Ảnh minh họa

Về ý kiến của cử tri Nguyễn Văn Sáng, Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể công tác quản lý thu, chi (trong đó có hướng dẫn thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, vận động tài trợ) tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã; phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục trực thuộc.

Các căn cứ thực hiện: Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Công văn số 9337/UBND-VX ngày 07 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh về việc quy định nội dung vận động tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018.

Nguyên tắc vận động tài trợ: Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo. Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Quy trình thực hiện

Thực hiện quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ theo đúng quy định tại Chương II Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể như sau:

Bước 1: Trong thời gian hè, để chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho năm học, các cơ sở giáo dục tổ chức rà soát cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch vận động tài trợ (định kỳ hoặc đột xuất). Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ.

Bước 2: Báo cáo phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở; báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo trước khi tổ chức vận động tài trợ.

Bước 3: Công khai kế hoạch sau khi đã được Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt; Họp phụ huynh học sinh toàn trường để triển khai kế hoạch, kêu gọi tài trợ theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Bước 4: Thành lập Tổ tiếp nhận tài trợ để tiếp nhận tài trợ bao gồm: Thủ trưởng cơ sở giáo dục (tổ trưởng), kế toán trưởng, ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc đại diện đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện của cộng đồng dân cư trên địa bàn đặt trụ sở của cơ sở giáo dục (nếu có). Tổ tiếp nhận tài trợ có trách nhiệm phổ biến, thông tin rộng rãi mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc của hoạt động tài trợ; cung cấp thông tin về thời gian, địa chỉ, tên và số tài khoản tiếp nhận tài trợ của cơ sở giáo dục; nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất.

Bước 5: Cơ sở giáo dục lập kế hoạch sử dụng tài trợ, trong đó xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng; cách thức tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện; chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm, công trình kèm dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, định mức hiện hành. Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc để lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, người giám hộ (nếu có) và nhà tài trợ.

Bước 6: Sau khi hoàn thành công việc, các cơ sở giáo dục niêm yết công khai và báo cáo quyết toán kính phí và kết quả thực hiện với cha mẹ người học, các tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp kinh phí.

Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, nhà trường không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, tuyệt đối không được giao chỉ tiêu vận động tài trợ cho từng lớp (hoặc từng giáo viên chủ nhiệm), không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo (hoặc là điều kiện để đánh giá xếp loại thi đua)

Các cơ sở giáo dục thống kê, rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất hiện có của đơn vị thành các nhóm tài sản theo Thông tư số 13/2020TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trên cơ sở số liệu thống kê và đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất kết hợp dự báo quy mô phát triển của đơn vị để xác định nhu cầu cơ sở vật chất cần bổ sung. Căn cứ vào danh mục cần đầu tư đã xây dựng cho từng năm, kế hoạch hoạt động năm học, chương trình giáo dục nhà trường, cân đối các nguồn lực của đơn vị (nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu học phí; nguồn thu dịch vụ giáo dục, nguồn thu thực hiện thí điểm trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế ....), điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương và thu nhập, đời sống của dân cư trên địa bàn, đơn vị lựa chọn danh mục nào có thể dùng nguồn lực sẵn có của đơn vị, danh mục nào cần huy động từ nguồn tài trợ để xây dựng kế hoạch vận động tài trợ phù hợp theo từng năm học (tránh trùng lặp các nội dung đã được xây dựng ở nguồn thu).