- Cử tri xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp đề nghị hàng năm cần phân bổ nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã không thụ hưởng chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ để các địa phương tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Nguồn kế hoạch vốn Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới thực hiện theo Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 24/6/2022 của HĐND tỉnh về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp là xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 và được hưởng hệ số 1 với mức vốn giai đoạn 2021-2025 là 2.767,018 triệu đồng. Trong đó: kế hoạch vốn đã giao là 1.538,38 triệu đồng (gồm: năm 2022 là 861,389 triệu đồng và năm 2023 là 677 triệu đồng); kế hoạch vốn còn lại của giai đoạn 2021-2025 là 1.228,638 triệu đồng. Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao, tỉnh phân bổ cho huyện để triển khai thực hiện. Đối với nguồn kế hoạch vốn còn lại là 1.228,638 triệu đồng, tỉnh sẻ phân bổ cho các địa phương theo kế hoạch trung ương giao trong năm 2024 và năm 2025.
- Cử tri xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp kiến nghị tuyến đường dây điện 04 được đặt trong vườn nhà của các hộ dân của xóm Thái Lão, xã Yên Hợp là không hợp lý. Điện lực Quỳ Hợp đã về khảo sát và lập hồ sơ nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn để thực hiện. Đề nghị sớm di dời tuyến đường dây 04 theo đúng vị trí khảo sát, góp phần để xóm Yên Hợp tập trung về đích nông thôn mới trong 6 tháng cuối năm 2023.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Tuyến đường dây hạ thế xã Yên Hợp đã được địa phương bàn giao sang ngành điện quản lý vận hành nguyên trạng, trong đó có một số vị trí cột điện đặt trong vườn nhà dân.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Nghệ An: Do lưới điện đang vận hành ổn định nên theo quy định chưa có nguồn để đầu tư xử lý; khi có dự án cải tạo hoặc sửa chữa lưới điện khu vực sẽ kết hợp để thực hiện việc di dời.
- Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng hệ thống thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của Nhân dân, cụ thể như sau:
+ Tiếp tục triển khai xây dựng dự án kênh tiêu Châu Bình – Quỳ Châu. Hiện nay dự án đang triển khai dang dở từ Quỳ Châu xuống đến địa phận xã Yên Hợp thì dừng lại, gây sạt lở, ngập úng, ô nhiễm môi trường khi mùa mưa đến (cử tri xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp).
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng được phê duyệt năm 2009, khởi công năm 2010, do thiếu vốn nên việc triển khai thực hiện kéo dài đến nay chưa hoàn thành. Năm 2022 và 2023, dự án tạm dừng thi công do không được cấp thêm vốn để thực hiện. Qua nhiều năm triển khai, với nhiều thay đổi về cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật và các quy định của pháp luật dẫn đến phải điều chỉnh dự án để tiếp tục thực hiện.
Ngày 26/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (giai đoạn 1), tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở đó, hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát lại hồ sơ để tiến hành điều chỉnh dự án; Dự kiến dự án sẽ thi công trở lại từ tháng 12/2023, tất cả các vướng mắc liên quan đến dự án sẽ được tiếp tục giải quyết, làm cơ sở hoàn thành dự án (giai đoạn 1) vào năm 2025.
- Cử tri xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp kiến nghị UBND tỉnh sớm có văn bản hướng dẫn về quy trình lập hồ sơ giải ngân chi trả tiền hỗ trợ các hộ dân tham gia thực hiện mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn xã Yên Hợp.
UBND tỉnh trả lời như sau:
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 28/3/2023 của về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025, trong đó giao Sở Y tế là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về nội dung đầu tư, hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, để trình kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023.
- Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể:
+ Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Quốc Lộ 48 (đoạn qua xóm Hợp Thành tại Km66-50) có hệ thống thoát nước không đảm bảo, lề đường hẹp, mương sâu, thường xuyên gây tai nạn cho các phương tiên giao thông (cử tri xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp);
+ Mở rộng lòng đường giao thông Quốc lộ 48 (đoạn chạy qua xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp đến xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu). Hiện tại lòng đường quá hẹp và quanh co, gây nhiều hiểm họa khi các phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 3 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong (cử tri xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp);
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 48 (đoạn qua xóm Hợp Thành tại Km66+50) có hệ thống thoát nước không đảm bảo, lề đường hẹp, mương sâu, thường xuyên gây tai nạn cho các phương tiện giao thông (cử tri xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp).
Quốc lộ 48 dài 160km, trong đó đoạn qua xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp thuộc lý trình Km65 - Km66+100. Đoạn tuyến hiện có quy mô Bnên=7,5m, Bmặt=5,5m; mặt đường thảm bê tông nhựa được đầu tư xây dựng năm 2021, chất lượng mặt đường tốt êm thuận; rãnh dọc hai bên một số đã được gia cố và có chiều cao từ 0,4 đến 0,6m.
Trong thời gian vừa qua, mật độ dân cư sinh sống hai bên QL.48 tăng nhanh, nhiều hộ gia đình đã tiến hành đắp đất nền cao hơn mặt đường, tiến hành đổ bê tông trên thành rãnh ra sát mép mặt đường đã làm tăng chiều sâu của rãnh. Để đảm bảo ATGT trên tuyến, đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ra quân giải tỏa hành lang ATGT, tháo dỡ các vị trí đổ bê tông trên thành rãnh ra đến sát mép mặt đường; đồng thời Sở GTVT tiếp tục hỉ đạo Đơn vị quản lý tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện tốt công tác BDTX, khơi thông mương rãnh đảm bảo thoát nước,...
- Mở rộng lòng đường Quốc lộ 48 (đoạn chạy qua xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp đến xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu). Hiện tại lòng đường quá hẹp và quanh co, gây nhiều hiểm họa khi các phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng đển sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 03 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong” (cử tri xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp).
Quốc lộ 48 dài 160km, trong đó đoạn từ xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp đến xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu thuộc lý trình Km61+500 - Km79+100; trong đó đoạn Km61+500-Km64 có Bmặt=8m, Bnền=9m; đoạn Km64-Km79+100 có Bmặt=5,5m, Bnền= 7,5m, mặt đường BTN chất lượng tốt, êm thuận đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Trong các năm qua, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện nhiều dự án sửa chữa nền, mặt đường, hệ thống thoát nước và an toàn giao thông trên đoạn tuyến, cụ thể: Năm 2019 sửa chữa các đoạn Km66-Km82, Km86+850-Km90+00, Km96+00-Km99+00 với kinh phí 33,7 tỷ đồng; Năm 2020 sửa chữa các đoạn Km68+350-Km68+700, Km70-Km74+200, Km77+200-Km78 với kinh phí 13,5 tỷ đồng; Năm 2021, sửa chữa các đoạn Km64 - Km66+200, Km66+850 - Km68+350, Km74+200 - Km74+830 với kinh phí 10,5 tỷ đổng. Đồng thời, đã chỉ đạo Đơn vị quản lý tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo trì trên đoạn tuyến đảm bảo an toàn.
Mặc dù trong thời gian qua Sở Giao thông vận tải đã thực hiện nhiều dự án bảo trì trên hiện trạng đường cũ đảm bảo mặt đường êm thuận nhưng trên đoạn tuyến vẫn tồn tại một số đường cong có bán kính nhỏ, đoạn đường có độ dốc lớn chưa được cải thiện. Về vấn đề này, Sở Giao thông vận tải đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, đầu tư nâng cấp mở rộng QL.48, tuy nhiên do nguồn vốn đang tập trung cho các công trình trọng điểm nên Bộ chưa cân đối, bố trí được.
- Cử tri các xã Châu Lý, Châu Thái, Bắc Sơn, Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp kiến nghị tại điểm đèn giao thông ngã ba Đồng Nại, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (thuộc Quốc lộ 48C, hướng từ Châu Lý, Châu Thái đi thị trấn Quỳ Hợp) cần lắp đặt bổ sung biển báo được phép rẽ phải khi có báo hiệu đèn đỏ, vì nút giao thông này không có giao cắt làn xe.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Nút giao này được đầu tư, cải tạo trong dự án “Xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông tại nút giao Km15+300 Quốc lộ 48C, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An”; công trình được đưa vào sử dụng trong tháng 7 năm 2021; đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông tại nút giao này.
