Làm việc với đoàn, phía huyện Tương Dương có các đồng chí: Lê Văn Lương - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ; Đinh Hồng Vinh - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện.

Phong trào xây dựng nông thôn mới chững lại

Báo cáo của UBND huyện Tương Dương cho thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương, hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang, nếp sống văn hóa, văn minh được giữ gìn và phát huy, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tạo sự hưởng ứng, đồng thuận cao trong Nhân dân. Đến nay, huyện Tương Dương được UBND tỉnh công nhận 4/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 21 sản phẩm được công nhận OCOP...

Quang cảnh buổi làm việc với UBND huyện Tương Dương

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện chưa đủ sức lan tỏa, phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới chững lại, chưa phát huy được vai trò “chủ thể” của người dân; kết quả thực hiện 3 năm không đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, chỉ tăng bình quân 4,6 tiêu chí/xã; Số bản đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp so với chỉ tiêu; vẫn còn một bộ phận cán bộ, Nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình trong tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, cá biệt có một số cán bộ, Nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, UBND huyện Tương Dương đề nghị, đối với các xã thuộc huyện nghèo khi về đích nông thôn mới đề nghị Chính phủ cho hưởng các cơ chế, chính sách đối với xã nghèo thêm 3 đến 4 năm để tiếp tục phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo và đạt chuẩn nông thôn mới bền vững hơn. Hàng năm phân bổ nguồn vốn sự nghiệp nông thôn mới, đề nghị phân bổ một phần kinh phí để đưa cán bộ cơ sở và người dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm những địa phương làm tốt; tiếp tục mở các lớp tập huấn đào tạo, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ từ cấp huyện đến thôn, bản về thực hiện nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới;…

Đoàn giám sát nêu lên những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại huyện và những kiến nghị đề xuất của UBND huyện

Đồng chí Đinh Hồng Vinh - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện cho rằng so với các huyện vùng đồng bằng, huyện Tương Dương có nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua, việc phân bổ nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án chưa kịp thời, gây khó khăn cho địa phương trong thực hiện, giải ngân nguồn kinh phí. Do đó, đề nghị hàng năm tỉnh sớm phân bổ nguồn lực để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát kết luận buổi làm việc, gởi mở nhiều vấn đề giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được của huyện trong triển khai xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, trên cơ sở báo cáo, ý kiến đề xuất của huyện, ý kiến thành viên  Đoàn giám sát, đồng chí đề nghị huyện Tương Dương tiếp tục đổi mới, nỗ lực chỉ đạo cụ thể hơn, sâu sát hơn, đeo bám hơn trong triển khai thực hiện; nghiên cứu thành lập các tổ công tác của huyện về chỉ đạo toàn diện tại các xã trong đó có chỉ đạo xã thực hiện xây dựng nông thôn mới; rà soát việc thực hiện các tiêu chí để dồn lực đầu tư trọng tâm thực hiện các tiêu chí chưa đạt được; quan tâm quy hoạch phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo cảnh quan, giữ gìn bản sắc văn hóa; quan tâm thực hiện các tiêu chí giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, tận dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo; rà soát các sản phẩm OCOP để có chính sách hỗ trợ phù hợp;....

Các đề xuất, kiến nghị của huyện Tương Dương, đoàn tiếp thu để có cơ sở đề xuất làm việc với các sở, ngành, UBND tỉnh.

Đoàn khảo sát mô hình chuối lấy lá tại xã Lưu Kiền

Trước khi làm việc với UBND huyện, Đoàn giám sát đã đi khảo sát mô hình trồng chuối lấy lá, mô hình du lịch Văng Phột tại xã Lưu Kiền.