LỜI TÒA SOẠN
Hai năm qua, để giảm bớt khó khăn cho người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả địa phương miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông với mức 50-100%. Năm học 2023-2024, nhiều địa phương đã dừng chính sách này. Tuy nhiên Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nam, Quảng Bình vẫn tiếp tục miễn học phí cho học sinh. Chuyên gia đánh giá đây là "một tín hiệu vui" bởi việc các tỉnh, thành dành ngân sách địa phương để ưu tiên cho giáo dục thể hiện rõ định hướng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Dù chính sách miễn giảm học phí mới chỉ được thực hiện ở một số địa phương nhưng điều này sẽ là "cú huých" để các tỉnh, thành khác tiếp nối, sớm trở thành xu hướng có lợi cho xã hội.
Miễn, giảm học phí ở các cấp học được một số địa phương thực hiện trong vài năm trở lại đây. Trong đó, Đà Nẵng được xem là một trong những tỉnh, thành tiên phong.
Năm học 2023-2024, Đà Nẵng tiếp tục miễn toàn bộ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông. Đây là năm thứ ba, thành phố này thực hiện chính sách an sinh, đem lại phúc lợi cho người dân.
Chính sách này đã giúp hàng ngàn gia đình nghèo, người lao động mưu sinh ở Đà Nẵng có con đang trong độ tuổi đến trường giảm bớt gánh nặng, giúp hạn chế tình trạng học sinh nghỉ giữa chừng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Trung (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có hai con đang học tiểu học và mầm non. Vừa qua, bố mẹ anh bị tai nạn giao thông, phải điều trị ở bệnh viện, vợ anh cũng đã nghỉ làm công ty. Gánh nặng kinh tế đặt lên vai anh Trung với mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng. Khi biết thành phố tiếp tục miễn học phí, gia đình anh Trung rất vui mừng.
“Với các gia đình có từ hai con trở lên, học phí không phải là số tiền nhỏ. Trong khi đó, phụ huynh còn phải lo nhiều chi phí khác như quần áo, sách vở, học thêm…”, anh Trung chia sẻ.
Ông Lê Anh Đồng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP Đà Nẵng), chia sẻ, bước qua đại dịch, kinh tế chưa khôi phục, việc thành phố tiếp tục có chính sách miễn học phí rất ý nghĩa, nhân văn. “Nhà trường và phụ huynh rất ủng hộ chính sách này. Không chỉ miễn học phí, thành phố còn rất chú trọng trong công tác đầu tư cho giáo dục”, thầy Lê Anh Đồng cho biết.
QUYẾT TÂM DUY TRÌ ĐỂ ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN HỌC TỐT NHẤT
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết, việc miễn học phí đã hỗ trợ rất lớn cho học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn.
“Ngoài hỗ trợ học phí, sắp tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đề xuất triển khai Đề án Sữa học đường giai đoạn mới hỗ trợ cho trẻ mầm non và Đề án triển khai xây dựng bể bơi tại các trường học…”, ông Thành thông tin.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết, chính sách hỗ trợ học phí góp phần hỗ trợ người dân có con đang trong độ tuổi đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
TỈNH NGHÈO ''MẠNH TAY'' MIỄN GIẢM HỌC PHÍ, ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC
Tương tự, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng Quảng Bình là một trong năm địa phương tiếp tục miễn, giảm học phí năm học 2023-2024. Để có quyết định này, tỉnh đã cân nhắc, bàn bạc rất nhiều. Tỉnh xác định, sự nghiệp giáo dục luôn được ưu tiên.
Tại kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Bình khóa XVIII đã thông qua nghị quyết miễn học phí cho tất cả các cấp học trong năm 2023 - 2024.
Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chia sẻ: “Những năm qua, ngoài những việc ưu tiên cho phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Bình tập trung chăm lo đến các đối tượng yếu thế, các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, miền núi…
Năm học mới này, tỉnh Quảng Bình thiếu giáo viên, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Dù còn khó khăn nhưng để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, tỉnh đã giành nguồn ngân sách để hỗ trợ hơn 730 giáo viên ký hợp đồng, quan trọng hơn là tạo nguồn cho con em ra trường có cơ hội có việc làm”.
Về việc tỉnh nghèo những vẫn “mạnh tay” miễn học phí học kỳ I năm học này, ông Châu cũng cho biết, tình hình kinh tế năm nay khó khăn chung, nhất là các doanh nghiệp nên công nhân cũng rất vất vả. Tỉnh đã rất trăn trở, phải làm sao để con em công nhân, bà con yên tâm lao động sản xuất.
“Đầu năm học, các khoản sách vở, học phí là mối lo của rất nhiều phụ huynh. Từ tháng 7 đến nay, tỉnh đã có rất nhiều cuộc họp, với nhiều sự cân nhắc. Thực ra khó khăn nhất là nguồn nên phải cần thời gian để sắp xếp, tính toán.
Ví dụ, các địa phương khác họ có dư, quyết định được luôn, còn mình phải có thời gian để cân đối nguồn, bố trí lại. Những khoản đầu tư chưa cần thiết, dừng lại để ưu tiên cho sự nghiệp giáo dục trước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy không cần phải quyết định quá sớm vì phải thu trong học kì.
Chúng tôi cũng tham khảo dư luận xã hội, ý kiến phụ huynh, giáo viên và quyết định dù tỉnh còn khó khăn nhưng cũng cố gắng sắp xếp để hỗ trợ học phí cho học sinh trong học kỳ này. Những học kỳ sau, tỉnh sẽ theo quy định của Chính phủ”, ông Châu nói.
Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Quảng Bình có gần 150.000 học sinh công lập được hưởng lợi từ nghị quyết này. Theo thầy Hoàng Thế Hiến, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa: "Thông qua khảo sát thấy nghị quyết của HĐND tỉnh rất sát và hợp với nguyện vọng của đông đảo phụ huynh. Việc này góp phần hỗ trợ khó khăn, tạo điều kiện để học sinh an tâm học tập", thầy Hiến chia sẻ.
Có con đang học lớp 5, anh Nguyễn Văn Tráng, trú xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh vui mừng khi năm học này tỉnh không thu học phí 2 kỳ với trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi.
"Ở đây, bà con người Kinh hay Vân Kiều đa phần đang khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Mỗi khoản đóng nộp cho con cái học tập đều phải chắt bóp. Các cấp chính quyền đã có nhiều chính sách hỗ trợ con em, nay tiếp tục hỗ trợ về học phí. Mọi người vui mừng và nỗ lực để con em được đến trường học tập", anh Tráng phấn khởi nói.
Được biết, trong năm học mới này, tỉnh Quảng Bình quyết định không thu học phí học kỳ I đối với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Không thu học phí cả năm học đối với trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% số học phí không thu theo quy định (sau khi đã trừ nguồn dự phòng cải cách tiền lương) để chi hoạt động.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 575 trường học (trong đó, 561 trường công lập) và trên 233.500 học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là hơn 17.400 người.ương cả nước.