Nhận diện những khó khăn
Kết quả giám sát của HĐND tỉnh cho thấy sự nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương và vai trò đồng hành của HĐND tỉnh thông qua ban hành chính sách đặc thù cho 7/21 đơn vị cấp huyện, cùng nhiều chính sách thúc đẩy phát triển liên quan đến hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển nông nghiệp…
Đối chiếu các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với báo cáo tổng hợp chung kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong giai đoạn 2021 – 2023 cùng khả năng phát triển 2 năm 2024 – 2025 của UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh, có 35/39 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh đạt và có khả năng vượt vào cuối kỳ. Cụ thể có 4/7 chỉ tiêu kinh tế; 21/21 chỉ tiêu và chỉ tiêu thành phần về văn hóa - xã hội; 8/9 chỉ tiêu về môi trường; 2/2 chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh. Kết quả nêu trên là tính tổng hợp chỉ tiêu chung toàn tỉnh, tuy nhiên việc chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện các chỉ tiêu ở từng địa phương còn có sự chênh lệch khác nhau.
Theo báo cáo, mỗi địa phương có từ 1 đến 15 chỉ tiêu dự báo khó đạt vào cuối giai đoạn, Đđển hình huyện Kỳ Sơn dự kiến có 15 chỉ tiêu; huyện Quỳ Hợp có 9 chỉ tiêu; huyện Tương Dương có 8 chỉ tiêu; huyện Quỳ Châu và Anh Sơn có 7 chỉ tiêu; huyện Con Cuông và thị xã Thái Hoà có 6 chỉ tiêu; Thanh Chương 5 chỉ tiêu; huyện Diễn Châu có 4 chỉ tiêu. Chỉ tiêu dự báo không đạt chung nhất của các địa phương và cũng là chỉ tiêu khó đạt của tỉnh là tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách và chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom rác thải. Cụ thể chỉ tiêu cả tỉnh về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân ước thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 8 - 9% (kế hoạch đề ra là 9,5 - 10,5%); thu nhập bình quân đầu người ước thực hiện năm 2025 là 75 - 80 triệu đồng (kế hoạch đề ra là 83 triệu đồng); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, năm 2023 đạt 21.508 tỷ đồng, (kế hoạch đề ra đến năm 2025 là 26.000 - 30.000 tỷ đồng). Tỷ lệ chất thải thu gom được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường năm 2023 là 72,6%, dự kiến năm 2025 là 75% (kế hoạch đề ra là 90%).
Cùng với nhận diện rõ 4/39 chỉ tiêu khó đạt vào cuối giai đoạn; qua giám sát, HĐND tỉnh cũng chỉ rõ, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá khu vực phía Bắc cũng sẽ khó đạt. Minh chứng, GRDP năm 2023 ước đạt 193.374 tỷ đồng, xếp thứ 10/63 địa phương, tuy nhiên, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2023 mới đạt 56,18 triệu đồng, xếp thứ 54/63 địa phương.
Bên cạnh khó khăn, hạn chế trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2026; báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh thường lệ giữa năm 2024 vừa qua về kết quả giám sát của HĐND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND, đồng chí Cao Tiến Trung - Uỷ viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã nêu thêm một số vấn đề đoàn giám sát ghi nhận được thông qua giám sát. Đó là việc huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư hiệu quả chưa cao; nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu và hạ tầng khu vực miền Tây; hạ tầng và dịch vụ logistic phát triển chậm; hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ. Công tác quản lý đất đai còn một số bất cập, hiệu quả sử dụng đất chưa cao; tồn đọng về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn tái diễn ở một số nơi.
Mặt khác, tình hình tranh chấp, khiếu kiện trong Nhân dân; tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn tiềm ẩn phức tạp. Công tác cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cải thiện chưa rõ nét, thiếu bền vững…
Tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng
Trên cơ sở giám sát tại các địa phương và làm việc với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, HĐND tỉnh đã ghi nhận được 61 đề xuất, kiến nghị tỉnh quan tâm giải quyết hoặc đề xuất Trung ương tháo gỡ.
Liên quan đến một số công trình đầu tư dang dở và công trình có chủ trương đầu tư nhiều năm nhưng chưa triển khai do vướng mắc về nguồn vốn, đồng chí Hồ Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngành sẽ đề xuất tỉnh kiến nghị Trung ương nghiên cứu bố trí nguồn để khôi phục lại các dự án. Đối với các dự án đầu tư mới, Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ phối hợp với Sở Tài chính cùng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương rà soát, xây dựng phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030; trong đó đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương cần xác định rõ các công trình cấp bách, trọng điểm, có tính lan toả để sắp xếp thứ tự ưu tiên trên nguyên tắc tiêu chí và định mức tính điểm cụ thể nhằm tập trung nguồn lực đầu tư và đảm bảo hiệu quả cao của công trình, dự án sau đầu tư. Ngành cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy định về đầu tư hạ tầng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng giữa các địa phương.
Về xây dựng nông thôn mới, so sánh kết quả hiện tại và chỉ tiêu đề ra đến năm 2025, số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn tỉnh cần phấn đấu là 18, nông thôn mới nâng cao là 48 và nông thôn mới kiểu mẫu là 22 xã. Tuy nhiên, cái khó hiện nay, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Thị Nhung: Trong số 92/411 xã chưa về đích nông thôn mới hiện nay chủ yếu thuộc các xã khó khăn, vùng miền núi và đồng bào dân tộc; trong khi đó bộ tiêu chí của giai đoạn 2021 – 2025 nâng cao hơn nhiều ở giai đoạn trước, nhất là tiêu chí về thu nhập, cơ sở vật chất giáo dục, y tế, nước sạch sinh hoạt. Riêng tiêu chí nước sạch, mặc dù, hiện nay người dân đã sử dụng nhiều hệ thống lọc nước, đảm bảo tiêu chí nước sạch sinh hoạt, tuy nhiên yêu cầu để công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì người dân phải sử dụng nước sạch tập trung, trong khi việc thu hút nhà đầu tư xây dựng các nhà máy nước sinh hoạt tập trung đang khó khăn, nhất là địa bàn miền núi. Đây là vấn đề các địa phương và ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tiếp tục trăn trở để có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Một vấn đề khá bức xúc cũng được HĐND tỉnh đặt ra yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm giải quyết liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng cho người dân. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Toàn thông tin: Qua rà soát toàn tỉnh có 33.000 trường hợp tồn đọng; trong đó có hơn 21.000 trường hợp đủ điều kiện cấp giấy, nay đã cấp được hơn 9.000 trường hợp, số còn lại cần có trách nhiệm từ phía người dân trong việc làm hồ sơ, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đối với khoảng 12.000 trường hợp vướng quy hoạch, tranh chấp, nhận chuyển nhượng sau năm 2008 không đủ điều kiện cấp giấy thì cần phải chờ sửa đổi quy định của Trung ương.
Việc tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh, theo đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, nhằm rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, đây cũng là chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Bởi vậy, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế đang đặt ra cùng với những bài học kinh nghiệm, giải pháp chỉ đạo điều hành đã được triển khai, mong muốn các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vào cuối năm 2025; tạo tiền đề xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026 – 2030 sát thực tiễn và có tính khả thi cao.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị các ngành, địa phương quan tâm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tăng thu ngân sách; giải ngân đầu tư công; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; nghiên cứu giải pháp xử lý các công trình, dự án đầu tư dở dang do thiếu nguồn lực. Đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá lại các chính sách hỗ trợ hiện nay; chính sách nào tiếp tục duy trì, chính sách nào nên bãi bỏ để tập trung vào những chính sách lớn, quan trọng, có tác động mạnh vào phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tính dàn trải của chính sách.