- Cử tri Lê Văn Đông, trú tại thôn Bút Ngọc, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu phản ánh việc đo đạc bản đồ số của Nhân dân xã An Hòa có nhiều sai sót, làm cho tỷ lệ hộ dân được cấp đổi giấy chứng nhận đạt thấp nhất trong toàn huyện. Đề nghị Sở Tài nguyên môi trường chỉ đạo đơn vị tư vấn sớm thực hiện dự án đo đạc bản đồ số trên địa bàn xã An Hòa.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Công tác đo đạc thành lập bản đồ địa chính gắn liền cấp Giấy chứng nhận QSD đất xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu được Sở Tài nguyên và Môi trường hợp đồng với Công ty TNHH Hồng Linh (đơn vị tư vấn) tổ chức triển khai thực hiện năm 2015; đối với công đoạn đo đạc lập bản đồ địa chính được hoàn thành năm 2018 (riêng xóm Tân An tại thời điểm đo đạc từ năm 2015 đến 2018, các chủ sử dụng đất không phối hợp để thực hiện nên chưa được đo chi tiết mà thực hiện đo khoanh bao ); hiện nay đơn vị tư vấn đang phối hợp với UBND xã lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho người dân. Tuy nhiên khi thực hiện lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận phát hiện có sự sai lệch ranh giới thửa đất so với thời điểm đo đạc trước đây (năm 2015-2018), nguyên nhân chủ yếu là quá trình sử dụng đất có biến động đất đai so với bản đồ địa chính (thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã mở rộng các tuyến đường giao thông, tại thời điểm đo vẽ bản đồ địa chính năm 2015-2018 ranh giới sử dụng đất giữa các hộ là hàng rào cây hoặc bờ trống, nay xây dựng lại tường rào dẫn đến ranh giới, mốc giới có sự thay đổi; một số hộ liền kề tự ý đổi đất hoặc thoả thuận lại ranh giới,...). Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 599/STNMT-ĐĐBĐVT ngày 08/02/2023 hướng dẫn đơn vị tư vấn và địa phương thực hiện; tổ chức làm việc với UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND xã An Hòa và đơn vị tư vấn để chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh công tác lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Trong quá trình lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận yêu cầu đơn vị tư vấn tổ chức kiểm tra, rà soát để chỉnh lý bản đồ địa chính được kịp thời, đảm bảo theo quy định.
- Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng hệ thống thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của Nhân dân, cụ thể như sau:
+ Sớm lắp đặt cửa cống ngăn mặn tuyến đường đê biển, đoạn qua xã Quỳnh Minh. Tuyến đê đã thi công xong nhưng vẫn chưa lắp đặt cửa cống ngăn mặn nên vào mùa mưa bão, nước biển dâng gây thiệt hại hoa màu và tài sản của Nhân dân (cử tri Nguyễn Văn Miên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu).
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án đầu tư xây dựng mới tuyến đê biển Bãi Ngang, huyện Quỳnh Lưu do Sở Nông nghiệp và PTNT làm Chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ năm 2010, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Các cống dưới đê đã được lắp đặt cửa van theo đúng thiết kế, đảm bảo chống nước biển dâng do bão (02 cống trên địa bàn xã Quỳnh Minh đã hoàn thành và bàn giao sử dụng vào đầu tháng 7 năm 2023).
- Cử tri Hồ Văn Miên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu phản ánh xã Quỳnh Minh có 02 làng nghề được công nhận năm 2020. Tuy nhiên, đến nay các làng nghề trên vẫn chưa được hưởng mức hỗ trợ 2 đến 3 tỷ đồng/1 làng nghề để đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 của HĐND tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm hỗ trợ kinh phí cho các làng nghề theo quy định.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Làng nghề sản xuất muối Hợp Công, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định 4197/QĐ-UBND ngày 24/11/2020; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 1730/SKHĐT-KT 17/5/2022 về việc cho ý kiến đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu theo Nghị quyết 06/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu đề xuất chủ trương đầu tư dự án khi đủ điều kiện về nguồn vốn.
- Cử tri Phạm Minh Tuân, thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu đề nghị xem xét lại Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 5/6/2017 của UBND tỉnh về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai đối với sản xuất muối, trong đó mức hỗ trợ chỉ có 1,5 triệu đồng/ha là quá thấp.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 của UBND tỉnh Nghệ An quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An căn cứ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, Quy định mức hỗ trợ đối với sản xuất muối: Diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70% hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.
