1. Cử tri La Văn Canh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ phản ánh xã Tiên Kỳ có làng nghề Dệt thổ cẩm Thái Minh được công nhận năm 2016. Tuy nhiên, đến nay các làng nghề trên vẫn chưa được hưởng mức hỗ trợ 2 đến 3 tỷ đồng/1 làng nghề để đầu tư cơ sở hạ tầng theo Ngh quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 của HĐND tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm hỗ trợ kinh phí cho các làng nghề theo quy định.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Làng nghề Dệt thổ cẩm Thái Minh xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 6567/QĐ-UBND ngày 22/12/2016; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 4072/SKHĐT-KT ngày 11/10/2022 về việc cho ý kiến đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và đề nghị UBND huyện Tân Kỳ cân đối nguồn vốn từ ngân sách huyện, xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng làng nghề Dệt thổ cẩm Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ.

  1. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể:

+ Nâng cấp tuyến đường Tỉnh 534D đoạn qua 2 xã Phú Sơn và Tiên Kỳ (phần đã bàn giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý từ Km31+300 – Km38+242 của đường Tỉnh 534D) vì tuyến đường này chủ yếu là đường đất, hiện đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là vào mùa mưa vừa qua học sinh đi học, giao thông đi lại rất khó khăn (cử tri Nguyễn Hồ Thú, trú tại xóm Tân Lâm, xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ);

UBND tỉnh trả lời như sau:

Tuyến ĐT.534D dài 49Km được nâng lên đường tỉnh theo Quyết định số 4410/QĐ-UBND ngày 02/10/2018 của UBND tỉnh Nghệ An và được đính chính số hiệu thành ĐT.534D tại văn bản số 509/UBND-CN ngày 22/01/2019. Tuyến có điểm đầu Km0+00 thuộc xã Nghĩa Hoàn, điểm cuối Km49+00 thuộc xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ.

Đoạn tuyến qua 2 xã Phú Sơn và Tiên Kỳ có lý trình là Km28+900 – Km38+240. Hiện trạng khi chuyển thành đường tỉnh, đoạn này là đường cấp phối đã bị xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng, hệ thống thoát dọc đa số là rãnh đất gần như bị bồi lấp hoàn toàn, hệ thống ATGT chưa đồng bộ, nhiều biển báo bị han rỉ, hư hỏng... Từ khi tiếp nhận quản lý, Sở GTVT đã chỉ đạo Đơn vị quản lý tiến hành chỉnh trang tuyến, khơi thông hệ thống thoát nước, bổ sung, sửa chữa hệ thống an toàn giao thông, đắp xô bồ các vị trí sình lầy mặt đường và sửa chữa một số đoạn mặt đường hư hỏng đảm bảo ATGT trên tuyến. Năm 2022; Sở GTVT tiến hành đầu tư sửa chữa nền, mặt đường từ Km28+900 – Km30+732 với kinh phí 6 tỷ đồng. Do kinh phí còn hạn chế trong khi nhu cầu sửa chữa rất lớn, do đó trước mắt cần ưu tiên sửa chữa các đoạn đi qua khu đông dân cư, các trung tâm hành chính. Sở GTVT đã chỉ đạo Đơn vị quản lý tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo ATGT trên tuyến; đồng thời Sở tiếp tục báo cáo với UBND tỉnh để đưa các đoạn tuyến có hiện trạng là đường cấp phối vào kế hoạch sửa chữa trong thời gian tới.

  1. Các cử tri: Phùng Quang Diện, trú tại xóm Lê Lợi, xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ; Hồ Văn Mai, trú tại xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ phản ánh sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, hiện nay các xóm đang có nhà văn hóa dư thừa không sử dụng dẫn đến xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí. Trong khi đó các nhà văn hóa đang sử dụng quá chật chội, không đủ điều kiện cho người dân sinh hoạt, gây nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các nhà văn hóa dôi dư, đồng thời có phương án nâng cấp hoặc xây dựng mới các nhà văn hóa khối, xóm để đảm bảo phục vụ sinh hoạt của người dân, góp phần đảm bảo tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

 

UBND tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (được bổ sung, sửa đổi tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021), UBND tỉnh và Sở Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện sắp lại, xử lý nhà, đất. Đến nay (thời điểm 30/6/2023) đã hoàn thành việc lập, trình phê duyệt và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là: 3.764/4.362 cơ sở đạt 87%. Cụ thể việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại một số địa phương như:

- Đối với các cơ sở Nhà văn hóa dôi dư do sáp nhập xóm tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành. Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án 12 cơ sở nhà văn hóa của UBND xã Viên Thành dôi dư do sáp nhập xóm (theo Quyết định số 2044/QĐ-UBND ngày 12/7/2023), trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng 9 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 03 cơ sở.

- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ: đã phê duyệt theo Quyết định số 2291/QĐ-UBND ngày 04/8/2022: 8 cơ sở giữ lại, 01 cơ sở điều chuyển (nhà văn hóa Tân Lâm, dự kiến điều chuyển cho trường mầm non Tân Lâm), hiện đang trình phê duyệt 02 cơ sở: phương án thu hồi để quy hoạch thực hiện bán đấu giá.

- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ: có 15 nhà văn hóa; đang trình phê duyệt phương án giữ lại sử dụng 13 nhà văn hóa, phương án thu hồi 02 cơ sở để quy hoạch thực hiện bán đấu giá.

- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Nghĩa Mỹ, Thị xã Thái Hòa: có 13 nhà văn hóa UBND tỉnh đã phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng tại Quyết định số 2039/QĐ-UBND ngày 12/7/2023 và Quyết định số 1429/QĐ-UBND ngày 25/5/2022;

- Đối với các cơ sở nhà văn hóa dôi dư do sáp nhập xóm tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp: có 12 cơ sở nhà văn hóa. Hiện nay, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án 10 cơ sở nhà văn hóa của UBND xã Yên Hợp dôi dư do sáp nhập xóm, trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng 10 cơ sở (Quyết định số 3100/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 của UBND tỉnh); 01 cơ sở UBND huyện đang trong quá trình tổng hợp hồ sơ trình các Sở: Tài chính - Tài Nguyên - Xây dựng với phương án dự kiến là giữ lại tiếp tục sử dụng; 01 cơ sở chưa thực hiện sắp xếp do chưa có hồ sơ pháp lý về đất đai.

Phương án sắp xếp là do địa phương đề xuất trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương, trong đó đối với nhà văn hóa xóm thì một số địa phương do nhu cầu về các thiết chế văn hóa (về thư viện, về các hoạt động văn hóa, thể thao..) nên các địa phương vẫn đề nghị sắp xếp theo phương án giữ lại tiếp tục sử dụng đối với các cơ sở Nhà văn hóa sau sáp nhập.

Trường hợp địa phương đề xuất phương án bán đấu giá đối với Nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập (sau khi lấy ý kiến của người dân địa phương sẽ quy hoạch một điểm mới, đấu giá địa điểm cũ để lấy nguồn kinh phí xây dựng lại), trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới thì thống nhất theo đề xuất của địa phương và HĐND tỉnh cũng đã có cơ chế chính sách đối với kinh phí thu được từ bán đấu giá cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập, cụ thể như sau:

- Chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị công trình khu văn hóa - thể thao cho các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khối, xóm được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh;

- Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh đã quy định để lại và điều tiết 100% tiền bán cơ sở nhà, đất đối với tài sản công để đầu tư trở lại xây dựng trụ sở các cơ quan đơn vị có tài sản theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, trường hợp các nhà văn hóa của các xóm cũ không đảm bảo khuôn viên và vật chất để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân sau sáp nhập mà thực hiện phương án bán đấu giá để thực hiện quy hoạch địa điểm mới hoặc mở rộng diện tích hiện có thì sau khi bán đấu giá được sử dụng số tiền thu được bán đấu giá để xây dựng mới theo quy định tỷ lệ tại Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 nêu trên.

  1. Cử tri Võ Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ đề nghị kiểm tra, đánh giá trữ lượng mỏ cát tại Công ty Vũ Trường Giang và Công ty Hải Đường đang hoạt động trên địa bàn, nếu hết trữ lượng đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản (cát sỏi). Vì theo người dân trữ lượng cát sỏi đã cạn kiệt.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường: UBND huyện Tân Kỳ đã phối hợp Chi cục thuế Sông Lam I, đối chiếu sản lượng khai thác khoáng sản của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Vũ Trường Giang và Doanh nghiệp tư nhân Hải Đường cho thấy các đơn vị khai thác không vượt trữ lượng được cấp phép khai thác. Kiểm tra hiện trường cho thấy Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Vũ Trường Giang và Doanh nghiệp tư nhân Hải Đường đang khai thác trong phạm vi, diện tích khu vực mỏ.

  1. cử tri Nguyễn Châu Hoà, trú tại xóm Trung Độ, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ kiến nghị có chính sách hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho Bí thư, xóm trưởng, Trưởng ban Công tác mặt trận tại các khối, xóm.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã quy định mức phụ cấp cho Bí thư, Trưởng xóm (khối, bản), Trưởng ban Công tác mặt trận đã bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm y tế. Sau khi có kiến nghị cử tri về những bất cập phụ cấp đối với người đã được hưởng chế độ hưu trí đảm nhận chức danh Bí thư, Trưởng xóm (khối, bản), Trưởng ban Công tác mặt trận, Sở Nội vụ đã tham mưu trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND, theo đó bỏ cụm từ “đã bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm y tế”. Triển khai Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023, của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Sở Nội vụ đang thực hiện rà soát, xây dựng dự thảo Nghị quyết tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành trong phiên họp cuối năm 2023.