Sau khi xem xét ý kiến của cử tri và qua báo cáo tình trạng giao thông tại vị trí này của đơn vị quản lý tuyến QL.48C, Khu QLĐB II đã chỉ đạo Văn phòng QLĐB II.2 và Công ty Cổ phần 495 lắp đặt biển phụ chỉ dẫn “Đèn đỏ được phép rẽ phải” trên cột đèn tín hiệu của QL.48C hướng từ Châu Lý, Châu Thái đi thị trấn Quỳ Hợp.
- Cử tri xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp phản ánh sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, hiện nay các xóm đang có nhà văn hóa dư thừa không sử dụng dẫn đến xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí. Trong khi đó các nhà văn hóa đang sử dụng quá chật chội, không đủ điều kiện cho người dân sinh hoạt, gây nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các nhà văn hóa dôi dư, đồng thời có phương án nâng cấp hoặc xây dựng mới các nhà văn hóa khối, xóm để đảm bảo phục vụ sinh hoạt của người dân, góp phần đảm bảo tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (được bổ sung, sửa đổi tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021), UBND tỉnh và Sở Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện sắp lại, xử lý nhà, đất. Đến nay (thời điểm 30/6/2023) đã hoàn thành việc lập, trình phê duyệt và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là: 3.764/4.362 cơ sở đạt 87%. Cụ thể việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại một số địa phương như:
- Đối với các cơ sở Nhà văn hóa dôi dư do sáp nhập xóm tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành. Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án 12 cơ sở nhà văn hóa của UBND xã Viên Thành dôi dư do sáp nhập xóm (theo Quyết định số 2044/QĐ-UBND ngày 12/7/2023), trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng 9 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 03 cơ sở.
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ: đã phê duyệt theo Quyết định số 2291/QĐ-UBND ngày 04/8/2022: 8 cơ sở giữ lại, 01 cơ sở điều chuyển (nhà văn hóa Tân Lâm, dự kiến điều chuyển cho trường mầm non Tân Lâm), hiện đang trình phê duyệt 02 cơ sở: phương án thu hồi để quy hoạch thực hiện bán đấu giá.
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ: có 15 nhà văn hóa; đang trình phê duyệt phương án giữ lại sử dụng 13 nhà văn hóa, phương án thu hồi 02 cơ sở để quy hoạch thực hiện bán đấu giá.
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Nghĩa Mỹ, Thị xã Thái Hòa: có 13 nhà văn hóa UBND tỉnh đã phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng tại Quyết định số 2039/QĐ-UBND ngày 12/7/2023 và Quyết định số 1429/QĐ-UBND ngày 25/5/2022;
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa dôi dư do sáp nhập xóm tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp: có 12 cơ sở nhà văn hóa. Hiện nay, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án 10 cơ sở nhà văn hóa của UBND xã Yên Hợp dôi dư do sáp nhập xóm, trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng 10 cơ sở (Quyết định số 3100/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 của UBND tỉnh); 01 cơ sở UBND huyện đang trong quá trình tổng hợp hồ sơ trình các Sở: Tài chính - Tài Nguyên - Xây dựng với phương án dự kiến là giữ lại tiếp tục sử dụng; 01 cơ sở chưa thực hiện sắp xếp do chưa có hồ sơ pháp lý về đất đai.
Phương án sắp xếp là do địa phương đề xuất trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương, trong đó đối với nhà văn hóa xóm thì một số địa phương do nhu cầu về các thiết chế văn hóa (về thư viện, về các hoạt động văn hóa, thể thao..) nên các địa phương vẫn đề nghị sắp xếp theo phương án giữ lại tiếp tục sử dụng đối với các cơ sở Nhà văn hóa sau sáp nhập.
Trường hợp địa phương đề xuất phương án bán đấu giá đối với Nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập (sau khi lấy ý kiến của người dân địa phương sẽ quy hoạch một điểm mới, đấu giá địa điểm cũ để lấy nguồn kinh phí xây dựng lại), trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới thì thống nhất theo đề xuất của địa phương và HĐND tỉnh cũng đã có cơ chế chính sách đối với kinh phí thu được từ bán đấu giá cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập, cụ thể như sau:
- Chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị công trình khu văn hóa - thể thao cho các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khối, xóm được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh;
- Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh đã quy định để lại và điều tiết 100% tiền bán cơ sở nhà, đất đối với tài sản công để đầu tư trở lại xây dựng trụ sở các cơ quan đơn vị có tài sản theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, trường hợp các nhà văn hóa của các xóm cũ không đảm bảo khuôn viên và vật chất để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân sau sáp nhập mà thực hiện phương án bán đấu giá để thực hiện quy hoạch địa điểm mới hoặc mở rộng diện tích hiện có thì sau khi bán đấu giá được sử dụng số tiền thu được bán đấu giá để xây dựng mới theo quy định tỷ lệ tại Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 nêu trên.
- Cử tri các xã thuộc huyện Quỳ Hợp phản ánh tại Thông tư 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn, trong đó hoạt động an ninh không quy định cụ thể các mục chi nên rất khó khăn cho cơ sở. Kiến nghị UBND tỉnh có quy định rõ mục chi này.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Tại điểm b, khoản 2, Điều 10 Thông tư 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn quy định nhiệm vụ chi an ninh và trật tự an toàn xã hội cấp xã, như sau: "Chi tuyên truyền, vận động và tổ chức phong trào bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã; các khoản chi khác theo quy định của pháp luật."
Về định mức hỗ trợ chi quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội cấp xã: thực hiện theo quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 tại Nghị quyết số 21/2021/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh, như sau:
- Xã, phường, thị trấn loại I: 165 triệu đồng/xã/năm.
- Xã, phường, thị trấn loại II: 150 triệu đồng/xã/năm.
- Xã, phường, thị trấn loại III: 135 triệu đồng/xã/năm.
Căn cứ mức hỗ trợ trên và khả năng cân đối của ngân sách cấp xã (nếu có bổ sung), UBND cấp xã trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ, giao dự toán chi tiết các nội dung hỗ trợ hoạt động quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
- Cử tri các xã thuộc huyện Quỳ Hợp phản ánh kinh phí hoạt động cho các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của xã, thị trấn hiện nay còn thấp, các mức chi không rõ ràng dẫn đến khó khăn cho hoạt động. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể mức chi, tạo điều kiện cho cơ sở dễ thực hiện.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Định mức hỗ trợ chi hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, phát thanh, truyền thanh cấp xã: thực hiện theo quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 tại Nghị quyết số 21/2021/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh, như sau:
"Hỗ trợ các xã chi hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, phát thanh, truyền thanh theo mức tối thiểu: 100 triệu đồng/xã/năm. Mức hỗ trợ nêu trên đã bao gồm: kinh phí xây dựng tủ sách pháp luật; Kinh phí hỗ trợ Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp xã đối với các xã không thuộc vùng khó khăn; kinh phí đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình,...."
Căn cứ mức hỗ trợ trên và khả năng cân đối của ngân sách cấp xã (nếu có bổ sung), UBND cấp xã trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ, giao dự toán chi tiết các nội dung hỗ trợ hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, phát thanh, truyền thanh theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
- Cử tri xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp kiến nghị chấn chỉnh tình trạng lập nhóm trong trường học, gây gỗ, đánh nhau, bạo lực học đường, khủng bố tinh thần qua tin nhắn quan điện thoại; đồng thời có giải pháp khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Về việc chấn chỉnh tình trạng lập nhóm trong trường học, gây gỗ, đánh nhau, bạo lực học đường, khủng bố tinh thần qua tin nhắn điện thoại
Thời gian qua, trong các trường học trên địa bàn cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng có hiện tượng học sinh lập hội nhóm và nhóm mạng xã hội trong trường học, đã xảy ra nhiều vụ việc bạo lực học đường cả trong và ngoài nhà trường, với biểu hiện ngày càng phức tạp, khó lường: bao gồm bạo lực về thể chất (đánh đập, xô xát…), bạo lực về tinh thần (đe dọa, bắt nạt, xa lánh, cô lập…), bạo lực trắng (bắt nạt trực tuyến trên mạng…). Sở Giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, cụ thể:
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; trang bị kỹ năng sử dụng môi trường mạng; tăng cường công tác tham vấn học đường và giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội.
