Ngày hội toàn dân đến trường (5.9) vừa qua, tỉnh Nghệ An đã tổ chức trực tuyến lễ khai giảng năm học mới duy nhất từ điểm Trường PTTH chuyên Phan Bội Châu. Thời điểm đó, có 21 địa phương trên địa bàn tỉnh đang phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16; giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19; gần 500 cơ sở giáo dục đang trưng dụng làm khu cách ly; các công trình sửa chữa, xây mới trường lớp chuẩn bị cho năm học mới bị chậm tiến độ hoàn thành do thực hiện các biện pháp cách ly xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, giải pháp dạy học trực tuyến cũng đang là điều hết sức khó khăn đối với Nghệ An. Bởi, toàn tỉnh có hơn 50% địa phương thuộc miền núi, vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cũng như kỹ năng ứng dụng công nghệ số của giáo viên và học sinh rất hạn chế; đời sống của nhân dân còn nghèo, nhất là vùng miền núi, nông thôn nên không có khả năng trang bị máy móc, thiết bị cho con em… Toàn tỉnh hiện có gần 70.000 học sinh các cấp thiếu thiết bị; trong đó, hơn 35.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn; nhiều gia đình có bố mẹ, người thân đều là lực lượng tuyến đầu chống dịch; nhiều học sinh đang là bệnh nhân hoặc đang phải thực hiện cách ly y tế.

Trước tình hình đó, Sở GD - ĐT tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo toàn ngành chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời ứng phó với đại dịch để công tác dạy và học được triển khai theo kế hoạch, với phương châm: “Dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, “không để em học sinh nào bị bỏ lại phía sau” với 6 nhóm giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các phòng GD - ĐT, các cơ sở giáo dục và nhà trường xây dựng kế hoạch linh hoạt, sáng tạo, phù hợp; trong đó, phải kết hợp 3 hình thức dạy học: Trực tiếp, trực tuyến và trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Đặc biệt, đối với những địa phương thực hiện Chỉ thị 15, ngành trực tiếp báo cáo với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của địa phương, tranh thủ “thời gian vàng” có thể tổ chức nhóm dạy trực tiếp; đối với các huyện miền núi, theo dõi diễn biến của dịch để đẩy mạnh dạy và học trực tiếp.

Bên cạnh đó, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ phương tiện, thiết bị, máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với Chương trình “Thư viện thiết bị hỗ trợ học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”; phối hợp với Tỉnh Đoàn huy động lực lượng thanh niên, sinh viên đang nghỉ học do dịch và giáo viên mầm non hỗ trợ học sinh cấp tiểu học, nhất là học sinh lớp 1; thiết lập 2 số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ dạy và học trực tuyến.

Thứ hai, chỉ đạo các nhà trường rà soát điều kiện dạy học của giáo viên và học sinh. Đặc biệt, rà soát đến từng học sinh về điều kiện học tập của các em, nếu thiếu thốn sẽ có giải pháp hỗ trợ kịp thời với quan điểm “không để em học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, mỗi học sinh đều có cơ hội bình đẳng như nhau.

plugin_ckeditor_upload.upload.bdbcbfb3c09b8b55.4b686169206769e1baa36e672e6a7067.jpg

Lễ khai giảng đặc biệt của Nghệ An tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Ảnh: Hải Phong )

Thứ ba, bố trí khung thời gian hợp lý để dạy học. Mỗi ngày 3 buổi: Sáng, trưa và tối; trong đó, ưu tiên buổi tối (khung giờ từ 17h00 - 19h00) cho bậc tiểu học. Việc bố trí khung thời gian sẽ đem lại những thuận lợi cho dạy và học trực tuyến, như: Giảm áp lực đường truyền để có chất lượng hơn; một thiết bị học trực tuyến có thể dùng cho nhiều học sinh trong một gia đình…

Thứ tư, về nội dung dạy học trực tuyến, chỉ dạy ở mức độ nhận biết và thông hiểu để học sinh có thể tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Còn mức độ vận dụng và vận dụng cao, những kiến thức cơ bản và cốt lõi… sẽ bố trí dạy trực tiếp khi được đến trường. Trong chương trình giáo dục tiểu học, chỉ dạy 3 môn cơ bản: Toán, Văn và Ngoại ngữ; riêng đối với học sinh lớp 1 và lớp 2 chỉ dạy môn Toán và Tiếng Việt, tạo sự yên tâm cho phụ huynh và học sinh trong phương án học trực tuyến.

Thứ năm, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên về kỹ thuật và phương pháp dạy học trực tuyến để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

plugin_ckeditor_upload.upload.988d32ff58287ad9.434e54542e6a7067.jpg

Ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học trực tuyến ở Nghệ An

Thứ sáu , đề xuất UBND tỉnh ưu tiên tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 cho giáo viên và học sinh để an toàn cho trường học khi có điều kiện trở lại trường dạy và học trực tiếp. Trong đó, trước mắt ưu tiên cho cán bộ, giáo viên và học sinh mầm non, tiểu học.

Để thực hiện thành công những giải pháp căn cơ đó, ngành GD - ĐT mong muốn ngoài sự nỗ lực, tận tâm, quyết tâm của ngành, thì rất cần sự ủng hộ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội, đặc biệt là sự chung tay, chung sức, chung lòng, chung trí tuệ của các bậc phụ huynh, các em học sinh.

Tính đến ngày 13.8.2021, cả nước có 3.725 giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm Covid-19; trong đó, toàn tỉnh Nghệ An có 148 học sinh, 12 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Ước tính, cả nước có 4,4 triệu trẻ em bị gián đoạn giáo dục mầm non; trong đó, Nghệ An có 221.172 trẻ… Hiện, để ổn định việc học tập cho 364 học sinh là con em của các gia đình từ vùng dịch các tỉnh, thành phía Nam trở về quê sinh sống, Sở GD - ĐT tỉnh đã làm việc trực tuyến với các địa phương để chuyển hồ sơ nhập học kịp thời cho các em; phụ huynh không phải quay lại địa phương để làm thủ tục chuyển trường.

Phan Hậu

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh