Thành kính Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn
Tối 11/10, hướng tới kỷ niệm 56 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2024), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Huyện ủy Đô Lương, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.
Dự lễ có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Đức Cường - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phạm Trọng Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh.
Về phía Ban tổ chức Đại lễ có Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Uỷ viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An; cùng các chư tôn đức hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng, ni, phật tử.
Cùng dự có thân nhân các anh hùng, liệt sĩ và đông đảo Nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghệ An là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, là tiền tuyến lớn của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Truông Bồn là huyết mạch giao thông chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Trong khói lửa, đạn bom ác liệt, sự sống và cái chết cận kề, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến và người dân đã kiên cường bám trụ, mưu trí, chiến đấu dũng cảm với quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”; “sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường dũng cảm”.
1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh tại Truông Bồn; trong đó, sự hy sinh bi tráng của 13 thanh niên xung phong Tiểu đội 2 - “Tiểu đội Thép” thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An ngày 31/10/1968, ngay trước khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom ở miền Bắc vào 0 giờ ngày 1/11/1968, đã trở thành những tấm gương bất tử của chủ nghĩa yêu nước và cách mạng.
56 năm trôi qua, bài ca Truông Bồn vẫn vang vọng, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Máu, mồ hôi và nước mắt hòa quyện nơi đất thiêng Truông Bồn, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh ngay trên “tọa độ lửa” năm xưa. Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn là biểu tượng lịch sử của Thanh niên xung phong Nghệ An, nơi hội tụ hồn thiêng của 1.240 cán bộ, chiến sĩ của quân và dân ta đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông Truông Bồn - làm nên một Truông Bồn huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Nơi đây ngày ngày luôn ngát hương hoa của du khách trong và ngoài nước đến thăm viếng, tri ân các chị, các anh, những người đã anh dũng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Thông qua Lễ tưởng niệm, chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh quật khởi, ý chí bất khuất, kiên cường và sự gan dạ hy sinh anh dũng, rất đáng khâm phục của những người con Xô viết, xứ Nghệ.
“Đây là dịp để thế hệ hôm nay đặc biệt là thế hệ trẻ soi rọi lại mình, nguyện phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sống xứng đáng hơn với sự hy sinh to lớn của các anh, các chị”, đồng chí Nguyễn Thị Phương Thúy - Bí thư Tỉnh đoàn phát biểu.
Trong không gian thiêng liêng, Ban tổ chức và các đại biểu thành kính dâng lễ, tiến cỗ, rước linh vị các liệt sĩ, niệm Phật cầu gia hộ và giành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trên “tọa độ lửa” Truông Bồn.
“Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam, trong đó có giới tăng ni, phật tử mãi mãi ghi công, đời đời tưởng nhớ những người con ưu tú của dải đất miền Trung xứ Nghệ”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An chia sẻ trong diễn văn tưởng niệm. “Bằng hành động cụ thể, lợi đạo ích đời, tăng ni, phật tử và các tầng lớp nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ nỗ lực hết mình để góp phần hoàn thành mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Lễ tưởng niệm là hoạt động ý nghĩa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân, báo ân của dân tộc Việt Nam với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do.