyết tâm xây dựng trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam".

Theo Tổng Bí thư, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.

w-1hai-2873-2763.jpg?width=0&s=wbjVc5A_3_rLJuaiiDJeAA
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 hồi cuối năm 2023. Ảnh: Phạm Hải

Ngày 19/7, PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao có những chia sẻ, cảm nghĩ về hình tượng "ngoại giao cây tre Việt Nam" mà Tổng Bí thư đã đưa ra.

"Thế nào là ngoại giao cây tre. Trước hết cây tre - loại cây tiêu biểu của Việt Nam, nhìn vào ta thấy có 3 phần đặc thù quan trọng đó là gốc, thân và cành tre", ông Quảng phân tích.

Cây tre có ở nhiều nơi trên thế giới. Hình tượng cây tre cũng xuất hiện trong văn hóa của nhiều quốc gia khác. Mỗi quốc gia, dân tộc đều có bản sắc riêng và bản chất gắn bó riêng với cây tre.

Gốc tre có rễ bám rất sâu, khi liên tưởng đến ngoại giao thì đó chính là truyền thống ngoại giao Việt Nam được nhiều thế hệ cha anh đi trước gây dựng, đó là truyền thống "hòa hiếu" - một từ nhiều hàm nghĩa nhưng rất khó phiên dịch ra tiếng nước ngoài. Gốc tre còn kế thừa từ tư tưởng, phương pháp, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh - vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Người đã sáng lập, rèn luyện và dìu dắt ngành Ngoại giao Việt Nam.

Thân tre đó là quan điểm, đường lối của ta về quan hệ quốc tế. Ngoài ra còn là lợi ích quốc gia, dân tộc mà mỗi thời kỳ, giai đoạn với nội hàm không thay đổi.

w-img-9250-2764.jpg?width=0&s=tfOvbmx5hQh_xASnWRfYZQ
PGS.TS Dương Văn Quảng

Cành tre chính là phần "thích ứng với bên ngoài", "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "chuyển động nhưng phải gắn với thân và rễ". "Với ngoại giao, chúng ta giữ cái gì và nhân nhượng cái gì trong đàm phán quốc tế. Đàm phán quốc tế bây giờ không chỉ về chính trị, quân sự, không chỉ biên giới mà còn về kinh tế, văn hoá, xã hội. Vì vậy cần phải hiểu tinh thần này mới phát huy được tất cả những truyền thống và bản sắc ngoại giao Việt Nam", ông nhấn mạnh.

"Càng mềm bao nhiêu, càng giỏi bao nhiêu thì càng cần phải nhờ vào gốc và thân. Như vậy vững về gốc, chắc chắn về thân và mềm dẻo về cành", ông Quảng đúc rút.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên đưa ra hình tượng, trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam". Qua nhiều hội nghị Ngoại giao, Tổng Bí thư đều nhấn mạnh đến hình tượng này.

Trong thời gian qua, nước ta đón tiếp nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các cường quốc lớn, PGS Dương Văn Quảng cho rằng: "Trong bối cảnh cạnh tranh mà Việt Nam có thể liên tục tiếp đón lãnh đạo các nước lớn đã thể hiện chính bản sắc ngoại giao cây tre. Các nước rất khác nhau về quan điểm, nhưng khi ta đã mời và họ đến đây thì họ đã chấp nhận suy nghĩ của chúng ta về thế giới, khu vực, quan hệ song phương. Còn với Việt Nam, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, chúng ta sẵn sàng làm bạn, là đối tác có trách nhiệm".

Phân tích khía cạnh khác, ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga cho rằng, từ Đại hội Đảng 13 đến nay có thể nói đối ngoại Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công.

w-nguyen-thanh-son-6-2765.jpg?width=0&s=jLvhbvqpmSgv7bo7aZuxjA
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn

"Thế giới vừa trải qua cơn địa chấn Covid-19, Việt Nam là một trong những nước đang nổi lên của ASEAN, chúng ta đã vận động được các nước hỗ trợ số lượng vắc xin lớn để phòng chống đại dịch. Đó là một trong những đường lối, chính sách đối ngoại thành công.

Ngoài ra, thành công nữa là Việt Nam hội nhập để phát triển kinh tế nhưng an ninh, chính trị, xã hội ổn định và quốc phòng được củng cố", ông Sơn đánh giá.

Nguyên Thứ trưởng nhìn nhận việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết về nền ngoại giao với hình tượng cây tre Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Cây tre là biểu tượng của Việt Nam, với gốc vững chính là việc ta kiên định với đường lối, chính sách; cành uyển chuyển chính là công tác đối ngoại, ngoại giao thì luôn uyển chuyển, phù hợp với tình hình thế giới.

Ông đưa ra dẫn chứng là dịp kỷ niệm 70 năm Ngày ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024). Hiệp định này đánh dấu một mốc son quan trọng cho nền ngoại giao Việt Nam, dù quá trình đàm phán, ký kết rất phức tạp, khó khăn nhưng ta vẫn kiên trì, khéo léo, giữ vững mục tiêu, nguyên tắc.

Theo ông, trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam chính là tiếp nối việc thực hiện tư tưởng "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Một trong những thành công lớn nhất là Việt Nam hội nhập nhưng vẫn giữ ổn định chính trị, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội. Bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có đường lối đúng đắn, chúng ta có sự quyết tâm và đoàn kết. Đường lối đối ngoại của ta luôn được thế giới khâm phục, kính nể, mặc dù có những quốc gia thể chế chính trị không giống nước ta", ông Sơn phân tích.

Không những được chấp nhận mà Việt Nam còn có vị thế rất xứng đáng trên trường quốc tế. Điều đó chứng tỏ, với sự lãnh đạo của Đảng cùng "đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao cây tre uyển chuyển, nhịp nhàng đã chinh phục được thế giới".

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2023, trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam" ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi.