Tạo dựng và nâng cao giá trị của phụ nữ trong cuộc sống hiện đại

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Phải nói rằng, ngày nay, phụ nữ nói chung, phụ nữ Nghệ An nói riêng bên cạnh những phẩm chất truyền thống được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong nhịp sống hiện đại với những nhận thức đầy đủ hơn về bình đẳng giới, được tiếp xúc với tri thức, khoa học, kỹ thuật… đã không còn quẩn quanh với công việc nội trợ; mà phụ nữ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, không ngừng nghiên cứu, trau dồi khả năng để từng bước hoàn thiện mình; đồng thời nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị thế trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội.

Tại địa bàn nông thôn, vùng núi, phụ nữ đã chủ động, sáng tạo, tích cực trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình gia trại, trang trại, tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tạo việc làm cho phụ nữ tại địa phương.

P.V: Bên cạnh những thành quả đã đạt được, theo bà, phụ nữ trong giai đoạn hiện nay phải đối mặt với những thách thức gì?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Trong xu thế hiện đại, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu và tạo ra nhiều thay đổi lên mọi giai tầng xã hội, trong đó có phụ nữ. Vì vậy, trình độ chuyên môn, kỹ thuật có thể coi là thách thức lớn nhất đối với lao động nữ khi mà cuộc cách mạng này diễn ra. Việc bảo đảm việc làm, hiệu quả, năng suất lao động và tạo thu nhập cho lao động nữ đang là vấn đề lớn đặt ra. Đặc biệt, tình trạng hạn chế sử dụng lao động nữ ở tuổi 35 trở lên, đang là vấn đề nổi lên trong thị trường lao động, khiến lao động nữ phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm thu nhập, thậm chí mất nguồn thu nhập do giảm giờ làm hoặc mất việc làm nếu như không bắt kịp với những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật.

Cùng với đó, hành trình vươn lên của phụ nữ cũng gặp nhiều rào cản. Với trách nhiệm gia đình và trách nhiệm xã hội cùng mang trên vai, việc dung hòa giữa cuộc sống gia đình và công việc cũng là điều hết sức khó khăn. Các cuộc điều tra xã hội học đã đưa ra những cảnh báo đáng chú ý: Phụ nữ đã lao động rất vất vả trên cả phương diện xã hội và gia đình. Ngoài xã hội, phụ nữ phải lao động giống như nam giới, còn trong gia đình, đa phần phụ nữ thường phải đảm nhiệm nhiều chức năng: làm mẹ, chăm lo gia đình và nuôi dạy con cái hơn nam giới. Thực trạng này ở những vùng nông thôn, miền núi càng khắc họa rõ nét hơn.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Đồng hành cùng hội viên phụ nữ thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp cho lao động nữ; thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm để mở rộng cơ hội cho lao động nữ tiếp cận với việc làm trên thị trường lao động; truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động nữ về cách mạng 4.0 ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh, tập huấn cho phụ nữ cách thức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội…

Các cấp Hội đã quan tâm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nữ, hỗ trợ hội viên phụ nữ nâng cao năng lực, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ như: Hỗ trợ nâng cao năng lực cho 156 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, 801 phụ nữ là chủ hộ kinh doanh, 29 phụ nữ là quản lý HTX; hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối, tiếp cận thông tin, thị trường cho 570 doanh nghiệp nữ; hỗ trợ thành lập mới 41 doanh nghiệp nữ.

Cùng với đó, hội kết hợp với các đồn biên phòng sở tại để xây dựng các mô hình “Bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, mô hình “Xây dựng cơ sở hội vùng biên vững mạnh”, Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” gắn với các mô hình sinh kế. Đây là những bước đệm vững chắc để giúp phụ nữ nơi đây tạo dựng sinh kế bền vững, từng bước khẳng định giá trị của mình.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Bình đẳng giới không có nghĩa là luôn ưu tiên cho phụ nữ mà là thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới để họ phát triển, phát huy được hết khả năng, năng lực của mình trong đời sống xã hội.
Phân biệt giới xảy ra dưới nhiều hình thức kín đáo, như tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình, đảm bảo quyền nghỉ ngơi, nâng cao trình độ của phụ nữ cũng như những hình thức rõ rệt khác, như tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng gia tăng. Điều này càng đậm nét đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa.

Thời gian qua, lấy phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Nghệ An thời đại mới: Có kiến thức, đạo đức, sức khỏe và khát vọng vươn lên, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và Tổ quốc” làm trọng tâm, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện với nhiều cách làm sáng tạo, chủ động và có lộ trình cụ thể. Những nỗ lực này đã phần nào xóa dần định kiến giới trong xã hội. Tuy nhiên, khi mỗi người tự trang bị cho bản thân kiến thức đầy đủ, hiểu rõ bản chất, những thách thức của thời đại thì phụ nữ sẽ nâng cao năng lực để có kỹ năng cao hơn, thích ứng với những yêu cầu mới của thời đại.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa: Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện của bác Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ kể lại rằng: “Vào tháng 5/1968, Bác Hồ đọc lại bản Di chúc và thấy cần phải viết thêm mấy điểm về phụ nữ”. Thế rồi, trong bản Di chúc Bác viết đã có câu: “…Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Có lẽ sự tự tin khẳng định giá trị của mình trong mọi hoàn cảnh là yếu tố quan trọng nhất để chị em phụ nữ khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ và nâng cao giá trị của mình. Đó là điều mà bản thân tôi và các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An luôn mong mỏi và nỗ lực từng ngày để phụ nữ có thể thực hiện được điều đó.
P.V: Cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện!