Mục tiêu năm 2025 trở thành tỉnh khá dự kiến khó đạt

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành kế hoạch, chủ động nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND, cụ thể hóa bằng kế hoạch của ngành và nghị quyết của HĐND cấp huyện 5 năm và hàng năm để triển khai thực hiện các chỉ tiêu toàn diện, có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

z5619671191580_95fd205af429d0e8654b0476ee98a18e.jpg
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: T. Cường

Đoàn giám sát HĐND tỉnh ghi nhận: qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng; nổi bật: kinh tế tăng trưởng khá, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả tốt, là điểm sáng trong cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là các công trình, dự án trọng điểm… Kết quả thực hiện các chỉ tiêu dự kiến của các huyện Nghĩa Đàn, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Yên Thành… đạt khá cao.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhận thấy: mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc dự kiến khó đạt. Lý giải việc này, Đoàn giám sát chỉ rõ: GRDP năm 2023 ước đạt 193.374 tỷ đồng, xếp thứ 10/63 địa phương, tuy nhiên GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2023 mới đạt 56,18 triệu đồng, xếp thứ 54/63 địa phương… Bên cạnh đó, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại các địa phương chưa thống nhất, đồng bộ; có địa phương không ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) theo đúng quy định...

Đoàn giám sát cho rằng, bên cạnh khó khăn khách quan, nguyên nhân chủ quan do quá trình tham mưu xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa dự báo được hết các yếu tố ảnh hưởng nên đã đề ra một số chỉ tiêu cao, chưa sát với điều kiện cụ thể của địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND chưa thường xuyên. Công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, xử lý công việc của các ngành, địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, còn chậm trễ, nhất là trong giải quyết các thủ tục về đầu tư, giải phóng mặt bằng...

Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Khắc phục những tồn tại trên, Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp và các chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Rà soát, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu để tổ chức thực hiện có hiệu quả, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra, nhất là những chỉ tiêu dự kiến khó đạt.

Cụ thể, UBND tỉnh cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế để kịp thời có những biện pháp thu NSNN nhằm hoàn thành và vượt dự toán được giao… Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí... Đối với các chỉ tiêu môi trường, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của các tổ chức, cộng đồng dân cư; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, như: Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18.7.2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, cập nhật các quy định mới của Trung ương (các Luật, Nghị định, Thông tư...) để hướng dẫn, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời trên địa bàn toàn tỉnh…

Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cao Tiến Trung, UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát tổng thể việc triển khai thực hiện và hiệu quả của các nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh ban hành để đề xuất bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp. Bên cạnh đó, căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn tiếp theo, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách mới theo hướng tập trung nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, tránh manh mún, dàn trải; có tính khả thi cao, có khả năng kích cầu đầu tư, tạo động lực góp phần phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Mặt khác, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chú trọng công tác phối hợp, trao đổi hướng dẫn cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan, đơn vị…