bna-bao-ve-rung-9-ctv-6098.jpg

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên đường tuần tra. Ảnh: CTV

Nội dung Văn bản số 58 /HĐND-TT như sau:

“Thường trực HĐND tỉnh nhận được Tờ trình số 898/TTr-UBND ngày 15/2/2023 của UBND tỉnh về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tại Báo cáo số 35/BC-KTNS ngày 7/3/2023, Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến như sau:

1. Thống nhất với đề nghị xây dựng Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An do UBND tỉnh trình.

2. UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng dự thảo nghị quyết đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan”.

bna-pu-mat-1-ctv-668.jpg

Lực lượng bảo vệ rừng trên đường tuần tra. Ảnh: CTV

Trước đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng có báo cáo nêu rõ sự cần thiết ban hành đề nghị xây dựng nghị quyết: “Điều 17 Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, quy định: chủ rừng có trách nhiệm bảo đảm kinh phí hoạt động, lương và các chế độ khác; phương tiện, thiết bị làm việc, công cụ hỗ trợ, đồng phục, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lực lượng nòng cốt giúp chủ rừng thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, vừa là lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm tra, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP.

Nguồn kinh phí để đảm bảo thu nhập cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng từ trước đến nay chủ yếu do các chủ rừng sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ, bảo vệ rừng từ các chương trình, dự án, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và được thực hiện thông qua hợp đồng giao khoán trên cơ sở hạn mức và định mức kinh phí giao khoán hằng năm. Tuy nhiên, phần đa các chủ rừng đều chưa được bố trí đủ kinh phí trên diện tích rừng được giao; định mức hỗ trợ để giao khoán chưa được quy định cụ thể, thường thấp và thiếu ổn định. Các chủ rừng không cân đối được nguồn kinh phí để hoạt động, đặc biệt là nguồn chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng, dẫn đến tình trạng xin thôi việc xảy ra ngày càng nhiều và đáng báo động tại các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, làm thiếu hụt lực lượng bảo vệ rừng, nguy cơ rừng bị xâm hại là rất lớn (giai đoạn 2016 - 2022 đã có 130 lao động xin thôi việc, nghỉ việc, bộ phận còn lại thì chưa thật sự quan tâm công tác và gắn bó với nghề).

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, quản lý rừng, việc UBND tỉnh trình đề nghị xây dựng Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Nghệ An và các quy định của pháp luật”.

bna-pu-mat-4-ctv-6184.jpg

Bữa cơm trên đường tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: CTV

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết cơ bản đáp ứng theo quy định tại khoản 34, Điều 1, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020; cơ bản thống nhất với đề nghị xây dựng Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Qua đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với đề nghị xây dựng Nghị quyết do UBND tỉnh trình; đồng thời giao UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết (bước 2) thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan.