- Cử tri xóm 8, xã Nghi Thạch và cử tri xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc kiến nghị thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc không thực hiện trên địa bàn tỉnh như các dự án: Samurai, Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Vinh (cơ sở 2).
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Dự án Xây dựng Nhà máy sản xuất và lắp ráp điện lạnh và đồ gia dụng của Công ty TNHH Samurai tại xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc
Dự án đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 709/QĐ-UBND.ĐC ngày 12/12/2014 của UBND tỉnh phê cho Công ty TNHH Samurai thuê đất tại với diện tích 15.525,0 m2 để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (Xây dựng Nhà máy sản xuất và lắp ráp điện lạnh và đồ gia dụng).
Ngày 01/6/2016, UBND tỉnh có Văn bản số 3755/UBND-NN về việc chuyển mục đích để thực hiện dự án trong đó Đồng ý cho phép Công ty TNHH Samurai được chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở. Ngày 14/7/2016, UBND tỉnh có Quyết định số 3422/QĐ.UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 chia lô đất ở dân cư tại xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc tại vị trí đã được cấp GCN QSD đất số BY 969837 ngày 23/4/2015.
Liên quan đến việc xem xét, xử lý các dự án chuyển mục đích sử dụng đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát các dự án thuộc nhóm các dự án chuyển mục đích sử dụng đất của các DNNN cổ phần hóa (trong đó có Dự án của Công ty Samurai), báo cáo cáo UBND tỉnh tại các văn bản: số 2654/SKHĐT-DN ngày 07/7/2022, số 612/SKHĐT-DN ngày 24/02/2023, số 640/SKHĐT-DN và số 3443/SKHĐT-DN ngày 14/8/2023.
Ngày 23/8/2023, UBND tỉnh có Văn bản số 7079/UBND-CN giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì, rà soát nhóm 03 dự án chuyển mục đích của DNNN cổ phần hóa. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp các sở, ngành để rà soát, báo cáo theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
- Dự án đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An giai đoạn II (tại cơ sở: xóm 16, xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An)
UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 5286/QĐ.UB-CN ngày 31/12/2003, điều chỉnh tại Quyết định số 2293/QĐ.UBND-CN ngày 13/6/2008. Đến nay, hạng mục nhà ăn sinh viên đã được xây dựng hoàn thành, quyết toán và bàn giao đưa vào sử dụng; hạng mục đang xây dựng dở dang là nhà ở sinh viên (chứ không phải nhà ăn như ý kiến cử tri đã phản ánh), hạng mục này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5068/QĐ.UBND-CNXD ngày 06/10/2009, đến nay chỉ mới được bố trí và thanh toán số tiền 6,080 tỷ đồng/giá trị hợp đồng là 39,198 tỷ đồng.
Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đang hoàn thiện Đề án thành lập trường Đại học Nghệ An trên cơ sở sáp nhập trường Đại học Kinh tế Nghệ An, trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An (đã trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nghe và cho ý kiến vào tháng 2/2024; đang xin ý kiến các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội để tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Sau khi Đề án được thông qua, tỉnh sẽ tiến hành sắp xếp, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, trong đó có Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng đối với các hạng mục xây dựng đã đầu tư, khắc phục tình trạng dở dang.
- Cử tri xóm 8, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án Công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên để tạo điều kiện cho người dân khi có người thân từ trần. Vì việc đưa người thân sang tỉnh khác để hỏa táng gây tốn kém kinh phí và thời gian đi lại của người dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng của Công ty TNHH Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ Nghệ An đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2017 (Quyết định số 3762/QĐ-UBND ngày 17/8/2017). Tuy nhiên, do dự án đang vướng mắc trong công tác thỏa thuận bồi thường GPMB, đồng thời đang còn một số hộ dân xã Phúc Điền, huyện Hưng Nguyên chưa đồng thuận (đang có kiến nghị) nên đến thời điểm hiện nay, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành GPMB toàn bộ diện tích quy hoạch của Dự án và chưa được bàn giao đất trên thực địa để triển khai thực hiện.
Các nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân đã được các sở, ngành kiểm tra, rà soát và trả lời cụ thể, đầy đủ bằng văn bản nhiều lần. Ngày 16/10/2023, UBND tỉnh cũng đã tổ chức tiếp công dân, tuy nhiên một số nội dung liên quan đến quy hoạch Dự án và khoảng cách an toàn môi trường vẫn chưa được người dân đồng thuận. Về việc này, UBND tỉnh có Thông báo kết luận số 783/TB-UBND ngày 19/10/2023 và Văn bản số 9161/UBND-TD ngày 27/10/2023 giao Thanh tra tỉnh chủ trì, thành lập Tổ liên ngành thực hiện rà soát lại để trả lời công dân theo quy định. Thanh tra tỉnh đã chủ trì thực hiện rà soát và báo cáo UBND tỉnh; trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, rà soát các nội dung để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ phương án xử lý.
- Cử tri Nguyễn Đình Trường, Chủ tịch UBND xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc kiến nghị UBND tỉnh kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch thành phố Vinh mở rộng cho phù hợp để đảm bảo việc đầu tư xây dựng hạ tầng của xã Nghi Thạch và quyền lợi trong việc tách thửa đất của người dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ TTg ngày 14/01/2015. Quy hoạch chung chỉ mang tính chất định hướng. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng của xã Nghi Thạch và quyền lợi trong việc tách thửa của người dân căn cứ vào các quy hoạch ở cấp thấp hơn như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
- Để cụ thể hóa định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt làm cơ sở quản lý về quy hoạch, xây dựng trên địa bàn xã Nghi Thạch, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ và dự toán Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc tại Quyết định số 171/QĐ-UBND ngày 19/01/2022; Cho phép gia hạn thời gian tổ chức lập quy hoạch thêm 06 tháng tại Công văn số 8492/UBND-CN ngày 09/10/2023 (đến ngày 30/3/2024).
- Quá trình lập đồ án quy hoạch phân khu xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, UBND huyện Nghi Lộc sẽ tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan theo quy định.
- Cử tri xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc phản ánh mặc dù đã được quan tâm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung đoàn Cảnh sát cơ động đóng trên địa bàn xã Nghi Thạch nhưng hiện nay nước chảy vẫn bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Kiến nghị có biện pháp xử lý, khắc phục.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Sau khi tiếp nhận ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND huyện đã giao cho các phòng ngành liên quan tổ chức làm việc với Trung đoàn cảnh sát cơ động – Trung đoàn 26, đồng thời có văn bản yêu cầu đơn vị thực hiện thu gom, xử lý triệt để đối với nước thải phát sinh trong đơn vị, đảm bảo quy chuẩn hiện hành trước khi thải ra ngoài; khắc phục hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của đơn vị và xin ý kiến chủ đầu tư (Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động - Bộ Công an) để giải quyết dứt điểm kiến nghị. Đến năm 2023, Trung đoàn Cảnh sát cơ động –Trung đoàn 26 đã thực hiện hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và kèm theo kết quả quan trắc chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường.
Sau khi hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, UBND huyện vẫn tiếp tục nhận kiến nghị của người dân, UBND huyện đã kiểm tra hiện trường và tiếp tục làm việc với Trung đoàn cảnh sát cơ động. Qua kiểm tra cho thấy:
Trung đoàn cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ với tổng quân số là 1.200 người, tuy nhiên thường trực ở tại đơn vị là 500 người. Nước thải phát sinh chủ yếu là nước tắm giặt, vệ sinh và hoạt động nấu ăn tại đơn vị. Nước thải từ khu vệ sinh được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại, nước thải từ nhà bếp được thu gom qua bể tách dầu mỡ. Tất cả nước thải sau khi được xử lý sơ bộ sẽ được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung, sử dụng công nghệ hoá lý kết hợp sinh học, công suất 55 m3/ngày, đêm, được xây dựng phía đông bắc đơn vị và được vận hành tự động. Nước thải xử lý đạt cột B, QCVN 14:2008/BTNMT, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt. Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải đang vận hành, nước thải không có màu đen và không có mùi.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của huyện đã yêu cầu Trung đoàn thực hiện nghiêm việc thu gom triệt để nước thải sinh hoạt phát sinh; vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra ngoài; Thực hiện quan trắc đánh giá chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý, gửi kết quả quan trắc về UBND huyện, UBND xã Nghi Thạch, xã Khánh Hợp để công khai cho nhân dân được biết và theo dõi.
Đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của Trung đoàn cảnh sát cơ động, Đơn vị đang thực hiện quan trắc đánh giá chất lượng nước đầu ra tại trạm xử lý nước thải, hiện chưa có kết quả.
