Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn khảo sát. Cùng tham gia Đoàn có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Pháp chế, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Sở Tài chính.

Đoàn đã dành thời gian khảo sát thực tế ở một số khối, xóm, trường học sáp nhập tại thị trấn Giát và xã Quỳnh Mỹ; trực tiếp lắng nghe ý kiến của Nhân dân liên quan đến phương án xử lý các cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập làm cơ sở để trình HĐND tỉnh.

2-1.%5B1%5D.jpg
Đoàn khảo sát tại xóm 1, xã Quỳnh Mỹ

Theo Báo cáo của UBND huyện Quỳnh Lưu, trên địa bàn huyện có 134 khối, thôn tiến hành sáp nhập để thành lập 67 thôn, giảm 68 thôn. Ngoài ra có 14 đơn vị sự nghiệp công lập sáp nhập thành 7 đơn vị. Bao gồm, sáp nhập trường Tiểu học và THCS Quỳnh Thọ; Tiểu học và THCS Quỳnh Thuận; Tiểu học và THCS Ngọc Sơn; Tiểu học và THCS Quỳnh Mỹ; hợp nhất Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; hợp nhất Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Quỳnh Lưu và Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Quỳnh Lưu thành Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Quỳnh Lưu; chuyển Trung tâm dân số và kế hoạch hóa gia đình huyện Quỳnh Lưu vào Trung tâm y tế huyện.

1-1.%5B1%5D.jpg
Đoàn khảo sát Trường Tiểu học và THCS xã Quỳnh Mỹ

Sau sáp nhập, số lượng tài sản, trụ sở dôi dư là 70 cơ sở nhà, đất; gồm 67 nhà văn hóa thôn, khối; 3 đơn vị sự nghiệp (Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm chăn nuôi và Thú y, Trung tâm dân số và kế hoạch hóa gia đình huyện).

Căn cứ Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và hướng dẫn của Sở Tài chính cùng với nắm bắt đề xuất của UBND các xã, thị trấn và các đơn vị sự nghiệp, UBND huyện đã tổng hợp, trình UBND tỉnh phương án sắp xếp, xử lý tài sản sau sáp nhập đối với 135 thôn và các đơn vị sự nghiệp. Trong đó có 48 nhà văn hóa đề xuất giữ lại tiếp tục sử dụng (do địa bàn rộng nên sau khi sáp nhập thôn, nhiều đơn vị đề xuất giữ lại tiếp tục sử dụng nhà văn hóa dôi dư để sinh hoạt); chuyển mục đích sử dụng một nhà văn hóa và bán đấu giá 18 nhà văn hóa. Có 02 đơn vị sự nghiệp gồm: Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật; Trạm chăn nuôi và Thú y đề nghị giữ lại tiếp tục sử dụng. Đối với Trung tâm dân số và kế hoạch hóa gia đình, huyện đề nghị chuyển về UBND huyện.

Cùng với chủ động trình UBND tỉnh phương án xử lý cơ sở vật chất dôi dư, huyện cũng chỉ đạo các cơ sở huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất nhà văn hoá mới để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân xóm mới. Hiện tại đã có 05 nhà văn hóa được xây mới.

4.jpg
Đồng chí Hoàng Văn Bộ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu phát biểu tại buổi làm việc

Tại cuộc làm việc, ông Hoàng Văn Bộ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cũng nêu một số bất cập, khó khăn, như công tác quy hoạch đất, lựa chọn địa điểm, kinh phí để xây dựng nhà văn hoá mới... Liên quan đến việc sáp nhập trường học, huyện cũng băn khoăn về chất lượng sau sáp nhập; trong việc xác định cơ sở nào là điểm chính, xã nào chủ trì...

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của huyện Quỳnh Lưu trong việc đề xuất phương án xử lý cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập khối, thôn, xóm và đơn vị sự nghiệp; Đồng chí cũng đồng tình cao với đề xuất của huyện Quỳnh Lưu giữ lại 48 nhà văn hoá cũ. Mặt khác, qua khảo sát, lắng nghe ý kiến người dân thì nhiều người dân đều có mong muốn giữ lại nhà văn hoá cũ làm nơi sinh hoạt.

3-1.%5B1%5D.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Phân tích thực tiễn quy mô học sinh có thể thay đổi, học sinh có thể tăng lên hơn nữa trong thời gian tới và phải thực hiện tách trường, nếu bán đi khi dôi dư thì sau này muốn tìm một ví trí để xây dựng không hề đơn giản, đồng chí Nguyễn Như Khôi đề nghị huyện cần phải hết sức thận trọng; Đề nghị huyện quan tâm, lấy thêm ý kiến của người dân về các vấn đề này.

Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng khẳng định, từ thực tế khảo sát, Đoàn sẽ tham mưu, kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, nghiên cứu và đưa vào nội dung phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh tháng 5/2022 để có phương án xử lý các vấn đề đang đặt ra trong thời gian tới.

Hoàng Hoa