Thường trực Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tỉnh Nghệ An
Từ ngày 8-9/5, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vào cuối tháng 5/2024.
Đồng chí Lê Quang Mạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội; Đại diện các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Báo cáo tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra.
Nghị quyết được xây dựng trên 4 quan điểm chỉ đạo: Thứ nhất, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; bám sát mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, việc đề xuất các cơ chế, chính sách dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, pháp lý đầy đủ và tình hình thực tế của tỉnh nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, có tiềm năng, lợi thế, thực sự tạo đột phá cho phát triển của tỉnh.
Thứ ba, các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, Quốc hội.
Thứ tư, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh Nghệ An, đồng thời, đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của tỉnh Nghệ An.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 16 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước (5 chính sách); Quản lý đầu tư (7 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, đây là các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của Nghệ An, nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, góp phần phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Tại phiên họp, các đồng chí Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đều đồng tình với việc cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; đồng thời, đã đóng góp ý kiến cụ thể vào các nhóm lĩnh vực, chính sách do Chính phủ đề xuất.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã giải trình, làm rõ các nội dung chính sách; đồng thời, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội. Tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Kết luận phiên họp, đồng chí Lê Quang Mạnh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết nghiên cứu tiếp thu ý kiến các thành viên dự họp; rà soát, hoàn thiện các chính sách để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 dự kiến vào cuối tháng 5/2024, nhằm đảm bảo Nghị quyết có tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Phạm Bằng - Tuấn Dũng