UBND tỉnh đã có Công văn số 4326/UBND-NN ngày 15/6/2022 về việc góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/1/2017; theo đó Tại mục 4 của Dự thảo: Sửa đổi, bổ sung Điều 5. Mức hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất có quy định mức hỗ trợ mới đối với sản xuất muối: Diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70% hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% hỗ trợ 2.500.000 đồng/ha. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổng hợp, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/1/2017 của Chính phủ.
- Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể:
+ Nâng cấp tuyến đường Tỉnh 537B (đoạn từ xã Quỳnh Bá đi qua xã An Hòa) có nhiều đoạn bị xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông (cử tri Hồ Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu);
+ Xây mương thoát nước trên Quốc lộ 48 (đoạn dốc Truông Vên) vì không có mương nên nước thải của các hộ gia đình thải ra đường gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (cử tri Nguyễn Văn Trung, trú tại thôn 4, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu);
+ Nâng cấp tuyến đường và làm mương 2 bên đường tuyến 537B đi qua vùng bãi ngang xã Quỳnh Bảng nay đã xuống cấp; sớm triển khai đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư xã Quỳnh Bảng (cử tri Hồ Thị Thìn, Chủ tịch MTTQ xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu).
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Nâng cấp tuyến đường Tỉnh 537B (đoạn từ xã Quỳnh Bá đi qua xã An Hòa) có nhiều đoạn bị xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông (cử tri Hồ Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu).
Tuyến ĐT.537B có chiều dài 27km được nâng lên đường tỉnh theo Quyết định số 3493/QĐ-UBND ngày 20/9/1996 của UBND tỉnh Nghệ An. Thời điểm được nâng cấp, ĐT.537B đa số là đường cấp thấp có mặt đường rộng 3,5m; nhiều đoạn xuống cấp; công trình thoát nước gần như không có, mất tác dụng; hệ thống ATGT thiếu nhiều và không đồng bộ... trong đó có đoạn Km0 – Km5+850 từ xã Quỳnh Bá đi xã An Hoà.
Từ khi được nâng cấp thành đường tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo đơn vị quản lý thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, xử lý các hạng mục hư hỏng đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời báo cáo và được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí sửa chữa, mở rộng nền mặt đường, hệ thống thoát nước (Năm 2017 - 2020: sửa chữa mặt đường, bổ sung hệ thống thoát nước các đoạn Km3+382 – Km4+00, Km7+00 – Km9+00, Km10+00 – Km23+600 với tổng mức đầu từ gần 34,9 tỷ đồng; Năm 2021: sửa chữa, bổ sung hệ thống thoát nước các đoạn Km8+670 – Km9+025, Km9+275 – Km9+788, Km11+689 – Km12+054 với tổng mức đầu từ gần 4,9 tỷ đồng; Năm 2022: sửa chữa mặt đường, bổ sung hệ thống thoát nước các đoạn Km1+400 – Km1+700, Km2+850 – Km3+382 với tổng mức đầu tư 6,6 tỷ đồng). Trên đoạn tuyến từ xã Quỳnh Bá đi xã An Hòa đã sửa chữa và mở rộng 1,45km mặt đường và bổ sung 821 md rãnh kín thoát nước.
Hiện tại, đoạn từ xã Quỳnh Bá đi xã An Hoà hiện còn khoảng 3,1km mặt đường rộng 3,5m (gồm các đoạn Km0+00 - Km1+400, Km1+700 - Km2+850, Km5+300 - Km5+850) đã xuống cấp cần được sửa chữa như ý kiến cử tri nêu. Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp tục tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, đắp phụ lề đường, sửa chữa các hư hỏng mặt đường đảm bảo ATGT trên tuyến; đồng thời xem xét, bố trí nguồn vốn sửa chữa các đoạn còn lại trong thời gian tới.
- Xây mương thoát nước trên Quốc lộ 48 (đoạn dốc Truông Vên) vì không có mương nên nước thải của các hộ gia đình thải ra đường gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (cử tri Nguyễn Văn Trung, trú tại thôn 4, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu).
