Tạo thương hiệu

Đến thăm cơ sở chế biến hoa quả sấy tại xã Minh Hợp (Quỳ Hợp), thấy thật khâm phục ý chí, khát vọng của anh Nguyễn Sơn Tin trong phát triển kinh tế tại địa phương. Từng làm việc cho một công ty của Hàn Quốc với mức lương cao, nhưng anh đã từ bỏ để về quê khởi nghiệp bằng sản phẩm hoa quả sấy.

Anh Tin cho biết: Quỳ Hợp là vùng trồng cây ăn quả nổi tiếng, nhất là đặc sản cam Vinh. Tuy nhiên, vào mùa thu hoạch thường có một nghịch lý “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Do đó, tôi đã lựa chọn khởi nghiệp bằng con đường thu mua, chế biến hoa quả sấy khô, giúp nông sản địa phương có thêm kênh tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

san-pham-ocop-quy-hop-3680.jpg

Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP “3 sao” của Công ty cổ phần Hasafood Nghệ An ở xóm Minh Hòa, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp).

Từ ý tưởng khởi nghiệp đó, năm 2021, anh Nguyễn Sơn Tin đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị dây chuyền máy móc đi vào vận hành. Chỉ tính riêng năm 2021, Công ty cổ phần Hasafood Nghệ An của anh Tin đã thu mua 60 tấn cam tươi, chế biến thành sản phẩm cam lát sấy khô, sấy lạnh; 40 tấn mít tươi thành sản phẩm mít sấy giòn; 60 tấn chuối thành sản phẩm chuối sấy giòn, chuối sấy lạnh; hàng chục tấn dứa và hiện đang chế biến sản phẩm bột trà xanh matcha… Các sản phẩm này được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước, phân phối tại nhiều cửa hàng, siêu thị bán lẻ hiện đại, tạo việc làm và thu nhập cho gần 30 lao động địa phương.

Đặc biệt, nhờ được giới thiệu quảng bá trên Website, Fanpage, qua các sàn thương mại điện tử khác nên sản phẩm hoa quả sấy được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Hiện 4 sản phẩm của công ty gồm: Mít sấy, chuối sấy, bột chè xanh matcha… đã đạt 3 sao OCOP năm 2021. Theo anh Tin, mục tiêu năm 2022 sẽ nâng cao các sản phẩm OCOP, xây dựng kế hoạch xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia…

bna-day-chuyen-san-xuat-hoa-qua-say-cua-cong-ty-co-phan-hasafood-nghe-an-26--n1.jpg

Dây chuyền sản xuất hoa quả sấy của Công ty cổ phần Hasafood Nghệ An. Ảnh: TH

Bên cạnh các sản phẩm OCOP từ hoa quả sấy, huyện Quỳ Hợp cũng khá nổi tiếng về các sản phẩm dược liệu sản xuất tại địa phương. Ông Lá Văn Duy – Giám đốc HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) cho biết: “Được thành lập từ đầu năm 2022, hoạt động chính của HTX là trồng cây dược liệu chế biến ra thành phẩm để cung cấp ra thị trường. Tất cả thành viên đều có đất trồng các loại dược liệu quy mô lớn, đồng thời hợp đồng thu mua nguyên liệu với người dân địa phương.

Hiện nay, HTX đã có hơn 30 sản phẩm được chế biến từ các cây dược liệu tại địa phương gieo trồng như: Bột rau má sấy lạnh, cao cà gai leo, cao dây thìa canh, cao an lạc miên, cao khôi bình vị, trà túi lọc cà gai leo... Trong đó, sản phẩm trà túi lọc cà gai leo, bột rau má sấy lạnh, mật ong đang tham gia đánh giá phân hạng OCOP cấp tỉnh.

Nâng tầm chất lượng OCOP

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP được cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Các xã, thị trấn triển khai Chương trình OCOP theo quy mô khác nhau, đã xây dựng và phát triển nhiều chủng loại sản phẩm hàng hóa đa dạng, thể hiện sự sáng tạo của người dân.

Cuối năm 2021, toàn huyện đã tổ chức đánh giá phân hạng cấp huyện để tham gia hội nghị đánh giá phân hạng cấp tỉnh cho 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn “3 sao” gồm: Chè xanh Sông Dinh, cam Vinh Tấn Thanh, quýt Nghệ HT01 (quýt Jeju), bột chè matcha, mít sấy giòn, chuối tiêu hồng sấy lạnh và chuối sấy giòn, trứng gà Hồng Luật và được UBND tỉnh công nhận đạt “3 sao” cho cả 7 sản phẩm. Sau khi trao quyết định và giấy chứng nhận cho 7 sản phẩm đạt chuẩn “3 sao”, huyện đã tổ chức đăng ký nội dung hỗ trợ phát triển thương hiệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn năm 2021.

bna-quy-hop-2-6453.jpg

HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) chế biến các sản phẩm dược liệu. Ảnh: TH

Từ thành công ban đầu, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của huyện Quỳ Hợp tiến hành rà soát các chủ thể có các sản phẩm được tỉnh công nhận hạng “3 sao” trở lên để hỗ trợ theo Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Ban chỉ đạo OCOP huyện đã lựa chọn Công ty cổ phần Hasafood Nghệ An ở xóm Minh Hòa, xã Minh Hợp là đơn vị có 3 sản phẩm được công nhận hạng “3 sao” cấp tỉnh để hỗ trợ chi phí mua sắm máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các sản phẩm OCOP với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng.

Năm 2022, phát huy những kết quả đã đạt được, UBND huyện Quỳ Hợp tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, đăng ký sản phẩm tiềm năng để tập trung chỉ đạo xây dựng sản phẩm OCOP ngay từ đầu năm.

Hiện nay, UBND huyện đã tiến hành đánh giá phân hạng để lựa chọn các sản phẩm tiềm năng của huyện và tham gia đánh giá phân hạng cấp tỉnh đối với 8 sản phẩm đạt “3 sao” (gồm trà túi lọc cà gai leo, bột rau má sấy lạnh, mật ong của HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường, xã Yên Hợp; cam sạch Sinh Nhàn của HTX Sinh Nhàn, xã Nghĩa Xuân; thịt gà ri Luật Hồng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp thị trấn; tranh gỗ thủ công mỹ nghệ của hộ kinh doanh Trần Ngọc Huy, xã Thọ Hợp; sản phẩm dứa sấy, bí đao sấy của Công ty cổ phần Hasafood Nghệ An) và 1 sản phẩm thăng hạng 4 sao (sản phẩm mít sấy giòn của Công ty CP Hasafood Nghệ An). Đây được kỳ vọng sẽ là những sản phẩm mang tính đột phá cho huyện Quỳ Hợp trong thời gian tới.

bna-quy-hop-4363.jpg

Các sản phẩm dược liệu được kỳ vọng sẽ là những sản phẩm mang tính đột phá cho huyện Quỳ Hợp trong thời gian tới. Ảnh: TH

Ông Quán Vi Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" được xác định là một giải pháp giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và địa phương đã đạt được những kết quả nổi bật. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, từng bước nâng cao thương hiệu sản phẩm và tiềm năng OCOP; phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, theo hướng sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm; giao phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND huyện lồng ghép các nguồn kinh phí thuộc các chương trình dự án khác nhau, nhất là nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cho các chủ thể, nội dung hỗ trợ sẽ tập trung vào nội dung áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ đầu tư trang bị sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm…”.

Thu Hương