Về kiến nghị của cử tri Vương Trung Kiên, Sở Y tế trả lời như sau:
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An là bệnh viện hạng I, tuyến tỉnh, trực thuộc Sở Y tế Nghệ An. Với chức năng, nhiệm vụ khám và điều trị các bệnh về Sản khoa và Nhi khoa trên địa bàn toàn tỉnh. Quy mô giường bệnh năm 2023 với 1.200 giường bệnh theo kế hoạch (trong đó có 50 giường bệnh XHH); 1.532 giường bệnh thực kê. Bệnh viện có 41 khoa/phòng, trung tâm, trong đó có 9 phòng chức năng, 25 khoa lâm sàng, 06 khoa cận lâm sàng và 01 trung tâm. Về nhân lực bệnh viện có 1.033 công chức, viên chức, người lao động, cụ thể: có 968 công chức, viên chức; hợp đồng lao động 65 người. Trình độ chuyên môn tại Bệnh viện ngày càng được chú trọng và nâng cao với đội ngũ trình độ chuyên môn cao như: 05 Tiến sỹ; 9 BSCKII; 34 BSCKI; 43 Thạc sĩ; 196 Bác sỹ. Tỷ lệ tuyển dụng bác sỹ tốt nghiệp bác sỹ nội trú đạt 17,1%.
Trong thời gian vừa qua, bệnh viện đã và đang không ngừng nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực để thực hiện tốt hơn mục tiêu chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ, trẻ em. Trung bình một ngày tiếp nhận gần 1.000 lượt bệnh nhân đến khám, 250 - 300 bệnh nhân vào điều trị, tỷ lệ chuyển viện 1,1%. Tại khoa khám bệnh triển khai 43 phòng khám, trong đó có 36 phòng khám chuyên ngành nhi với đầy đủ các lĩnh vực như: nội nhi, chấn thương, ngoại, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt… đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân khi đưa trẻ đi khám và chữa bệnh. Bệnh viện thực hiện đúng và đạt tiêu chí của quy trình khám bệnh theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế, về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện.
Do bệnh nhi cũng là bệnh đa khoa liên quan đến nhiều chuyên ngành sâu do đó bệnh viện đã thực hiện chia tách, mở rộng và hoàn thiện các mô hình hoạt động tại các khoa, phòng, trung tâm theo hướng chuyên sâu trên tất cả các chuyên khoa, lĩnh vực như: Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Hồi sức tích cực chống độc, Hồi sức tích cực Ngoại khoa; nội nhi, ngoại nhi, sơ sinh, Mắt, TMH, RHM... phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các dị tật ở trẻ em cũng như điều trị thành công các ca bệnh khó.
Bệnh viện đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao, cứu sống nhiều ca bệnh khó ở tất cả các lĩnh vực nhi khoa. Một số kỹ thuật cao chuyên khoa Nhi như: Thở máy HFO, lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, cấy điện cực ốc tai, chấn thương sọ não, phẫu thuật lác mắt, phẫu thuật khe hở môi vòm miệng… Triển khai và thực hiện chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo. Nuôi sống thành công nhiều trẻ sinh cực non 25 - 28 tuần, cân nặng < 1.000 gram… Nhiều bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp như đảo gốc động mạch, Fallow IV, bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi, kênh nhĩ thất toàn phần, bán phần, tim ba buồng nhĩ, thông liên thất, thông liên nhĩ đã được các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi phẫu thuật điều trị thành công. Đặc biệt, bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật tim bằng phương pháp mổ ít xâm lấn qua đường nách.
Về hợp tác, chuyển giao kỹ thuật, bệnh viện tăng cường tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến Trung ương, thường xuyên mời chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực chuyên môn để vừa trực tiếp khám, chữa bệnh, vừa đào tạo cho đội ngũ cán bộ chuyên môn của bệnh viện theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Riêng trong năm 2022, đã có 42 đợt chuyên gia tuyến trên như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Tim Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia về hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật tại bệnh viện.
Bệnh viện chú trọng xây dựng bệnh viện thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý tất cả các hoạt động của Bệnh viện. Bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử. Năm 2022, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong y tế như chữ ký số, sinh trắc vân tay, lưu trữ hình ảnh, thanh toán không dùng tiền mặt, khảo sát không hài lòng người bệnh qua hệ thống màn hình chờ… Bệnh viện ứng dụng nhiều phần mềm để cung cấp tiện ích cho cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh.
Tồn tại, hạn chế và khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được bệnh viện còn gặp một số tồn tại khó khăn như:
- Cơ sở vật chất chật hẹp, khó khăn để mở rộng, phát triển khoa, phòng; không đủ diện tích thiết lập các khu vực tiện ích (khu vui chơi trẻ em…) cho bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhi; Không đủ diện tích thiết lập các khu vực phục vụ đời sống cán bộ, viên chức, người lao động (nhà để xe,…).
- Một số trang thiết bị kỹ thuật cao chưa được bổ sung, như: máy chụp mạch, máy ECMO, MRI 1.5, … Số trang thiết bị đang sử dụng bước sang giai đoạn xuống cấp, giảm chất lượng sử dụng, phải thường xuyên sửa chữa, bảo trì…
- Chưa có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Bệnh viện. Nhân lực Bác sỹ trình độ cao đang thiếu do bác sỹ đã tuyển hàng năm đang trong quá trình đào tạo định hướng, chuyên sâu.
- Năm 2023 có sự thay đổi đối tượng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện nên việc đổi thẻ BHYT thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu mới triển khai nên người dân còn chưa quen, cùng với tỉ lệ đổi thẻ nhiều gây nên khó khăn cho người dân trong việc đăng kí và làm thủ tục đổi thẻ, ảnh hưởng đến chế độ và quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người bệnh và người nhà người bệnh.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới
- Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng bộ phục vụ tốt cho công tác phát triển chuyên môn-khoa học kỹ thuật. Hoàn thiện cơ cấu Bệnh viện, thực hiện lộ trình chia tách các khoa, phòng theo đề án tự chủ đã phê duyệt. Triển khai trung tâm hỗ trợ sinh sản.
- Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Tăng cường công tác hợp tác, chuyển giao kỹ thuật với các bệnh viện tuyến trên. Cử cán bộ đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
- Đẩy mạnh hoạt động Công tác xã hội và chăm sóc khách hàng, truyền thông - marketing trong Bệnh viện theo định hướng của Bệnh viện.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ứng dụng chuyển đổi số trong khám, điều trị bệnh nhân.