Quốc lộ 48 dài 160km, trong đó đoạn dốc Truông Vên thuộc địa phận xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu thuộc lý trình Km12+500-Km15+500. Hiện trạng đoạn tuyến có nền đường rộng 12m, mặt đường BTN rộng 11m; hệ thống thoát nước cơ bản đã được gia cố bằng bê tông (dạng rãnh kín và rãnh hình thang lắp ghép), riêng các đoạn Km12+995 - Km13+350 (Phải tuyến) và Km12+930 - Km13+350 (Trái tuyến) trên đỉnh dốc Truông Vên đang là rãnh đất. Với hiện trạng hệ thống thoát nước như trên đáp ứng nhu cầu thoát nước mặt đường QL.48. Tuy nhiên, do các hộ dân sinh sống 2 bên tuyến Km12+930 – Km13+350 không có hệ thống thoát nước sinh hoạt phía sau nhà nên đã xả thải ra phía QL.48 gây mất vệ sinh môi trường; đồng thời các hộ gia đình này buôn bán phế liệu, thường xuyên tập kết trên lề đường và trong lòng rãnh gây bồi lấp rãnh làm ảnh hưởng đến việc thoát nước dọc và an toàn giao thông trên tuyến.
- Nâng cấp tuyến đường và làm mương hai bên đường tuyến 537B đi qua vùng bãi ngang xã Quỳnh Bảng nay đã xuống cấp; Sớm triển khai đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư xã Quỳnh Bảng (cử tri Hồ Thị Thìn, Chủ tịch MTTQ xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu).
Tuyến ĐT.537B có chiều dài 27km được nâng lên đường tỉnh theo Quyết định số 3493/QĐ-UBND ngày 20/9/1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Đoạn tuyến đi qua vùng bãi ngang xã Quỳnh Bảng thuộc lý trình từ Km11+00 – Km14+050. Thời điểm được nâng cấp, ĐT.537B đa số là đường cấp thấp có mặt đường rộng 3,5m; nhiều đoạn xuống cấp, công trình thoát nước gần như không có. Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, xử lý các hạng mục hư hỏng đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời báo cáo và được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí sửa chữa, mở rộng nền mặt đường, hệ thống thoát nước (Năm 2017 - 2020: sửa chữa mặt đường, bổ sung hệ thống thoát nước các đoạn Km3+382 – Km4+00, Km7+00 – Km9+00, Km10+00 – Km23+600 với tổng mức đầu từ gần 34,9 tỷ đồng; Năm 2021: sửa chữa, bổ sung hệ thống thoát nước các đoạn Km8+670 – Km9+025, Km9+275 – Km9+788, Km11+689 – Km12+054 với tổng mức đầu từ gần 4,9 tỷ đồng; Năm 2022: sửa chữa mặt đường, bổ sung hệ thống thoát nước các đoạn Km1+400 – Km1+700, Km2+850 – Km3+382, Km11+00 – Km11+445, Km21+060 – Km21+325 với tổng mức đầu tư 6,6 tỷ đồng).
Trong các dự án nêu trên, bao gồm các đoạn tuyến đi qua vùng bãi ngang xã Quỳnh Bảng, cụ thể: sửa chữa và mở rộng mặt đường các đoạn Km11+00 - Km11 +445, Km11+600 - Km 12+300, Km12+650 - Km14+050; Bổ sung hệ thống rãnh thoát nước đoạn Km11+00 – Km11+275 (TT), Km11+154 – Km11+298 (PT) Km11+400-Km11+550(TT+PT), Km11+693 – Km12+047 (PT), Km11+891 – Km12+054 (TT), Km12+650-Km13+720(TT).
Tuy nhiên, do nguồn vốn cho công tác quản lý bảo trì còn hạn chế nên công tác sửa chữa, nâng cấp, mở rộng chưa thể thưc hiện đồng bộ trên toàn đoạn tuyến. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác BDTX, đảm bảo giao thông đi lại trên tuyến; xây dựng kế hoạch sửa chữa các đoạn còn lại và triển khai thực hiện khi được bố trí vốn.
Về vấn đề lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư xã Quỳnh Bảng (giao ĐT.537B với QL.48E), hiện nay Sở Giao thông vận tải đang trình Cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải xem xét đưa vào kế hoạch bảo trì năm 2024.
- Cử tri Nguyễn Văn Miên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu kiến nghị lắp đặt các biển báo giao thông trên tuyến đường 537 D (đoạn từ chân cầu trên tuyến Hậu, Đôi, Yên, Minh đến ngã tư xã Quỳnh Minh), do đoạn đường này thường xảy ra tai nạn giao thông.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Đoạn tuyến cử tri phản ánh thuộc lý trình từ Km0+00 – Km1+200 thuộc ĐT.537D hiện đang thực hiện dự án xây dựng cơ bản do UBND huyện Quỳnh Lưu làm Chủ đầu tư, chưa bàn giao cho Sở GTVT quản lý. Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Lưu, tại hồ sơ thiết kế được duyệt đoạn tuyến được bố trí 10 biển báo hiệu giao thông, hiện nay đơn vị thi công đã lắp đặt đầy đủ theo thiết kế, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và yêu cầu về đảm bảo ATGT trên tuyến.
- Các cử tri: Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 12, xã Quỳnh Thắng; Hồ Sỹ Tá, trú tại xóm 5, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu phản ánh đối tượng chính sách và người có công với cách mạng hiện nay hầu hết là người già cả, ốm đau, bệnh tật, mức hưởng phụ cấp không cao, đi lại khó khăn, kiến nghị có cách thức chi trả khác hợp lý hơn, ngoài việc trả tiền qua tài khoản.
UBND tỉnh trả lời như sau:
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 771/KH-UBND ngày 07/11/2022 về triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Nghệ An đang thực hiện việc cấp tài khoản an sinh cho các đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, Người có công với cách mạng và đối tượng hưởng trợ cấp Bảo trợ xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội ngay trong năm 2022. Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh đã cấp 169.039 tài khoản an sinh xã hội; đã chi trả trợ cấp ưu đãi qua tài khoản an sinh xã hội cho 4.676 trường hợp.
Hiện nay, đang thực hiện chi trả trợ cấp cho Người có công, thân nhân Người có công, đối tượng Bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện (trực tiếp bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản Ngân hàng cho các đối tượng đã có tài khoản an sinh xã hội). Trường hợp người dân được chi trả qua tài khoản an sinh xã hội có thể thực hiện các giao dịch, rút tiền,… không nhất thiết phải rút tiền qua thẻ ATM mà có thể đến phòng giao dịch gần nhất của Ngân hàng để rút tiền hoặc thanh toán qua tài khoản dịch vụ ngân hàng tiện lợi. Trường hợp các đối tượng không thể mở tài khoản, sẽ được xem xét thực hiện chi trả qua tài khoản cá nhân được ủy quyền.
- Các cử tri: Nguyễn Hữu Dũng, thôn 3, xã Sơn Hải; Hồ Văn Thuý, thôn Tân Xuân, xã Quỳnh Thuận; Hồ Trọng Lệ, thôn 2, xã Quỳnh Lương; Đào Văn Thuận, thôn 6, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu kiến nghị hỗ trợ kịp thời thiệt hại rau màu, sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân do ảnh hưởng của cơn bão, lũ lụt năm 2022.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Về nội dung hỗ trợ thiệt hại do thiên tai lũ lụt năm 2022, UBND tỉnh đã trích tạm ứng cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố số tiền: 79.060.799.000 đồng tại Quyết định số 1395/QĐ-UBND ngày 19/5/2023, trong đó, huyện Quỳnh Lưu được cấp tạm ứng số tiền: 11.155.392.000 đồng. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu khẩn trương cấp phát kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai năm 2022 để người dân khắc phục thiệt hại, tiếp tục sản xuất.
- Cử tri Nguyễn Văn Cừ, Ban quản lý HTX muối Minh Quang, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ người dân sản xuất muối (như: đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ khâu nối, bao tiêu sản phẩm cho người dân).
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Về chính sách hỗ trợ: Trước đây thực hiện theo Nghị Quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20 tháng 12 năm 2017 của HĐND tỉnh, cụ thể: Hỗ trợ một lần, với mức 3.000.000 đồng khi xây dựng bộ chạt lọc cải tiến để thay chạt lọc cũ; Hỗ trợ bạt nhựa nilon trải ô kết tinh, với mức 3.000.000 đồng/đơn vị sản xuất muối (60m2). Từ năm 2022 thực hiện theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh, cụ thể: Hỗ trợ một lần, với mức 3.000.000 đồng khi xây dựng bộ chạt lọc cải tiến để thay chạt lọc cũ; Hỗ trợ bạt nhựa nilon trải ô kết tinh với định mức 80.000 đồng/m2. Việc thực hiện chính sách trải bạt ô kết tinh và xây dựng chạt lọc cải tiến đã nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất muối. Đến nay đã hỗ trợ xây dựng chạt lọc cải tiến đạt 9.508 bộ, và trải bạt ô kết tinh đạt 2.540 đơn vị.