- Cử tri xã Nghi phong, huyện Nghi Lộc phản ánh: Theo Nghị Quyết số 24/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hỗ trợ thưởng cho các xã về đích nông thôn mới nâng cao 1.000 tấn xi măng để làm đường mới, nhưng giai đoạn xây dựng xã nông thôn mới thì hệ thống đường hầu như đã được xây dựng hết. Theo Quyết định số 932/QĐ-BGTVT ngày 18/7/2022 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn tiêu chí về giao thông đối với xã nông thôn mới nâng cao thì nền đường, mặt đường phải mở rộng hơn, đồng thời phải bổ sung một số công trình trên đường như rãnh biên, mương thoát nước, cầu cống.v.v.. Kiến nghị UBND tỉnh hướng dẫn cho phép xã Nghi Phong được sử dụng lượng xi măng tỉnh thưởng, hỗ trợ để xây dựng các công trình nói trên.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Về nội dung kiến nghị của cử tri xã Nghi Phong huyện Nghi Lộc đó là điều chỉnh mục đích việc sử dụng xi măng làm đường giao thông nông thôn xây dựng nông thôn mới nâng cao được hỗ trợ theo Nghị Quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh, để thực hiện xây dựng rãnh biên, mương thoát nước, cầu cống…. Tuy nhiên, việc cử tri kiến nghị UBND tỉnh hướng dẫn cho phép xã Nghi Phong được sử dụng lượng xi măng tỉnh thưởng, hỗ trợ để xây dựng các công trình nói trên là chưa thực hiện được, lý do:
- Tại Điều 3, Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025, mục đích là để tiếp tục thực hiện làm đường giao thông nông thôn, từ đó để huy động các nguồn lực khác, phát huy các kết quả đã đạt từ chính sách hỗ trợ xi măng để làm đường GTNT giai đoạn 2015-2020.
- Tại thời điểm xây dựng dự thảo Nghị Quyết số 24/2020/NQ-HĐND của HĐND, Cơ quan tham mưu cũng đã có văn bản xin ý kiến góp ý các Sở, ban ngành và các địa phương về mục đích sử dụng xi măng ngoài việc thực hiện làm đường giao thông nông thôn còn để thực hiện làm lề đường, mương thoát nước,… Nội dung này các sở Tài chính, Giao thông Vận tải (là các đơn vị trực tiếp phối hợp tham mưu hỗ trợ xi măng và hướng dẫn thực hiện) có ý kiến là không đưa vào vì việc thực hiện hỗ trợ xi măng để làm lề đường, mương thoát nước,… là rất khó quản lý, theo dõi, thanh quyết toán cũng như hướng dẫn các quy định, định mức để thực hiện.
- Cử tri Nguyễn Văn Thái, Bí thư Chi bộ xóm 3, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc phản ánh quá trình thi công đường 72m (giai đoạn 2) làm nứt nẻ nhà ở, các công trình và tường rào của 13 hộ dân xóm 3, xã Nghi Phong nhưng chưa có phương án bồi thường thiệt hại xứng đáng cho người dân. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo nhà thầu thi công sớm có kết luận và bồi thường thiệt hại cho các hộ dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án Đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò (giai đoạn 2) do Sở GTVT làm CHủ đầu tư, nhà thầu là liên danh Nhà thầu công ty cổ phần xây lắp Tân Nam - công ty TNHH Tân Hưng - công ty TNHH Hòa Hiệp, triển khai thi công từ tháng 7/2022. Dự án được ký kết Hợp đồng bảo hiểm xây dựng công trình Số: 11/2023/HĐBH ngày 01/3/2023 giữa Ban QLDA CTGT Nghệ An và Liên danh Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt - Tổng Công ty Bảo hiểm PVI - Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam – Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm Quân Đội về việc Bảo hiểm xây dựng công trình gói thầu số 06 dự án Đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò (giai đoạn 2). Sau khi ký hợp đồng Bảo hiểm, Sở GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA CTGT phối hợp đơn vị Bảo hiểm, Nhà thầu thi công kiểm tra hiện trạng cho các hộ dân liền kề dự án với số lượng khoảng 470 hộ. Trong đó: Xã Nghi Phú 83 hộ; xã Nghi Đức 182 hộ; xã Nghi Phong 174 hộ; xã Nghi Xuân 19 hộ; xã Nghi Thạch 03 hộ; thị xã Cửa Lò 09 hộ.
