Tham gia làm việc với UBND tỉnh có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Dự buổi làm việc về phía UBND tỉnh có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí đại diện lãnh đạo Công an tỉnh và sở, ban, ngành liên quan.

bna_2180.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thành Cường

Theo báo cáo của Công an tỉnh Nghệ An, trước năm 2022, các đối tượng tội phạm tín dụng đen hoạt động dưới vỏ bọc các cơ sở kinh doanh cầm đồ, dịch vụ tài chính với thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.

Đến nay, tuy tình trạng này đã giảm nhờ vào các biện pháp phòng chống quyết liệt, nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục biến tướng, đặc biệt trên không gian mạng với hình thức "phi tiếp xúc" thông qua app hoặc website cho vay trực tuyến.

bna_2149.jpg
Đại tá Nguyễn Duy Thanh - Phó Giám đốc Công an tỉnh báo cáo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Cường

Về tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo vẫn còn diễn ra phức tạp với các phương thức như chiếm quyền tài khoản mạng xã hội, mạo danh người thân qua Zalo, Facebook để lừa tiền hoặc giả danh lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, sử dụng Deepfake AI để gọi video giả,… nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều bị hại trên cả nước với số tiền rất lớn, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh, trong đó phối hợp với nhiều đơn vị chức năng tấn công, truy quét loại tội phạm này. Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá nhiều chuyên án lớn, như Chuyên án 1223L trong tháng 2/2024, triệt xóa 2 băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia với tổng số tiền chiếm đoạt gần 700 tỷ đồng.

Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/6/2024, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 105 vụ, 123 bị can về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", làm rõ số tiền cho vay hơn 150 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 3 tỷ đồng; xử lý vi phạm hành chính 13 vụ, 13 đối tượng, tổng số tiền xử phạt 195 triệu đồng.

Điều tra, làm rõ, bắt giữ, khởi tố 105 vụ, 220 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao; chứng minh số tiền các đối tượng chiếm đoạt trên 750 tỷ đồng.

Các biện pháp tuyên truyền, tập huấn và xây dựng phong trào bảo vệ an ninh trật tự được triển khai mạnh mẽ, như tổ chức các buổi tuyên truyền, đối thoại trên sóng truyền hình và đặt hòm thư tố giác tại địa phương.

Công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng được tăng cường, với nhiều cơ sở bị xử phạt khi vi phạm, đặc biệt là các cơ sở cho vay nặng lãi.

bna_2155.jpg
Đồng chí Phạm Thành Chung - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Cường

Trên cơ sở nắm bắt thực tế từ các buổi giám sát tại địa phương, đại diện đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã có những ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ như: công tác nắm bắt thông tin, quản lý về hoạt động hụi, họ, phường... để phát hiện các trường hợp biến tướng, cho vay nặng lãi; công tác nắm tình hình và ngăn chặn những vụ việc huy động vốn trả lãi cao bất thường; thực tiễn cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin ở cấp tỉnh và cấp huyện; tỷ lệ thu hồi tài sản, trả lại cho bị hại trong các vụ án liên quan tín dụng đen và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; công tác phối hợp với các ngân hàng thương mại, các nhà mạng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin;...

bna_2166.jpg
Đồng chí Hồ Sỹ Cấp - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đoàn giám sát. Ảnh: Thành Cường

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng đề nghị làm rõ công tác quản lý, kiểm soát quảng cáo, tin, bài viết trên các trang web, mạng xã hội, đường dẫn, ứng dụng có liên quan tín dụng đen hoặc có khả năng lừa đảo.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đoàn giám sát cũng đề nghị các cơ quan chức năng nêu rõ những vướng mắc trong chế tài xử lý hai loại tội phạm này.

Làm việc với đoàn giám sát, đại diện các sở, ngành đã có những ý kiến, giải trình các nội dung đề nghị của đoàn giám sát.

bna_2131.jpg
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Cường

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, tội phạm tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vấn đề không chỉ riêng của Nghệ An mà mang tính toàn cầu.

Để tăng cường đấu tranh có hiệu quả với 2 loại tội phạm này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng chú trọng công tác tuyên truyền thông qua các tình huống cụ thể đến các đối tượng dễ bị ảnh hưởng như người già, học sinh, sinh viên,... Bên cạnh đó, công khai các vụ việc đã xử lý để nâng cao tính cảnh giác của người dân đối với loại tội phạm này.

Tại cuộc làm việc, đồng chí Lê Hồng Vinh cũng yêu cầu các ngành phối hợp, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt quản lý, cấp phép giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực liên quan, nhất là đối với việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, các cơ sở kinh doanh chuyển đổi từ kinh doanh dịch vụ cầm đồ sang kinh doanh dịch vụ tài chính.

bna_2121.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thành Cường

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua của UBND tỉnh và lực lượng chức năng. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại về kinh tế, xâm hại đến trật tự xã hội, quyền lợi của người dân... Nhằm đối phó với các lực lượng chức năng, loại tội phạm này thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, gây rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn để nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân. Đặc biệt, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lôi cuốn tham gia vào hoạt động phạm tội và đối tượng dễ là nạn nhân trong các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi đề nghị các ngành cần chủ động rà soát lại quy định nghiệp vụ, công tác thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao vai trò trong công tác phòng ngừa tội phạm tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoàn thiện các cơ chế phối hợp, đặc biệt là lực lượng công an chính quy tại các xã, đảm bảo tốt công tác an ninh, trật tự trên địa bàn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các ngành xem xét, có kiến nghị cần thiết để hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.