Huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó, nêu rõ việc hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tiến độ dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử - văn hóa Kim Liên, Khu Lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu khác gắn với phát triển du lịch. Khai thác, phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống và đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Là một địa phương đặc thù, được chọn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, các cấp các ngành và Nam Đàn đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đến năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 07 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển huyện Nam Đàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, qua đây, đã mở ra cho huyện Nam Đàn cơ hội phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Trong gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Nam Đàn từ năm 2013 - 2022 tăng bình quân 8,24%. Trong đó: Nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 4,3%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,87%, dịch vụ tăng 8,74%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23,5 triệu đồng/năm 2013, đến năm 2022 ước đạt 60 triệu đồng/người/năm.

bna-khu-cn-nam-giang5522985-2562020-6253.jpg

Một góc Cụm công nghiệp tại xã Nam Giang (Nam Đàn). Ảnh: tư liệu

Hiện nay, huyện Nam Đàn cũng đã hoàn thành quy hoạch 4 cụm công nghiệp, và thu hút được 5 dự án đầu tư lớn về địa phương. Hàng năm, các cơ sở công nghiệp trên địa bàn nộp ngân sách tỉnh khoảng 600 - 626 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 6.500 lao động.

Ngay đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025”.

bna-14020002-1652020-3482.jpg

Làng Sen (Kim Liên) nhìn từ trên cao. Ảnh: Sách Nguyễn

Cuối năm 2020, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 21 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ huyện Nam Đàn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó, huyện được hưởng 100% tiền sử dụng đất; hàng năm hỗ trợ huyện Nam Đàn 3.000 tấn xi măng để nâng cấp, xây dựng đường giao thông nông thôn ngoài cơ chế hỗ trợ xi măng để xây dựng nông thôn mới chung của tỉnh. Chưa kể, hàng năm, UBND tỉnh còn bố trí ngân sách hỗ trợ huyện Nam Đàn từ 15-20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn huyện…

Ông Nguyễn Đình Thế - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đàn cho biết: Sau 3 năm thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay Nam Đàn đã huy động được 2.059,6 tỷ đồng, bao gồm cả ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện xã và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn xã hội hóa, vốn tín dụng, huy động từ cộng đồng dân cư. Ngoài ra, huyện còn vận động nhân dân tự nguyện hiến 30.431 m2 đất, tháo dỡ 10.111 m2 tường rào và đóng góp hơn 50.240 ngày công để thực hiện.

doan-giam-sat-cua-quoc-hoi-ve-tham-khu-di-tich-lich-su-quoc-gia-dac-biet-kim-lien-anh-thanh-le-9021.jpg

Đoàn Giám sát của Quốc hội thăm Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Thanh Lê

Hiện nay, có 5 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Kim Liên, Nam Nghĩa, Nam Anh, Nam Giang, Nam Cát. Riêng xã Kim Liên đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Kết nối tam giác du lịch Nam Đàn – Cửa Lò – Vinh

Nằm cách không xa so với trung tâm du lịch biển Cửa Lò và thành phố Vinh, Nam Đàn sau khi tiến hành xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu được đánh giá sẽ có nhiều lợi thế để thu hút du lịch. Hiện nay, ngoài đường vào quê nội, quê ngoại Bác Hồ; công trình cảnh quan hồ sen Hợp tác xã với Bác Hồ tại Kim Liên, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn huyện Nam Đàn cũng đã được bảo tồn, trùng tu.

Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên hiện cũng đã hoàn thành. Ngoài ra, một số công trình như: Đền Chung Sơn, Cụm Di tích Vua Mai; Khu Di tích Cụ Phan Bội Châu, Nhà Lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn… cũng đã hoàn thành, mở cửa đón khách tham quan.

den-chung-son-diem-du-lich-moi-thu-hut-du-khach-khi-ve-tham-kim-lien-anh-huy-thu-8928.jpg

Đền Chung Sơn - điểm tham quan mới thu hút đông đảo du khách khi về thăm Kim Liên. Ảnh: Huy Thư

Bên cạnh đó, địa phương này cũng tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư dự án xây dựng bãi đậu xe trung tâm du lịch cội nguồn tại xã Kim Liên; xây dựng bến thuyền Vua Mai. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng nên nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Nam Đàn trong thời gian tới. Thời gian qua, ngoài Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, trên địa bàn đã hình thành được một số mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn hoạt động khá hiệu quả tại các xã Nam Giang, Nam Nghĩa, Nam Anh...

mot-doan-famtrip-ve-tham-va-khao-sat-tai-kim-lien-anh-dinh-tuyen-6526.jpg

Một đoàn Famtrip về khảo sát để xây dựng tuyến du lịch tại Kim Liên. Ảnh: Đình Tuyên

Về vấn đề liên kết phát triển du lịch giữa 3 địa phương Nam Đàn - Vinh - Cửa Lò, hiện nay, các điểm du lịch được xây dựng, nâng cấp, hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch được đầu tư, đã góp phần rất lớn trong việc kết nối 3 địa điểm này với nhau trong một thời gian ngắn.

Để giúp du khách có nhiều trải nghiệm và thưởng thức được nhiều sản phẩm đặc sản của Nam Đàn, đến nay địa phương này cũng đã có 47 sản phẩm đạt OCOP của 12 xã, thị trấn. Có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 38 sản phẩm 3 sao, trong đó, có 11 sản phẩm đã được đăng ký giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã phục vụ tốt nhu cầu du khách…

Chưa kể với sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản), hiện nay Trung tâm Thông tin du lịch Nam Đàn tại quê nội Bác Hồ đã được xây dựng. Điều này sẽ giúp du khách hiểu thêm và biết đến nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn của Nam Đàn hơn khi đến thăm Kim Liên.

Bà Trần Thị Hiên - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn đánh giá, quá trình thực hiện Nghị quyết 26 các kết quả mà địa phương đạt được tương đối toàn diện. Ngoài chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách đúng hướng, Nam Đàn là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vượt trước 3 năm, được Chính phủ lựa chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Tuy nhiên, bà Hiên cũng thừa nhận, Nam Đàn vẫn là huyện chưa mạnh về phát triển kinh tế, phần lớn người dân chưa chuyển thói quen, tác phong, ứng xử từ lao động, sản xuất nông nghiệp sang làm dịch vụ, du lịch.

"Để thực hiện tốt Nghị quyết 26, huyện cũng kiến nghị được ưu tiên bố trí nguồn vốn các công trình giao thông nông thôn, công trình văn hóa, giáo dục, y tế để sớm về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời có cơ chế điều tiết lại từ 10-15% số thuế thu từ các nhà máy trên địa bàn để huyện chủ động trong đầu tư các công trình phúc lợi, trường học, bảo đảm an ninh, trật tự cho vùng có nhà máy đứng chân" - bà Trần Thị Hiên cho biết thêm.

Tiến Đông