Có được kết quả này là nhờ sự đồng thuận, chung sức của người dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM)...

Diện mạo mới, sức bật mới

Xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Chứng kiến những đổi thay của xã nhà từ khi bắt tay vào xây dựng xã NTM đến nay, ông Hồ Mậu Thành cho biết: “Chẳng thể ngờ được, từ một vùng quê thuần nông, đường làng, ngõ xóm là đường đất, đường cấp phối, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội mà giờ đã được cứng hoá, bê tông hoá hoàn toàn. Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân hiến đất, góp vật liệu, góp ngày công đã làm nên những con đường sáng xanh, sạch, đẹp. Nhà văn hoá xóm, trạm y tế xã, sân bóng chuyền, sân bóng đá, trường học… đều được đầu tư xây dựng khang trang, chính người dân được thụ hưởng từ những công trình đó nên ai cũng phấn khởi”.

Mo-hinh-rau-sach-o-Quynh-Luu.JPG
Mô hình rau sạch ở huyện Quỳnh Lưu

Không những đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà từ phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao, Quỳnh Lương đã chuyển đổi, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Đơn cử như mô hình trồng rau sạch, rau an toàn, mô hình dưa lưới công nghệ cao; mô hình nuôi tôm VietGAP, tôm công nghệ cao… Ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: “Là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thời gian qua, xã đã huy động các nguồn lực được trên 300 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển sản xuất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp hoạt động và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của Nhân dân địa phương. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/người/năm; công tác giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường cũng đã được quan tâm, củng cố và nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn khang trang sáng, xanh, sạch, đẹp hơn”.

Mo-hinh-san-xuat-sach-o-xa-NTM-Quynh-Thach.JPG
Mô hình sản xuất sạch ở xã NTM Quỳnh Thạch

Với phương châm “Huy động sức dân để lo cho dân”, “Cộng đồng dân cư là chủ thể, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, định hướng”, trong nhiều năm qua, huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, từ đó tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của Nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhờ đó, tháng 5/2022, Quỳnh Lưu được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM (tháng 5/2022). Ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng, bài học kinh nghiệm sâu sắc mà các địa phương đúc rút ra trong xây dựng NTM, đó là luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai cơ chế chính sách và các nguồn lực Nhà nước hỗ trợ xây dựng NTM. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, phát huy tinh thần tự lực, tự cường đoàn kết hợp tác, khát vọng vươn lên làm giàu, làm đẹp thôn xóm của mình đối với mỗi người dân...

mo-hinh-trong-nho-tren-at-lua-o-nghi-trung-nghi-loc.jpg
Mô hình trồng nho trên đất lúa ở Nghi Trung, Nghi Lộc

Không riêng gì Quỳnh Lưu, nhờ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương từ Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành… lên Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương… những miền quê vốn nhiều khó khăn trước đây, nay đã chuyển mình đổi thay nhanh chóng. Nhà dân cao tầng mọc lên san sát hai bên các trục đường chính; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang; nhiều mô hình phát triển kinh tế mới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được người dân thực hiện có hiệu quả… Bức tranh NTM với những gam màu tươi sáng trên quê hương Nghệ An đang hiển hiện một cách đầy ấn tượng.

Tính đến hết năm 2022, Nghệ An có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%); 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 14,23% xã nông thôn mới); có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 9 đơn vị cấp huyện, thị, thành hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, đó là TP.Vinh, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai, các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 16,95 tiêu chí/xã.. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn dự kiến đến hết năm 2022 là 35,5 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến đến cuối năm 2022 còn 6,49%, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn tại Quyết định số 4826/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến nay đạt 87%.

Đồng lòng vượt khó, bứt tốc để về đích

Tính đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 102 xã chưa cán đích NTM, đây là các xã miền núi và xã khó khăn. Đối với các xã này, nhất là ở các địa phương có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, thì việc phấn đấu đạt chuẩn đủ 19 tiêu chí trong 5 năm tới là khó khả thi. Do vậy, cần xác định mục tiêu phù hợp với các xã khó khăn để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thêm nữa, cũng cần có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để đảm bảo vai trò chủ thể thực hiện.

nuoi-tom-cong-nghe-cao.jpg
Nuôi tôm công nghệ cao

Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Do đời sống người dân trên địa bàn huyện còn khó khăn, nên để xã về đích NTM, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Để nâng mức thu nhập cho bà con, ngoài nguồn thu nhập của con em lao động tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động… thì huyện xác định tạo việc làm tại chỗ cho bà con, bằng cách vận động người dân bám rừng để nâng cao thu nhập hợp pháp; bằng các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, huyện hỗ trợ cây, con giống cho các hộ nghèo phát triển kinh tế. Trong đó, ứu tiên đối với những xã đăng ký về đích NTM”.

Nha-van-hoa-thon-xom-o-xa-Tang-Thanh-Yen-Thanh-uoc-au-tu-moi-at-tieu-chuan.JPG
Nhà văn hoá thôn xóm ở xã Tăng Thành, Yên Thành được đầu tư mới đạt tiêu chuẩn

Bên cạnh việc triển khai thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thì các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng, thôn, bản trong xây dựng nông thôn mới; chủ động ưu tiên triển khai thực hiện các tiêu chí dễ, ít kinh phí, không nên trông chờ vào nguồn vốn phân bổ từ cấp trên.

Đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg ban hành Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025 (có hiệu lực từ ngày 8/3/2022), với nhiều nội dung được bổ sung và yêu cầu cao hơn. Bởi vậy, giải pháp đặt ra là cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung, quyết liệt, sáng tạo hơn trong chỉ đạo, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo lộ trình.

nhieu-ia-phuong-trong-cac-tuyen-uong-hoa-lam-xanh-sach-ep-moi-truong.jpg
Nhiều địa phương trồng các tuyến đường hoa làm xanh sạch đẹp môi trường

Theo đó, tranh thủ tối đa nguồn lực Trung ương hỗ trợ, tăng cường lồng ghép đồng bộ, chặt chẽ nguồn vốn giữa các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình tại các địa phương. Tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn theo hướng xã hội hóa.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, sự giám sát của cộng đồng dân cư.

tren-ia-ban-nghe-an-ngay-cang-co-nhieu-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-co-hieu-qua.jpg
Trên địa bàn Nghệ An ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả

Thực hiện xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, môi trường, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới, vùng khó khăn... Duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng: “Khi đã xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài “có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc”, thì thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần không ngừng nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; và mục tiêu cao nhất vẫn là đáp ứng nhu cầu đời sống ngày càng cao của người dân”.