Nâng cao khả năng nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, nhất là cấp THCS, THPT cho cán bộ quản lý, giáo viên để có cách thức ứng xử phù hợp; tích cực phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, các vướng mắc phát sinh, thực hiện giải pháp phòng ngừa.
Phát huy vai trò của Tổ tư vấn tâm lý học đường, công tác chủ nghiệm lớp, hiệu quả hoạt động Đoàn, Đội trong nhà trường, kịp thời nắm bắt tình hình các nhóm học sinh và có biện pháp ngắn chặn những phát sinh mâu thuẫn của các nhóm học sinh, định hướng cho các nhóm học sinh tích cực giúp đỡ nhau trong học tập và trong cuộc sống.
Các nhà trường xây dựng các biện pháp siết chặt kỷ cương nền nếp. Tăng cường các hình thức giáo dục kỷ luật tích cực; thực hiện lớp học tự quản, dân chủ để học sinh có điều kiện tăng cường ý thức, phát huy trách nhiệm cá nhân; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, cán bộ lớp, tổ chức Đoàn, Đội trong việc nắm bắt, phát hiện và xử lý các nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường.
Giải pháp phối hợp với gia đình: thường xuyên quan tâm, giáo dục, động viên, chia sẻ với con; phối hợp với nhà trường để nắm bắt diễn biến tâm lý và thực hiện các biện pháp giáo dục con, kịp thời ngăn chặn con mình không tham gia các hội, nhóm không tích cực; gương mẫu trong đạo đức, lối sống; tích cực học tập để cập nhật thêm các kiến thức và kỹ năng chăm sóc, giáo dục, đồng hành cùng con. Tăng cường phối hợp cùng với nhà trường để cùng giáo dục và định hướng con cái.
- Biện pháp khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục
Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao chất lượng, khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục, cụ thể: Công văn số 6122/BGDĐT-TĐKT ngày 28/12/2017 về các giải pháp khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục; Kế hoạch số 130/KH-BGDĐT ngày 20/3/2018 về việc triển khai các giải pháp tiếp tục khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục; Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 về tăng cường công tác quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo; Công văn số 508/SGD&ĐT-CTTT ngày 24/3/2021 của Sở GD&ĐT về việc tiếp tục rà soát các văn bản, quy định nhằm khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục; để tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm từng bước khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục. Trong thời gian qua ngành GD&ĐT cũng đã tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh phổ thông, qua đó chất lượng giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo đã có những chuyển biến tích cực.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giao quyền chủ động cho các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hướng vào việc phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực; đổi mới cách đánh giá; thực hiện chuyển đổi số để công khai, minh bạch trong đánh giá kết quả học tập, thi cử, quản lý dữ liệu ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục và đào tạo, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong ngành Giáo dục.
- Cử tri các xã thuộc huyện Quỳ Hợp kiến nghị bố trí Công an viên ở các xóm, bản kiêm Phó trưởng xóm, bản để thuận lợi trong hoạt động tại xóm, bản.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ quy định hiện hành thì xóm phó không phải là người hoạt động không chuyên trách và cũng không có quy định nào quy định xóm phó kiêm công an viên.
