Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đặc biệt áp dụng đối với một số dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế, gồm: dự án xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch; dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng.
Theo đó, dự án đầu tư vào các lĩnh vực này sẽ không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết và thực hiện đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy. Nhà đầu tư các dự án này cũng được thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá những thay đổi này là bước cải cách đột phá và có ý nghĩa lớn trong thu hút đầu tư giai đoạn tới - vốn được dự báo là sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn. Thời gian qua, thủ tục về đầu tư tuy có cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế. Việc thực hiện thủ tục về đầu tư kéo dài qua nhiều bước, nhiều khâu, liên quan đến quy định trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong đó, việc thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự, và thời gian. Một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (ví dụ thủ tục xây dựng). Một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục trên kéo dài 250 - 350 ngày và thực tế có thể lâu hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu của các bên liên quan.
Do đó, khi sửa đổi Luật Đầu tư lần này, việc bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian thực hiện là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm nâng cao năng lực cạnh trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Ở một số quốc gia, ngoài việc hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư thì áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt (ở các mức độ khác nhau) cũng được coi là chìa khóa để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, quy định mới này liên quan tới nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy… Vì vậy, việc dự thảo Luật miễn thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thực hiện dự án nhưng không đồng thời sửa đổi các quy định tại các văn bản pháp luật về xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy… có thể dẫn tới tình trạng lúng túng và thiếu thống nhất khi áp dụng. Đây là điều ban soạn thảo cần tính đến và tìm giải pháp. Ví dụ có thể liệt kê trong dự thảo Luật các quy định liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy… sẽ loại trừ áp dụng với các dự án được áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt. Có như vậy chính sách đột phá mới đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.