Quá trình thi công Dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2) qua địa bàn xã Nghi Phong lu lèn đã làm chấn động ảnh hưởng nứt nhà khoảng 174 hộ dân, gồm: Xóm 8: 37 hộ; Xóm 7: 14 hộ; Xóm 4: 71 hộ và Xóm 3: 52 hộ. Để khắc phục tổn thất, Sở GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA CTGT phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị bảo hiểm, nhà thầu thi công kiểm tra xong hiện trạng, hiện đoạn qua các xóm (8, 7 và 4) nhà thầu đã thi công kết thúc lu rung (xong lớp móng CPĐD loại 1) nên đã giám định, tính toán xong giá trị đền bù tổn thất và công khai cho các hộ dân. Riêng 52 hộ dân xóm 3 (dài 600m) chưa đồng thuận với quy trình thực hiện của bảo hiểm là kết thúc lu rung mới giám định tính giá trị đền bù tổn thất (mà các hộ dân xóm 3 yêu cầu giám định trả tiền xong đợt 1 sau đó mới cho thi công; đến xong móng CPĐD loại 1, kết thúc lu rung lại tiếp tục giám định và trả tiền đợt 2 mới cho thảm BTN) nên cản trở không cho nhà thầu thi công.
Thời gian qua, Sở GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA CTGT cùng UBND xã Nghi Phong, Phòng KTHT huyện Nghi Lộc, công an xã, đơn vị bảo bảo hiểm, nhà thầu thi công đã nhiều lần họp đối thoại, vận động, cam kết thực hiện với các hộ dân xóm 3 nhưng đến nay vẫn chưa được sự đồng thuận, còn khoảng 12 hộ dân chưa cho nhà thầu thi công nền, móng đường đoạn qua xóm 3, làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Hiện UBND xã Nghi Phong đang báo cáo UBND huyện Nghi Lộc xin ý kiến chỉ đạo lên phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cho nhà thầu triển khai thi công đảm bảo tiến độ dự án.
- Hiệu trưởng các trường: THCS xã Nghi thạch, THPT xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc phản ánh chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều bất cập: (1) Xây dựng Chương trình; đào tạo giáo viên không đồng bộ; (2) việc tích hợp các bộ môn chưa phù hợp với khả năng của giáo viên; (3) Giá cả sách giáo khoa quá cao và có quá nhiều bộ sách khác nhau (tùy chọn); (4) Sách bài tập chỉ sử dụng được 1 lần. Kiến nghị:
+ Khi chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo để giảng dạy theo tích hợp các bộ môn thì vẫn giữ nguyên các bộ môn, chưa nên tích hợp các bộ môn; thống nhất 1 bộ sách giáo khoa để thống nhất chương trình dạy và học, đánh giá chất lượng, thi cử..v.v.
+ Giáo viên THCS được giao định biên 1,7 giáo viên/lớp, nhưng Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giáo viên 8 buổi/ tuần, vì vậy giáo viên thừa tiết nhưng chưa được chi trả. Kiến nghị có giải pháp giải quyết.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Đối với chương trình, đào tạo giáo viên, tổ chức dạy học: Bản chất của việc dạy học tích hợp, chủ trương dạy học tích hợp ở bậc THCS là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, các môn học tích hợp nói riêng đã được thiết kế theo hướng tiếp cận năng lực, không còn truyền thụ những kiến thức khoa học hàn lâm. Trong thực tiễn, các vấn đề tự nhiên, xã hội thường được giải quyết trong mối liên hệ tổng thể với yêu cầu tổng hợp về kiến thức, kĩ năng chứ không mang tính riêng lẻ. Việc dạy học tích hợp giúp học sinh phát triển được năng lực giải quyết các vấn đề một cách tổng thể nhất.
Chương trình GDPT 2018 của tất cả các môn học đã được các nhà khoa học đầu ngành cả nước nghiên cứu xây dựng, phản biện và được nghiệm thu ở Hội đồng cấp nhà nước. Quá trình xây dựng và thực hiện Chương trình GDPT 2018 của tất cả các môn học đã tính đến việc tổ chức dạy học. Hiện tại các giáo viên đang dạy ở các lĩnh vực có trong môn tích hợp (như môn học: KHTN và LS&ĐL ở cấp THCS) đã và đang được bồi dưỡng để dạy tích hợp; các trường Đại học sư phạm đang đào tạo sinh viên có chuyên môn dạy tích hợp và khóa sinh viên đầu tiên được đào tạo dạy tích hợp sắp ra trường. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã hướng dẫn cách thực hiện việc tổ chức dạy học qua việc xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp với điều kiện nhà trường. Vì vậy việc xây dựng chương trình và đào tạo giáo viên là khoa học, logic, đồng bộ; việc tích hợp các bộ môn đã phù hợp với khả năng của giáo viên.