- Cử tri Lương Thị Oanh, Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp (số điện thoại: 0973.197.353) phản ánh Tổng đội TNXP III đã có phương án giải thể từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao đất về chính quyền quản lý để giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sử dụng. Tại Báo cáo số 413/BC-UBND ngày 14/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVIII, trong đó có nêu: thực hiện phương án giải thể Tổng đội thanh niên xung phong III đến nay có 02 nội dung đã hoàn thành và 05 nội dung chưa hoàn thành. Cử tri kiến nghị làm rõ thời điểm hoàn thành 5 nội dung còn lại để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Thực hiện Công văn số 8569/UBND-KT ngày 05/11/2021 của UBND tỉnh về phương án giải thể Tổng đội TNXP3 - XDKT Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện hoàn thành cơ bản các nội dung của phương án giải thể; đối với 05 nội dung chưa hoàn thành, cụ thể như sau:
- Tiến hành chấm dứt 08 hợp đồng lao động làm nhiệm vụ bảo vệ rừng: Do Tổng đội TNXP3 vẫn còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ diện tích 3.006,41 ha rừng phòng hộ và đang trong quá trình thực hiện quyết toán nguồn vốn đầu tư trồng rừng thuộc Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 - 2020 để bàn giao cho đơn vị khác nên việc chấm dứt số lao động hợp đồng này sẽ thực hiện sau khi UBND tỉnh quyết định chuyển bàn giao rừng từ tổng đội sang cho đơn vị mới tiếp nhận.
- Lập danh mục tài sản trình UBND tỉnh quyết định bàn giao nguyên trạng các tài sản trên đất cho địa phương quản lý: Tổng đội đã hoàn thành thống kê tài sản trên đất gồm: Nhà ở đội viên, Nhà mẫu giáo, Trạm y tế, Trạm bảo vệ; các công trình: Cầu, cầu tràn; Đường giao thông; Hồ đập chứa nước; Chợ thương mại trên địa bàn 3 xã Châu Đình, Văn Lợi, Châu Thái. UBND tỉnh đã có Công văn số 7354/UBND-KT ngày 31/8/2023 giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, đơn vị, địa phương liên quan xử lý kiến nghị của Tỉnh đoàn Nghệ An. Hiện nay, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan đang căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật xem xét, tham mưu UBND tỉnh.
- Lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thu hồi đối với diện tích đất Rừng phòng hộ, đất Rừng sản xuất bàn giao cho địa phương quản lý: Tháng 11/2021, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Phủ Quỳ có văn bản gửi UBND tỉnh xin tiếp nhận diện tích rừng phòng hộ nêu trên. Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện trồng rừng thuộc Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 - 2020 của Tổng đội chưa được quyết toán nên nội dung này chưa thực hiện được. Hiện tại, Hội đồng thẩm tra quyết toán được thành lập theo Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 25/02/2021 của UBND tỉnh đang thực hiện việc thẩm tra quyết toán Dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 - 2020 của Tổng đội.
- Phối hợp thực hiện bàn giao nguyên trạng diện tích đất cơ sở hạ tầng, đất do đội viên và người dân đang sử dụng cho địa phương quản lý, sử dụng: Tổng đội đã lập hồ sơ và có Tờ trình gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất bàn giao cho địa phương quản lý, tuy nhiên, theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên Môi trường, việc thực hiện thu hồi đất bàn giao cho địa phương thực hiện khi có Quyết định giải thể Tổng đội và trích lục (trích đo) bản đồ địa chính các khu đất, nhưng hiện tại Tổng đội chưa có Quyết định giải thể và diện tích đất của các hộ đội viên Tổng đội sử dụng chưa được trích đo địa chính. đội đã có Tờ trình gửi Sở Tài nguyên và Môi trường lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán đo đạc và thực hiện trích đo địa chính diện tích đất diện tích đất của các hộ đội viên Tổng đội đang sử dụng.
- Phương án bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản trên đất theo quy định: Diện tích đất này đã được Công ty cổ phần đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Phủ Quỳ thuê đơn vị tư vấn trích đo địa chính và được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Quỳ Hợp đã tiến hành lập phương án bồi thường. Tuy nhiên, diện tích đất này chưa được cấp thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.