Xác định phương án mở rộng

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2024, UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã thông qua Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An. UBND tỉnh sẽ tiếp tục báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét và chấp thuận phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An; đổi tên Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành Khu kinh tế Nghệ An.

UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xác định, việc mở rộng ranh giới Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là thực sự cần thiết và cấp bách; đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội cả nước và của tỉnh Nghệ An; phù hợp với các định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng và tỉnh Nghệ An trong thời gian qua.

bna-img-3369-1935.jpg.webp
Toàn cảnh phiên họp UBND tỉnh tháng 2/2024. Ảnh: Phạm Bằng

Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị xác định, Khu kinh tế Đông Nam mở rộng là 1 trong 2 khu vực động lực tăng trưởng của tỉnh. Nhiệm vụ lập đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An và trình phê duyệt năm 2024 là một trong 18 nhiệm vụ, đề án cụ thể chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Theo đó, Đề án xác định mở rộng ranh giới Khu kinh tế Nghệ An theo các trục giao thông đối ngoại kết nối khu kinh tế như Quốc lộ 7A, 7C, 46, Quốc lộ 1A (đoạn tránh thành phố Vinh), Quốc lộ 48D, 48B, đường bộ ven biển và một phần khu vực biển để đảm bảo quỹ đất phát triển lâu dài (đến năm 2050) của Khu kinh tế Nghệ An.

Phạm vi ranh giới mở rộng bao gồm: Khu vực 1: Quy hoạch phát triển mở rộng về phía Tây và Tây Nam ranh giới Khu kinh tế Đông Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 85/2007/QĐ- TTg ngày 11/6/2007, theo các trục giao thông Quốc lộ 7A, 7C, Quốc lộ 1A tránh Vinh, Quốc lộ 46 và mặt biển phía Đông.

Khu vực 2: Từ quy hoạch các Khu công nghiệp đã có (Khu công nghiệp Đông Hồi, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Khu công nghiệp Nghĩa Đàn), Quy hoạch phát triển theo các trục giao thông Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, Quốc lộ 48D.

1-2889.jpg.webp
Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng đề án, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và đơn vị tư vấn đề xuất 2 phương án mở rộng. Sau khi nghiên cứu, phân tích, thảo luận, UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã thống nhất lựa chọn mở rộng Khu kinh tế Đông Nam theo phương án 1.

Cụ thể, tổng diện tích Khu kinh tế sau khi mở rộng khoảng 104.269,94ha. Trong đó có 93.319,94ha đất liền (bao gồm phần diện tích Khu kinh tế hiện hữu 20.776,47 ha và diện tích tích mở rộng là 72.543,47 ha) và 10.950 ha mặt biển, bao gồm 57 xã, thị trấn, phường thuộc 10 huyện, thành phố, thị xã.

Khu kinh tế Đông Nam được mở rộng bao gồm 2 khu vực. Khu vực 1 có diện tích đất liền phát triển mới khoảng 43.629,71 ha và diện tích mặt biển khoảng 6.500 ha; ranh giới đất liền bao gồm 27 xã, thị trấn thuộc 5 huyện: Nghi Lộc, Đô Lương, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Nam Đàn.

2-6306.jpg.webp

Tổng diện tích khu vực này sau khi mở rộng có 63.206,18 ha đất liền và 6.500 ha mặt biển. Trong đó, diện tích thành lập năm 2007 là 18.826,47 ha; Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP 750ha; phần mở rộng 43.629,71 ha đất liền và 6.500 ha mặt biển.

Khu vực 2 có diện tích khoảng 30.113,76ha đất liền và 4.450ha mặt biển; bao gồm 9 xã, phường thuộc 3 huyện, thị: 4 xã, phường thuộc thị xã Hoàng Mai, các huyện: Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn.

Trong khu vực, diện tích 30.113,76 ha đất liền và 4.450ha mặt biển bao gồm: 1.200ha diện tích quy hoạch các Khu công nghiệp Hoàng Mai, Khu công nghiệp Đông Hồi thuộc Khu kinh tế Đông Nam hiện hữu; diện tích mở rộng là 28.913,76ha đất liền và 4.450ha mặt biển.

3-8631.jpg.webp

Tạo động lực phát triển quan trọng

Theo đề án, việc mở rộng ranh giới, diện tích Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An nhằm đảm bảo tạo quỹ đất đầu tư phát triển trong tương lai. Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành một khu vực phát triển năng động, một trọng điểm phát triển của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ, tạo động lực mạnh để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận phát triển nhanh,thu hẹp khoảng cách phát triển với vùng Kinh tế trọng điểm cả nước.

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành một khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, cảng biển Đông Hồi.

Quy hoạch, xây dựng Khu kinh tế có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có cảng nước sâu và các loại hình dịch vụ logistics và vận tải, thương mại, công nghệ thông tin, du lịch, giáo dục, y tế... chất lượng cao, kết nối thuận lợi với thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh.

bna-0583-6714.jpg.webp
Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Triển khai một số công trình hạ tầng kỹ thuật - kinh tế - xã hội quan trọng. Tạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; từng bước hình thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực.

Hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi, cơ chế, chính sách thông thoáng; tranh thủ cơ hội triển khai một số công trình hạ tầng kỹ thuật kinh tế -xã hội quan trọng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất, kinh doanh tại Khu kinh tế Đông Nam.

Đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng trong các khu đô thị sinh thái, thân thiện môi trường; Bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn Khu kinh tế và khu vực phụ cận.

khu-cang-nghia-p-wha-1-6175.jpg.webp
Khu công nghiệp WHA giai đoạn 1. Ảnh: Thành Cường

Đề án cũng xác định tính chất Khu kinh tế; định hướng phát triển không gian; kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế; đề ra các nhóm giải pháp thực hiện.

Tính đến tháng 11/2023, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có 273 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 131.252,76 tỷ đồng, trong đó có 81 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 3,54 tỷ USD.

Tổng diện tích đất của các khu chức năng trong khu kinh tế đã được giao hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê để thực hiện dự án đầu tư hơn 14.315/20.776,47 ha, chiếm hơn 70% tổng diện tích của khu kinh tế, đảm bảo điều kiện mở rộng theo quy định Nghị định số 35 của Chính phủ.

Phạm Bằng