Đối với sách giáo khoa: Giá cả sách giáo khoa đã được các Nhà xuất bản thực hiện các thủ tục phê duyệt, việc lựa chọn sách giáo khoa đã tính đến tiêu chí phù hợp với điều kiện của địa phương. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa là thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (Hiện nay, dạy học và thi là theo chương trình, sách giáo khoa chỉ là tài liệu dạy học. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa là để người dạy và người học được tự chọn cho mình bộ sách phù hợp). Sách bài tập của các môn học không có trong Danh mục các sách giáo khoa được Bộ GDĐT phê duyệt ban hành và UBND tỉnh phê duyệt lựa chọn.
- Cử tri xã Nghi thạch, huyện Nghi Lộc kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc chữa bệnh, công tác khám chữa bệnh; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện công (hiện nay như Bệnh viên Ung bướu tỉnh, người bệnh già yếu phải nằm 2 - 3 người/giường bệnh).
UBND tỉnh trả lời như sau:
Nội dung 1: Đối với công tác quản lý nhà nước về thuốc chữa bệnh, công tác khám chữa bệnh Sở Y tế đã triển khai các nội dung sau:
- a) Kết quả đạt được
Triển khai xây dựng kế hoạch và biện pháp đảm đủ thuốc cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh và phòng chống thiên tai, dịch bệnh tại địa phương. Triển khai và giám sát chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn. Chỉ đạo, theo dõi việc thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm theo quy định của pháp luật; Thường xuyên cập nhật các thông báo của Bộ Y tế về thuốc giả, đình chỉ lưu hành thuốc, thuốc bị rút số đăng ký và thông báo kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và việc thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở kinh doanh thuốc. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác dược bệnh viện. Tổ chức tập huấn các thông tư mới, cập nhật dược lâm sàng cho các dược sĩ làm việc tại các khoa Dược. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh thực hiện những quy định, quy chế chuyên môn về dược và mỹ phẩm.
Trong năm 2023, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt 33 chủ trương mua sắm hóa chất, vật tư y tế, 100 kế hoạch mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, đảm bảo đúng tiến độ (tỷ lệ trúng thầu thuốc tại các đơn vị đạt gần 70%); tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Sở, ngành và đơn vị trực thuộc để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; triển khai Nghị định số 07/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ, Thông tư số 14/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời đến các cơ sở y tế.
Tính đến ngày 20/11/2023, Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Nghệ An đã tiến hành lấy 570 mẫu thuốc, kiểm nghiệm 554 mẫu; Trong đó, mỹ phẩm lấy 240 mẫu, kiểm nghiệm 231 mẫu, mẫu ko đạt chất lượng 07 mẫu (06 mẫu mỹ phẩm, 01 mẫu thuốc cổ truyền), thuốc ko được phép lưu hành 05 mẫu (03 thuốc giả, 02 mẫu ko có số đăng ký lưu hành).
- b) Tồn tại, hạn chế
Có một số cơ sở vi phạm quy định về kinh doanh thuốc dùng cho người. Trong năm 2023, Sở Y tế đã phát tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với 21 cơ sở có hành vi vi phạm hành chính về dược (13 cơ sở không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; 07 cơ sở không chuyển thông tin hoặc chuyển thông tin không đầy đủ về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng khi được yêu cầu; 01 cở sở bán thuốc với mức thặng số bán lẻ cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa theo quy định). Xử phạt vi phạm hành chính 117.700.000 đồng (bằng chữ: Một trăm mười bảy triệu bảy trăm ngàn đồng).
- c) Giải pháp trong thời gian tới
- Tăng cường công tác truyền thông phổ biến các quy định pháp luật về kinh doanh dược, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. - Phối hợp với các cơ quan chức năng Công an, Cục Quản lý thị trường, Hải quan tiến hành điều tra truy tìm tận gốc các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được cấp phép sản xuất, lưu hành.
- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm tiến hành lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng; ưu tiên thực hiện việc phân tích kiểm nghiệm, báo cáo kết quả để làm căn cứ cho việc xử lý kịp thời đối với các thuốc vi phạm và cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc vi phạm.
