Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; PGS.TS Trần Khánh Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh cùng đông đảo các văn nghệ sĩ của tỉnh.

bna_hoi-nghi-tong-ket-nganh-van-hoa_10.jpg
Các đại biểu dự lễ ra mắt tiểu thuyết "Hừng Đông" của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: Minh Quân

“Hừng Đông” là cuốn tiểu thuyết lịch sử về Phan Đăng Lưu - nhà cách mạng tiền bối, một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.

bna_ra-mat-tieu-thuyet-hung-dong_5.jpg
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Minh Quân

Sách được Nhà xuất bản Văn học ra mắt lần đầu vào cuối năm 2020 và được Nhà xuất bản Nghệ An tái bản vào năm 2024. Đây là sách do UBND tỉnh đặt hàng để tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của đất nước, của quê hương, từ đó phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường để xây dựng Nghệ An ngày càng phát triển.

bna_ra-mat-tieu-thuyet-hung-dong_1.jpg
PGS.TS, nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ về quá trình sáng tác nghệ thuật nói chung và tác phẩm "Hừng Đông" nói riêng. Ảnh: Minh Quân

Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 28/8/1941), quê ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là xã Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, nhân ái, nghĩa tình. Ông sớm bộc tư chất thông minh, hiếu học, can đảm, khí khái, giỏi về chữ Hán, tiếng Pháp, văn học, nông học, chính trị học, xã hội học... Những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ.

bna_ra-mat-tieu-thuyet-hung-dong.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: Minh Quân

Với gần 300 trang sách, dưới ngòi bút tài hoa của PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, nhà cách mạng Phan Đăng Lưu đã hiện lên đầy sinh động, chân thực, trách nhiệm trong từng giai đoạn lịch sử gắn liền với sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo nhưng cũng nhiều gian khổ, hy sinh từ lúc ông tốt nghiệp trường Canh Nông của Pháp, quyết tâm từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, tham gia các hội yêu nước và sau đó trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta.

bna_tang-sach.jpg
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tặng sách cho Nhà xuất bản Nghệ An và Thư viện tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Tại lễ ra mắt, các nhà nghiên cứu - phê bình văn học đã phát biểu cảm nhận và đánh giá cao giá trị của tiểu thuyết “Hừng Đông” cũng như những đóng góp của PGS.TS, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ đối với nền văn học - nghệ thuật của nước nhà.

bna_ra-mat-tieu-thuyet-hung-dong_3.jpg
PGS.TS Trần Khánh Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương bày tỏ cảm nhận về tác phẩm "Hừng Đông”. Ảnh: Minh Quân

PGS.TS, nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ quê ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Trong sự nghiệp văn học - nghệ thuật của mình, ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: "Chuyện tình Khau Vai" (cải lương - 2013), "Mai Hắc Đế" (cải lương - 2014), "Hoa lửa Truông Bồn" (kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh - 2017), "Ngàn năm mây trắng" (kịch hát - 2019), "Chuyện tình Khau Vai" (tiểu thuyết - 2019)… và đặc biệt là tiểu thuyết "Hừng Đông" (Nhà xuất bản Văn học - 2020 và Nhà xuất bản Nghệ An - 2024) và Bộ tiểu thuyết 5 tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh (đã xuất bản 3 tập).