Sáng 9/8, tại Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ và Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024 cho lãnh đạo, cán bộ tại 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng; Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về nhân quyền Chính phủ.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ đã trình bày các báo cáo, tham luận chuyên đề về việc triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, gắn với đặc thù của 14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Thông tin những nội dung cốt lõi, trọng tâm trong Kết luận số 71-KL/TW ngày 16/2/2024 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Trong thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, bảo vệ nền tảng của Đảng, đấu tranh phản bác kịp thời trước các thông tin sai trái, thù địch, làm cho thế giới hiểu rõ và hiểu đúng về Việt Nam, qua đó, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trước tình hình diễn biến thế giới và khu vực còn nhiều phức tạp, nhanh và khó lường, dự báo sẽ mang đến cả những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đối với Việt Nam trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; và trong bối cảnh tác động nhanh chóng, sâu sắc của chuyển đổi số làm xóa mờ ranh giới giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại đã đặt công tác thông tin đối ngoại trước các yêu cầu mới, đòi hỏi phải đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ mới nhằm thực hiện có hiệu quả, đột phá trong công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 47/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57- KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Chương trình hành động đã cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, 5 nhiệm vụ và giải pháp của Đảng đã được đề ra tại Kết luận số 57-KL/TW và là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình/Kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhằm triển khai các nhiệm vụ một cách trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ Bộ Chính trị đã giao tại Kết luận số 57-KL/TW.
Từ các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra, các địa phương cần tập trung nghiên cứu, căn cứ vào đặc điểm của từng vùng để đề xuất phương hướng, cơ chế, chính sách thúc đẩy thông tin đối ngoại phù hợp.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu được nghe chuyên đề về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề quyền con người; thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ứng xử của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương, định hướng công tác nhân quyền trong thời gian tới, nhấn mạnh trọng tâm công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại và tuyên truyền về nhân quyền đạt kết quả quan trọng, nhất là qua những sự kiện trong nước và thế giới vừa qua, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đồng chí Lại Xuân Môn, bước vào giai đoạn nửa cuối năm 2024 và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, với nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội mới, thuận lợi mới, thời cơ mới. Vì vậy, đề nghị các đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, và những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam; quan tâm truyền thông về quyền con người.
Cùng đó, tăng cường công tác phối hợp, đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức thông tin đối ngoại, đẩy mạnh đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tăng cường nguồn lực, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, nhân quyền.