Chiều 12/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tiến hành Phiên họp trực tuyến toàn quốc thứ 2 ở cả 4 cấp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Cùng dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Phạm Trọng Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

img5536-1736669817784937125483.jpg
Phiên họp trực tuyến thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Còn khoảng hơn 230.000 căn nhà tạm, nhà dột nát phải hoàn thành sửa chữa

Ngày 10/11/2024, tại Phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã thống nhất mục tiêu, quan điểm, định hướng, phương thức, cách làm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, cơ quan, địa phương.

Đến hết ngày 11/1, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn, trong đó, 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn nhà.

Từ Phiên họp thứ nhất đến nay, đã hoàn thành, bàn giao hơn 44.000 căn nhà và đang xây dựng 34.200 căn. Từ nay đến cuối năm 2025, còn khoảng hơn 230.000 căn nhà tạm, nhà dột nát phải hoàn thành.

img5538-17366698184131114530788.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, chương trình hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho người có công theo Quyết định 21 của Thủ tướng khi chưa được triển khai cấp kinh phí, nhưng một số địa phương, một số tỉnh đã ứng kinh phí để triển khai 5.196 căn cho người có công để kịp đón Tết.

Một số địa phương rất khó khăn như Hà Giang, qua kiểm tra đã khởi công mới và khánh thành trên 2.000 căn cho người nghèo trước Tết, chiếm 71% căn nhà cần hỗ trợ.

4 địa phương hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu của địa phương và Trung ương, 1 địa phương quyết tâm hoàn thành vào ngày 3/2/2025 là Bắc Ninh, 7 địa phương sẽ hoàn thành trong quý II/2025.

img5545-1736672433837234107436.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo tình hình thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

12 địa phương chậm nhất là quý III/2025; một số địa phương cũng chủ động vận động nguồn lực lớn như Nghệ An là 843 tỷ đồng, Quảng Ngãi 242 tỷ đồng, Thanh Hóa 222 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số địa phương tuy triển khai kế hoạch xây dựng, ban hành quyết định triển khai của Ban Chỉ đạo nhưng quá trình tổ chức rất chậm, thậm chí có đơn vị chưa xây dựng kế hoạch, chưa tổ chức phát động.

bna_img_5750.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Một số địa phương chưa huy động nguồn lực trên địa bàn, còn trông chờ hỗ trợ của Trung ương, chưa chủ động, quyết liệt mặc dù trong kết luận của Thủ tướng nêu rất rõ.

Một số nhà đầu tư và địa phương chưa thống nhất quá trình triển khai, thậm chí nhà đầu tư chậm, địa phương không chủ động mà chờ nhà đầu tư.

Nghệ An đã hoàn thành trên 12.000 căn nhà

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung cho biết, Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, tỷ lệ hộ nghèo cao nên trong những năm qua rất quan tâm đến công tác huy động nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

Ngay từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã xác định mục tiêu, trong giai đoạn 3 năm (2023-2025) sẽ hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

bna_img_5813.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị, thành lập Ban Chỉ đạo 3 cấp, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vận động nguồn lực để hỗ trợ thực hiện.

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành trên 12.000 căn nhà, bao gồm xây mới trên 10.000 căn; sửa chữa trên 2.000 căn, với tổng kinh phí nguồn lực huy động được là 843 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung khẳng định, thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

bna_img_5679.jpg
Các đồng chí Phó Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Trên cơ sở kinh nghiệm thời gian qua, để thực hiện thành công chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh, phải có sự tham gia của cấp ủy, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy các cấp; thành lập Ban Chỉ đạo 3 cấp; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể theo hướng "5 rõ" (Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả); thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đã tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp. Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung trân trọng cảm ơn Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các tỉnh, thành: Đồng Nai, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và các địa phương khác đã tích cực hỗ trợ, ủng hộ nguồn lực cho tỉnh Nghệ An để xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Nhấn mạnh tỉnh Nghệ An đã rà soát nhiệm vụ, số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần phải hoàn thành trong năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, đến thời điểm này, trong 5.319 căn nhà cần xây dựng, sửa chữa, tỉnh đã triển khai thực hiện được 1.089 căn. Số nhà còn lại, tỉnh đã xác định được nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa và phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/8/2025.

Tri ân đồng bào, đồng chí sau 80 năm giành độc lập

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã chú trọng, tích cực, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, góp phần vào thành quả bước đầu hết sức tích cực, quan trọng trong chương trình.

img5564-1736677563881264526262.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp thứ 2, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ cũng trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã chung tay, tích cực hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Tính đến ngày 2/1/2025, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận thêm 72 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các địa phương đã vận động được hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó, biểu dương tỉnh Nghệ An đã huy động được 843 tỷ đồng, Quảng Ngãi được hơn 242 tỷ đồng, Thanh Hóa được 220 tỷ đồng...

Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành các nhiệm vụ được giao; chưa quyết liệt, ban hành kế hoạch và triển khai hành động và yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đã được thể hiện rõ trong các Kết luận, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025, tri ân đồng bào, đồng chí sau 80 năm giành độc lập và thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Vì vậy, phải quán triệt phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ". Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm.

bna_img_5619.jpg
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

Chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát để các địa phương có cơ sở thực hiện. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Cập nhật, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương để chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền, Ban Chỉ đạo Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền để bảo đảm tiến độ, mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Cùng đó, kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng những cách làm hay, gương điển hình và xem xét xử lý, kỷ luật những trường hợp chậm tiến độ, không tích cực, thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình, nhất là trong huy động nguồn lực và giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Yêu cầu các địa phương chưa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phê bình, kỷ luật và ban hành ngay trước ngày 15/1/2025.

bna_img_5651.jpg
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Mặt khác, thường xuyên theo dõi, cập nhật kết quả thực hiện theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm của từng cấp chính quyền cơ sở. Yêu cầu cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo địa phương cập nhật số liệu hằng ngày trên phần mềm Bộ LĐ-TB&XH đã gửi các địa phương; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp nếu chậm không cập nhật báo cáo hằng ngày.

Yêu cầu các địa phương chủ động xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Khẳng định nhiệm vụ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang, là trách nhiệm cao cả của cán bộ, đảng viên, là tình cảm tương thân, tương ái xuất phát từ trái tim, nên nặng nề mấy cũng phải làm, khó khăn, thách thức mấy cũng phải vượt qua, phức tạp mấy cũng phải xử lý, vướng mắc mấy cũng phải tháo gỡ, làm việc với tất cả tấm lòng, trái tim, khối óc của mình với những người khó khăn, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đặc biệt, quan tâm tập trung lãnh đạo chỉ đạo để thực hiện thành công mục tiêu đề ra là xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.