Toàn cảnh buổi giám sát

Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận thấy công tác thi hành án hình sự, hành chính trên địa bàn huyện trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2023 Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã ban hành 1.743 quyết định thi hành án dân sự trong đó có 1.609 quyết định thi hành án chủ động, 134 quyết định thi hành án theo yêu cầu. Từ đầu năm 2024 đến nay Chi cục đã ban hành 1.069 quyết định thi hành án, trong đó có 937 quyết định thi hành án chủ động, 132 quyết định thi hành án theo yêu cầu. Số lượng việc và tiền thi hành xong năm sau luôn cao hơn năm trước; nhiều vụ việc khó khăn phức tạp hay có giá trị tiền lớn đã được giải quyết dứt điểm. Công tác thi hành án dân sự đã góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Mặc dù vậy, lượng việc và số tiền phải thụ lý hàng năm lớn, ngày càng nhiều vụ việc có khó khăn, phức tạp, trong khi đó lượng biên chế được giao còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ công tác chuyên môn đã xuống cấp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tổ chức thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính. Các án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn huyện chủ yếu là các vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Trong đó, đa số người phải thi hành án là người bị hại có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế và tài sản duy nhất là quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất, có giá trị lớn hơn rất nhiều so với nghĩa vụ phải thi hành án. Do đó, gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản.

Đồng chí Phạm Tuấn Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Diễn Châu báo cáo tình hình thi hành án dân sự trên địa bàn huyện

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Thành Chung, Trưởng Ban Pháp chế tiếp thu các phản ánh của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Diễn Châu. Đề nghị Chi cục tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Huyện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Tập trung rà soát, phân loại án chính xác, đúng pháp luật, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đối với từng loại vụ việc, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, kéo dài; đề xuất giải pháp, nội dung cần phối hợp với đơn vị liên quan như ngân hàng để nâng cao kết quả thi hành án; Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác vận động, phối hợp; Kiến nghị những nội dung sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành để Đoàn tổng hợp. Đề nghị các ngành Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự huyện./.