Thủ tướng Chính phủ biểu dương tỉnh Nghệ An trong triển khai Đề án 06
Sáng 10/6, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương: TP. Vinh, huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên.
CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC, HẠN CHẾ
Sau quá trình triển khai Đề án 06, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã nhận diện 5 nhóm vấn đề: pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn bảo mật, nguồn lực triển khai, là các "điểm nghẽn". Ngày 23/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 452 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn" này với 23 nhóm nhiệm vụ.
Qua 1 năm triển khai, các bộ, ngành, địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng và có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 1/8 nhiệm vụ chung và 11/15 nhiệm vụ cụ thể.
Tuy nhiên, việc xử lý các “điểm nghẽn” vẫn chưa hoàn thành, nhiều nhiệm vụ chậm muộn, làm cản trở lộ trình triển khai cũng như hiệu quả của Đề án 06. Quá trình thực hiện cũng phát sinh thêm một số nội dung mới thuộc 5 “điểm nghẽn” cần tiếp tục tháo gỡ.
Về pháp lý, việc rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm so với yêu cầu, vẫn còn 317/1.084 thủ tục hành chính cần tiếp tục sửa đổi, đơn giản hóa. Về dịch vụ công trực tuyến, còn 6 bộ, ngành chưa hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch công Quốc gia đối với 6 thủ tục hành chính.
Về hạ tầng công nghệ, còn 11 bộ, ngành và 8 địa phương chưa thực hiện gửi báo cáo kết quả, rà soát, đánh giá đáp ứng các tiêu chí an toàn, an ninh mạng. Còn 10 bộ, ngành và 3 địa phương chưa hoàn thành việc kết nối dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Về dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế. Tỷ lệ số hóa, tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn thấp.
Về an ninh, an toàn bảo mật, còn 21/100 hệ thống thông tin chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng; 11/100 hệ thống thông tin của 4 cơ quan chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng.
Về nguồn lực triển khai, các bộ, ngành, địa phương chưa có đề xuất về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án thuộc Đề án 06 trong nội bộ các đơn vị; các nhiệm vụ của đề án manh mún, chắp vá, không được triển khai một cách tổng thể.
Bộ Tài chính cho biết, đến nay, đã hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân để đồng bộ với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử đạt tỷ lệ 97,57%; chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử với 847 doanh nghiệp.
Nhờ đó, năm 2022, Bộ Tài chính đã thu thuế từ 46.767 doanh nghiệp và 156.342 cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 là 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2024 là 50.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, cơ quan, địa phương đã trình bày các tham luận báo cáo về kết quả triển khai các "điểm nghẽn", nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM, "CHỈ BÀN LÀM, KHÔNG BÀN LÙI"
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điểm lại các kết quả tích cực sau quá trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ, tháo gỡ các "điểm nghẽn" Đề án 06 và thực hiện Chỉ thị 18 của Chính phủ; qua đó, ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương.
Nhiều địa phương có các cách làm hay, sáng tạo như: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Khánh Hòa…
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế chỉ ra, trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ còn lại rất nặng nề, nhưng rất quan trọng, không kém phần vẻ vang.
Vì vậy, yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, "không nói không", "không nói khó", "không nói có mà không làm", phát huy tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có hiệu quả, "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Để xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế, các bộ, ngành cần phải khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu dân cư, kết nối chia sẻ dữ liệu và chuyển đổi số quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương không được trông chờ, ỷ lại, phải tích cực, sáng tạo, đổi mới trong điều kiện thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân; đảm bảo các điều kiện cần thiết để từ ngày 1/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, phục vụ giải quyết dịch vụ thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hình thành kho thông tin định danh số liệu công dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính. Đẩy mạnh, tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển chính phủ số, thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số thường xuyên, liên tục, an toàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, thực hiện đồng bộ các giải pháp về hoá đơn điện tử, nhất là trong quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Đẩy mạnh số hoá, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử; xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ quan kinh doanh không xuất hoá đơn điện tử.
Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ động rà soát và khắc phục hiệu quả 6 nhóm vấn đề được xác định là "điểm nghẽn" trong Đề án 06.
Phạm Bằng