Cùng dự có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan. Về phía đơn vị được giám sát có đồng chí Phùng Thành Vinh - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các phòng, ban và các đơn vị liên quan.
Tại ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài cơ quan Sở còn có 8 đơn vị hành chính và 23 đơn vị sự nghiệp. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong giai đoạn 2015 – 2021, khi thực hiện Nghị quyết TW6-khóa XII, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giảm được 3/26 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; Chuyển 69 trạm nông nghiệp trực thuộc cho cấp huyện quản lý để thành lập 21 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp; Bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy của 4 đơn vị sự nghiệp công lập, mỗi đơn vị giảm 1 phòng; Chuyển 4 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên...
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành nông nghiệp được UBND tỉnh giao là 534 viên chức, 442 hợp đồng lao động và 19 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/CP của Chính phủ.
Mặc dù đã giảm được nhiều đầu mối sau khi sắp xếp lại các đơn vị, tuy nhiên theo đánh giá, một số phương án, đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn chồng chéo; một số cơ quan, đơn vị không có số người đến tuổi nghỉ hưu nên phải giảm ở các đơn vị khác, gây khó khăn cho việc cân đối nhân sự ở từng đơn vị và ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ chung của ngành. Việc giao các trạm cho các huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp khiến cho các đơn vị cấp tỉnh như Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có nhân lực mỏng, trong khi địa bàn hoạt động rộng nên rất khó khăn trong việc điều tra, phát hiện và xử lý dịch bệnh...
Trên cơ sở những kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện đoàn giám sát cũng đề nghị xem xét nghiên cứu mô hình hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả các trạm, sau khi giao về cho các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc huyện. Bởi qua khảo sát có 20/21 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xác nhận hoạt động hiệu quả.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ việc thực hiện cơ chế tự chủ trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính, tăng cường phân cấp, tăng tính chủ động của đơn vị sự nghiệp công lập; việc xây dựng lộ trình tinh giản biên chế; đề xuất các giải pháp, chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập; vấn đề thu hút đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tham gia các dịch vụ công lĩnh vực nông nghiệp...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đánh giá cao vai trò của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế, xã hội. Đồng thời, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc mà ngành đang gặp phải trong tình hình hiện nay.
Liên quan đến việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định, đây là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, đòi hỏi phải thực hiện một cách xuyên suốt và hiệu quả. Mặc dù trong quá trình thực hiện còn có một số vướng mắc, dù vậy ngành cũng cần phải nỗ lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời phải đánh giá, tổng hợp, kịp thời trình các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ...
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Thái Thị An Chung - đại diện Đoàn giám sát, ghi nhận những kết quả của ngành Nông nghiệp trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh trong việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp. Bên cạnh đó, ngành cũng cần đánh giá cụ thể hiệu quả của các đơn vị sau sắp xếp, để Quốc hội có cái nhìn tổng quan, qua đó đưa ra giải pháp điều chỉnh phù hợp, kịp thời.
Trên cơ sở những kiến nghị của ngành, Đoàn giám sát cũng sẽ có tổng hợp, báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cùng các cấp, ngành liên quan xem xét, giải quyết.
Tiến Đông