Lý do, như trong Báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Thường trực Ủy ban Kinh tế là bởi dù trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 3.11, các quy định trong dự thảo luật đã được tiếp tục hoàn thiện hơn. Thế nhưng nhiều nội dung, chính sách lớn vẫn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau; chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.
Bên cạnh đó, khi thảo luận tại hội trường, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án luật tại Kỳ họp này. Có 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo luật nhưng phải bảo đảm chất lượng. 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án luật khi còn quá nhiều ý kiến khác...
Ngoài ra, các vấn đề khác như dự thảo các nghị định, văn bản hướng dẫn luật cũng cần có thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của luật sau khi được ban hành để các chính sách của luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tránh tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư...
Cần nhắc lại rằng, khi phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 3.11 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã nêu rõ, đây là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Khi sửa đổi luật đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân.
Các quy định của luật cũng ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội cũng như quyền và lợi ích của người dân. Do đó, chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Qua 2 kỳ họp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực, dự thảo luật từng bước được hoàn thiện, nhiều nội dung quan trọng đã được thể chế hóa.
Tuy nhiên, còn nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có điều kiện rà soát kỹ các nội dung cần có điều kiện chuyển tiếp, việc rà soát, hoàn thiện cần có thời gian, thận trọng và kỹ lưỡng.
Đồng tình với nhận định này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật do nhiều nội dung còn các phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hơn nữa, Luật Đất đai rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước nên càng đòi hỏi phải kỹ lưỡng, thận trọng hơn.
Được đưa ra cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư, đến Kỳ họp này, đây là lần thứ 3, Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này. Ngoài ra, hàng loạt hội nghị, hội thảo, nhất là việc lấy ý kiến nhân dân cũng đã được tổ chức với mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng của dự án luật.
Từ đó tạo cơ sở pháp lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn; góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Vậy nên, việc chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này là quyết định hoàn toàn đúng đắn.