Năm 2023, Sở Y tế đã cấp 91 hồ sơ xác nhận nội dung thông tin thuốc theo hình thức hội thảo giới thiệu thuốc, 16 hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm;Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm: 02 cơ sở; điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm: 01 cơ sở; thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm: 01 cơ sở; cấp 35 phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; thu hồi 12 số công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.
- Đẩy mạnh Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát kế đơn thuốc điện tử bảo đảm việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và từng bước quản lý việc kê đơn và bán thuốc theo đơn.Tăng cường quản lý, kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, đảm bảo tất cả các cơ sở bản lẻ thuốc nói chung, Nhà thuốc bệnh viện nói riêng phải kết nối liên thông dữ liện lên Hệ thống cơ sơ dừ liệu Dược Quốc gia.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân trong việc tra cứu giá thuốc được công bố trên website của Bộ Y tế.
Nội dung 2: Trong những năm qua ngành y tế đã chú trọng phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 như sau:
TT |
TÊN DỰ ÁN |
Tổng mức đầu tư (triệu đồng) |
1 |
Xây dựng cơ sở vật chất Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Chương |
13.000 |
2 |
Xây dựng mới nhà điều trị và các hạng mục phụ trợ Bệnh viện Y học cổ truyền |
39.000 |
3 |
Dự án: Xây dựng mới nhà khám bệnh và điều trị tổng hợp Bệnh viện Sản Nhi |
253.000 |
4 |
Xây dựng Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An (GĐ 2) |
1.259.000 |
5 |
Xây dựng và cải tạo một số hạng mục bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành |
20.000 |
6 |
XD Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An |
145.000 |
|
Tổng cộng |
1.729.000 |
|
Bằng chữ: Một nghìn bảy trăm hai mươi chín tỷ đồng |
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An hiện nay đang sử dụng cơ sở vật chất một phần của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. cơ sở vật chất hiện tại đã đầu tư đưa vào sử dụng nhiều năm, nay đã xuống cấp và chật hẹp không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Bệnh viện Ung bướu Nghệ An hiện nay đang được đầu tư xây dựng mới tại Xã Nghi kim thành phố Vinh nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An, dự kiến bệnh viện đưa vào hoạt động năm 2025-2026.
- Cử tri Nguyễn Đình Trường, Chủ tịch UBND xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc phản ánh hiện nay thực hiện Đề án 06 về định danh điện tử mức độ 2 còn rất bất cập, người dân nộp hồ sơ không được giải quyết nên phải nhờ cán bộ xã, gây áp lực công việc đến cán bộ xã. Kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu có phương án giải quyết.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Qua trao đổi, cử tri Nguyễn Đình Trường cho biết, sau khi cài đặt và kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử mức 2, khi thẻ CCCD và các giấy tờ khác đã được tích hợp vào trong app VNeID, tuy nhiên khi công dân đi làm các thủ tục hành chính khác như làm bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh hay giao dịch ngân hàng… đều phải xin giấy xác nhận cư trú tại Công an xã, gây phiền phức cho dân; một số giấy tờ đã tích hợp như bằng lái xe, đăng ký xe nhưng khi xuất trình cho lực lượng chức năng thì vẫn cần phải xuất trình giấy tờ gốc.
Đối với các trường hợp công dân tích hợp không thành công Giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện, Thẻ bảo hiểm y tế vào tài khoản Định danh điện tử thì khi kết quả thông báo trả về “không thành công” trên ứng dụng VNeID đều có thông báo về lý do tích hợp không thành công kèm theo; căn cứ thông báo để công dân biết và liên hệ các cơ quan chủ quản để làm rõ dữ liệu.
Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID để giải quyết các thủ tục hành chính được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ. Theo đó, đối với các thủ tục hành chính công ích, khi công dân đến liên hệ có thể xuất trình thẻ CCCD điện tử thông qua ứng dụng VNeID. Tuy nhiên đối với thủ tục vay vốn của các ngân hàng là giao dịch dân sự; vì vậy khi giao dịch vay vốn tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, cổ phần phải tuân thủ theo yêu cầu của các tổ chức trên.
Công an xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc đã giải thích, hướng dẫn cử tri Nguyễn Đình Trường trong việc triển khai thực hiện nội dung Đề án 06. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ chỉ đạo các phòng chức năng tổng hợp những vấn đề bất cập, vướng mắc để báo cáo, đề xuất, kiến nghị Bộ Công an sớm có giải pháp khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân trong giao dịch.