“Cửa hẹp” vào công lập
1 năm trước, với hơn 21 điểm, thiếu 0,5 điểm, con gái của chị Thu Huyền (xã Hưng Lộc, thành phố Vinh) buộc phải chuyển sang học ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ - một trường ngoài công lập thành phố Vinh. Với mức học phí cao hơn trường công lập, điều này thực sự là khó khăn đối với gia đình.
Chia sẻ về điều này, chị Huyền cho biết: “Tôi thực sự tiếc nuối vì điểm Toán, Ngữ văn cháu làm rất khá và chỉ sơ suất rất nhỏ trong bài thi tiếng Anh khiến cháu mất cơ hội vào công lập. Mức điểm này nếu ở địa phương khác chắc sẽ dễ dàng hơn nhiều…”.
Hoàn cảnh của gia đình chị Huyền rất khó khăn, bởi năm ngoái chồng chị bị tai biến nặng, tưởng không qua khỏi. Gần 1 năm qua, vừa phải chăm chồng nằm liên tục trong bệnh viện với kinh phí đắt đỏ, gia đình chị còn phải gồng gánh thêm tiền học cho con. Đó cũng là lý do vì sao, dù điểm thi của con đủ để vào học hệ tiên tiến ở trường công lập nhưng chị và gia đình buộc phải từ bỏ vì không thể trang trải.
Những bữa cơm vội vàng ngay trên xe đã không còn là chuyện lạ với mẹ con chị Huệ Anh (phường Vinh Tân - thành phố Vinh) kể từ khi con bắt đầu cuộc đua vào lớp 10. Mỗi ngày, lịch học trên lớp cộng với lịch học thêm dày đặc khiến thời gian nghỉ ngơi của con chị đã không còn.
Thậm chí, nhiều buổi học, con chị chạy xô đến 3 - 4 ca khiến không chỉ con mà phụ huynh cũng kiệt sức. Để đảm bảo sức khỏe cho con, chị thường nấu cơm ở nhà và cho vào hộp, tranh thủ thời gian chuyển giao giữa các ca học, con thường ăn ngay trên xe để không bị muộn giờ.
Là giáo viên dạy ôn luyện môn Toán ở một trung tâm gia sư tại thành phố Vinh, thầy giáo Chu Quốc Hùng kể rằng, rất thương các học trò lớp 9 cuối cấp, bởi hầu như buổi học nào cũng có bạn đến muộn với lý do “trùng ca học” hoặc chạy xô liên tục từ ca này sang ca khác. “Năm nay số học sinh thi vào lớp 10 tăng mà chỉ tiêu lại ít, nên việc cạnh tranh vào lớp 10 sẽ vất vả hơn. Tôi rất thương các em, nhiều hôm tôi mua thêm bánh mì, kẹo để các em có thêm sức để học, có em xin thầy ăn tạm mì gói. Nhiều em học nhiều quá, vào học mà mắt ríu lại, chúng tôi lại phải động viên nhau cố gắng”, thầy Hùng kể lại.
Cần tăng chỉ tiêu
Thành phố Vinh luôn là điểm nóng trong tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi này được ví còn “căng” hơn kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Điều không công bằng với học sinh thành phố Vinh đó là trong khi nhiều địa phương khác trong tỉnh, điểm thi đầu vào rất thấp (chưa đến 5 điểm/môn) vẫn có thể đậu công lập thì điểm đầu vào ở TP. Vinh lại có khoảng cách khác biệt.
Như năm học 2023 - 2024, điểm chuẩn ở các trường huyện cao nhất là Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên) là 19,35 điểm (đợt 1) thì các trường ở thành phố Vinh là 22,6 điểm (THPT Hà Huy Tập), 22,7 điểm (THPT Lê Viết Thuật) và cao nhất là THPT Huỳnh Thúc Kháng (25,35 điểm). Các trường còn lại, dù là trường tốp đầu của các huyện cũng chỉ dao động từ 17 - 18 điểm.
Mức chênh lệch quá lớn khiến học sinh thành phố Vinh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đua vào công lập. Điều này cũng dẫn đến nghịch lý đó là học sinh ở các trường huyện có nhiều em điểm thấp vẫn trúng tuyển công lập. Trong khi đó, học sinh thành phố điểm cao, có khi hơn 8 điểm/môn vẫn phải học trường ngoài công lập.
Theo nhiều giáo viên và phụ huynh, áp lực tuyển sinh vào lớp 10 ở thành phố Vinh không chỉ diễn ra trong năm nay khi số lượng học sinh của toàn thành phố tăng đột biến, với gần 800 em mà đã diễn ra nhiều năm qua.
Đáng nói, dù số lượng học sinh tăng nhưng chỉ tiêu vào các trường công lập vẫn giữ ổn định như các năm trước. Vì thế, áp lực mùa thi năm sau lại càng tăng hơn năm trước.
Tôi thấy ở thành phố Vinh, chỉ tiêu vào các trường công lập quá ít, vì thế áp lực tuyển sinh lớp 10 cho các học sinh là rất lớn. Điều này hết sức thiệt thòi và buộc học sinh phải học rất nhiều, ngoài học chính khóa ở trường, các em còn phải học thêm ở ngoài, có những môn chuyên học đến 2 -3 thầy cô.
Hiện trên toàn tỉnh, thành phố Vinh là địa phương có số lượng học sinh dự thi vào lớp 10 đông nhất. Trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay, theo tổng hợp, học sinh ở TP. Vinh là hơn 6.000 em, cao hơn các huyện khác như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu từ 100 - 1.500 học sinh.
Số học sinh cũng cao gần gấp đôi so với các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc và cao hơn rất nhiều so với các huyện khác như Tân Kỳ, TX. Thái Hòa, Nam Đàn…
Tuy nhiên, nếu như các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương, mỗi huyện đều có từ 4 - 5 trường công lập thì tại thành phố Vinh chỉ có 3 trường. Điều này dẫn đến bất cập bởi ở các trường huyện, tỷ lệ đậu công lập thường đến 80 - 90% thì tại thành phố Vinh, tỷ lệ này chỉ từ 55 - 60%.
Hai năm qua, trước việc áp lực tuyển sinh lớp 10 ở thành phố Vinh ngày càng tăng, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Vinh đã tính tới việc mở cơ sở 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, kế hoạch mở rộng vẫn chưa thực hiện.
Trước thực tế trên, nhiều phụ huynh cho rằng, vào mùa tuyển sinh năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tính toán tăng chỉ tiêu, tăng lớp cho các trường công lập ở thành phố Vinh nhằm giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp và tạo công bằng cho học sinh thành phố Vinh. Bên cạnh đó, cần có giải pháp lâu dài mở rộng quy mô trường lớp đón đầu việc học sinh sẽ tiếp tục tăng nhanh trong các năm tới, nhất là những năm được xem là “năm đẹp”./.