Kiến nghị xem xét chỉ hỗ trợ kinh phí cho các xã có hoạt động khoáng sản; có cơ chế, chính sách rõ ràng như quy định tại khoản 1, điều 5, Luật khoáng sản.
Về kiến nghị của cử tri huyện Quỳ Hợp, Sở Tài chính trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước: Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tống hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước.
Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và các văn bản hướng dẫn thực hiện dự toán thu chi NSNN hàng năm của Bộ Tài chính, nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp 100% vào ngân sách nhà nước, điều tiết ngân sách theo các cơ quan thu và được cân đối cho các nhiệm vụ chi sự nghiệp môi trường toàn tỉnh (không phân biệt khắc phục các công trình ô nhiễm môi trường đối với khoáng sản).
Phí bảo vệ môi trường là khoản thu cân đối theo quy định của Luật NSNN do đó tất các khoản thu được trung ương tính toán và giao dự toán thu Ngân sách nhà nước ngay đầu thời kỳ ổn định ngân sách. Tỉnh Nghệ An là tỉnh hưởng trợ cấp cân đối nên số bổ sung cân đối đã được Trung ương tính toán và giao gắn liền với các khoản thu trên.
Đối với tỉnh Nghệ An, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021, trong đó quy định tỷ lệ điều tiết đối với phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: ngân sách cấp huyện hưởng 50% và ngân sách cấp xã hưởng 50%.
Ngoài ra, để hỗ trợ thêm các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó đã điều chỉnh tăng định mức chi sự nghiệp bảo vệ môi trường (tăng gấp 3,6 lần so với giai đoạn kỳ ổn định ngân sách 2015-2021), ngoài ra còn được bổ sung tiêu chí đặc thù hỗ trợ cho huyện để khắc phục ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản và thiệt hại do thủy điện xả lũ trực tiếp, cụ thể:
- Hỗ trợ các địa phương khắc phục ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản, hoạt động chăn nuôi lớn, nhà máy xử lý rác thải: huyện Quỳ Hợp: 5.000 triệu đồng/năm; Các huyện: Đô Lương, Anh Sơn và thị xã Hoàng Mai: 3.000 triệu đồng/đơn vị/năm; Các huyện: Nghi Lộc, Yên Thành, Nghĩa Đàn: 2.000 triệu đồng/đơn vị/năm.
- Hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do thủy điện xả lũ trực tiếp: huyện Tương Dương: 5.000 triệu đồng/đơn vị/năm; Huyện Kỳ Sơn và Quế Phong: 3.000 triệu đồng/đơn vị/năm; huyện Con Cuông: 2.000 triệu đồng/đơn vị/năm.
Như vậy, tỉnh Nghệ An đã thực hiện điều tiết phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Đồng thời đã ưu tiên hỗ trợ cho các đơn vị ảnh hưởng trực tiếp ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản.