Dám bày tỏ nguyện vọng và thể hiện mình

- Đã có kinh nghiệm từ lần tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em năm 2023, bà cảm thấy Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024 như thế nào?

c1-4338-542.jpg
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa. Ảnh: Thái Bình

- Với những kinh nghiệm, bài học rút ra từ lần tổ chức đầu tiên, công tác tổ chức phiên họp giả định lần này đã được triển khai một cách chủ động, bài bản hơn, từ việc chuẩn bị, lựa chọn nội dung, thiết kế chương trình, kịch bản, đến tập huấn, lựa chọn các đại biểu nòng cốt, đóng các vai trò chủ đạo trong diễn biến phiên họp.

Theo dõi suốt quá trình tham gia của các em trong gần ba ngày được triệu tập cho phiên họp giả định, tôi thấy các em rất trách nhiệm, như đang thực sự mang sứ mệnh đại biểu của trẻ em ở địa phương. Tại các phiên họp ở tổ, với quỹ thời gian nhiều hơn, hầu hết đại biểu trẻ em đã mạnh dạn, hăng hái bày tỏ chính kiến, thảo luận về những vấn đề thực tế xảy ra ở môi trường học tập xung quanh mình và đề xuất những giải pháp các em cho rằng sẽ hữu ích nhất. Nhiều em cho biết cảm thấy thực sự tự hào khi được tham gia diễn đàn đặc biệt này và chúng tôi thấy mỗi đại biểu trẻ em được lựa chọn đều rất xứng đáng.

- Bà ấn tượng nhất với điều gì tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024?

- Tôi đặc biệt ấn tượng trước sự xuất sắc và mạnh dạn của các em học sinh ở lứa tuổi đầu cấp trung học cơ sở, nhất là các bạn nữ. Nhiều em dám bày tỏ nguyện vọng được thể hiện mình trong những vai trò khác nhau của phiên họp. Có em đăng ký được thử nhiều vai và đều thể hiện rất xuất sắc. Ban tổ chức và Ban cố vấn đôi khi rất khó lựa chọn các thành viên chủ chốt của phiên họp bởi có rất nhiều sự lựa chọn mà thời gian của phiên họp và số lượng “vai diễn” có hạn.

-Có một số “đại biểu Quốc hội trẻ em” lần thứ hai tham gia Phiên họp giả định. Phải chăng sự kế thừa kinh nghiệm như vậy góp phần làm cho phiên họp chất lượng hơn?

- Chúng tôi gọi đó là số “đại biểu tái cử”, tỷ lệ cũng chỉ chiếm chưa đến 10%. Các em đã được tập huấn, tham gia từ phiên họp lần thứ nhất cho nên có thể dẫn dắt, giúp đỡ các bạn trong đoàn đại biểu của mình khi cần thiết. Cũng như Quốc hội thực của chúng ta, các đại biểu tái cử là những người đã thành thạo về kỹ năng hoạt động đại biểu, về quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội, có kinh nghiệm trong phát biểu, thảo luận, tranh luận, trong tiếp xúc với báo chí và sử dụng bộ máy giúp việc… nên sẽ có chất lượng hoạt động tốt hơn, chuyên nghiệp hơn so với đại biểu Quốc hội ứng cử lần đầu.

Quan tâm, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của trẻ em

- Năm nay nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức gặp gỡ các đại biểu Quốc hội trẻ em của tỉnh để trang bị kiến thức và kỹ năng trước khi tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Hai. Theo bà, điều này có ý nghĩa ra sao?

- Năm nay, Ban tổ chức đã đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội bố trí thời gian gặp gỡ, giới thiệu với các đại biểu Quốc hội trẻ em của tỉnh một số nội dung, nhất là việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan tới 2 chủ đề của phiên họp để các em có thêm thông tin quyết định nội dung thảo luận, phát biểu. Việc làm này rất cần thiết. Bởi thực tế, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đã và đang rất nỗ lực hành động vì trẻ em. Các em phải có đầy đủ thông tin, biết được rằng mình đang được quan tâm, tạo điều kiện, được chăm sóc, giáo dục như thế nào, được pháp luật quy định ra sao trước khi các em đề đạt nguyện vọng và trình bày các giải pháp của mình.

z5886344103282-f52066f5f8578e6e35fa5bc2e20a2c34-7351-245.jpg
Những ý kiến, kiến nghị của trẻ em cần được quan tâm, lắng nghe, tiếp thu. Ảnh: Lâm Hiển

-Hai chủ đề được thảo luận tại phiên họp năm nay cũng là hai chủ đề nóng, từng được nhiều đại biểu đề cập trên diễn đàn Quốc hội. Những kiến nghị từ phiên họp sẽ được tiếp thu thế nào trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như trong hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016, thưa bà?

- Trẻ em là đối tượng cử tri đặc biệt, được tham khảo ý kiến khi Nhà nước xây dựng, ban hành chính sách liên quan đến trẻ em. Ngay tại diễn đàn Quốc hội Trẻ em 2024, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng hỏi ý kiến các em, đề nghị các em “biểu quyết” nên “cấm” hay “không cấm” đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Vì vậy, chắc chắn ý kiến, kiến nghị của các em cần được rất quan tâm, lắng nghe, tiếp thu khi xây dựng, hoàn thiện pháp luật về những vấn đề liên quan.

Trong phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội trẻ em đã tổng kết những kiến nghị cụ thể. Những kiến nghị này cũng đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết phiên họp, trong đó nêu rõ: Quốc hội trẻ em sẽ trình Nghị quyết này tới Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương. Quốc hội trẻ em mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm; góp phần thực hiện ngày càng hiệu quả các quyền và bổn phận của trẻ em. Quốc hội người lớn có trách nhiệm xem xét, “thực thi” hoặc giao nhiệm vụ cho các cơ quan có thẩm quyền “thực thi” Nghị quyết này. Đây là trách nhiệm đã được quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật Trẻ em.

-Việc tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, Diễn đàn Trẻ em quốc gia hay Diễn đàn Lắng nghe tiếng nói trẻ em ở một số địa phương… cho thấy vấn đề bảo đảm quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, được lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng của trẻ em ngày càng quan tâm. Theo bà, làm thế nào để tiếp tục phát huy điều này?

- Luật Trẻ em ban hành đã 8 năm, ngày càng được tổ chức thực hiện tốt hơn. Đó không chỉ là những lời kêu gọi mang tính khẩu hiệu sáo rỗng mà các quy định về quyền trẻ em và việc bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em ngày càng được quan tâm, trong đó có quyền được tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến trẻ em. Điều đó được thể hiện ở việc tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, các diễn đàn trẻ em ở trung ương và địa phương, việc tổ chức các phiên họp tiếp xúc của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân với trẻ em được tổ chức thường xuyên hơn.

Ở mỗi lần tổ chức tiếp theo, các cơ quan nhà nước, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân được lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; đồng thời, cũng phải phản hồi về việc giải quyết kiến nghị của trẻ em ở các phiên họp trước. Muốn làm được điều đó, các cơ quan, đại biểu sẽ phải khảo sát, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc xử lý, giải quyết kiến nghị của trẻ em; phải có nhiều tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao hơn đối với sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai của đất nước.

- Xin cảm ơn bà!

Hương Linh thực hiện