- Về hỗ trợ thu mua tiêu thụ muối: Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 5 cơ sở chế biến muối tại huyện Quỳnh Lưu, mỗi năm các đơn vị đã thu mua, bao tiêu khoảng 40.000 tấn muối thô cho bà con diêm dân. Để tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ muối trong thời gian tới Chi cục PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng các dự án, mô hình nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối của các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng thương hiệu, khuyên khích tham gia chương trình OCOP (hiện nay đã có 02 sản phẩm từ muối đạt OCOP 3 sao) nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm từ muối.
- Về hỗ trợ cơ sở hạ tầng đồng muối: UBND tỉnh đã có Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 27/7/2023 về việc phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến Muối trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2030, trong đó có Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối huyện Quỳnh Lưu.
- Cử tri Trần Xuân Nhương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu kiến nghị có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về việc Sở Nội vụ giao số lượng người làm việc (giáo viên) không đủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường phải bố trí giáo viên dạy vượt giờ để đảm bảo thực hiện đúng chương trình giáo dục, trong khi Sở Tài chính chỉ cấp ngân sách theo số lượng được giao, các trường không có tiền để trả cho giáo viên dạy vượt giờ.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục khối huyện đã tính đủ cho các cấp giáo dục công lập từ mầm non đến trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và phòng giáo dục và đào tạo. Hàng năm, căn cứ số người làm việc trong các cơ sở giáo dục được HĐND và UBND tỉnh giao, Sở Tài chính đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự toán và bố trí đầy đủ kinh phí tiền lương, phụ cấp lương, các chính sách và kinh phí chi hoạt động cho các cơ sở giáo dục.
Số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục được Ban Tổ chức Trung ương giao cho tỉnh Nghệ An là 46.963 người, UBND tỉnh đã giao cho Sở Giáo dục – Đào tạo và UBND cấp huyện 46.963 biên chế sự nghiệp giáo dục. Khi được Ban Tổ chức Trung ương bổ sung, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục.
- Cử tri Trần Xuân Nhương, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Quỳnh Lưu phản ánh UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế, số lượng giáo viên được tuyển dụng không đủ đáp ứng yêu cầu quy mô số lớp, số học sinh. Kiến nghị tăng số lượng biên chế và số lượng giáo viên tuyển dụng cho 3 cấp học trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định định mức mức giáo viên tối đa trên lớp.
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã có các văn bản số 299/BC-UBND ngày 11/6/2020, số 466/BC-UBND ngày 19/8/2020, số 243/BC-UBND ngày 29/4/2021, số 305/BC-UBND ngày 13/5/2022, số 581/BC-UBND ngày 03/8/2023 báo cáo và làm việc trực tiếp với Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo trình và được Bộ Chính trị bổ sung 2.820 biên chế (là tỉnh được bổ sung nhiều nhất trong 27.850 biên chế bổ sung cho cả nước). Do tỷ lệ học sinh trên lớp trên địa bàn tỉnh mới xấp xỉ 80% định mức tối đa của Điều lệ trường học, nên chưa đủ cơ sở để Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục Đào tạo đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tăng thêm biên chế cho ngành Giáo dục và Đào tạo;
Để bố trí giáo viên theo định mức tối đa: UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng tỷ lệ học sinh trên lớp (tiệm cận với sỹ số học sinh trên lớp tối đa) và sát nhập các trường có quy mô nhỏ để bố trí giáo viên theo định mức tối đa.
Triển khai Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế; Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ; Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch số người làm việc hưởng lương từ ngân sách và hợp đồng lao động hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, đơn vị đăng ký thí điểm khoán số người làm việc theo định mức tối đa trên sỹ số học sinh trên lớp tối đa, song đến nay UBND các huyện, thành phố, thị xã vẫn chưa mạnh dạn nhận thí điểm.