thi-xa-hoang-mai-huong-toi-do-thi-du-lich-bien-hinh-anh-1.jpg
Thị xã Hoàng Mai

1. Cử tri Hoàng Thị Cúc, trú tại khối Phú Lợi 1, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai phản ánh đường điện đi qua sông Hoàng Mai (nhánh rẽ Công ty Phương Mai) thuộc địa bàn các phường: Quỳnh Phương, Quỳnh Dị đường điện thấp, dây trần, gây mất an toàn cho người dân và gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành điện lực kiểm tra, sửa chữa, khắc phục.

UBND tỉnh trả lời:

Đường đây nhánh rẽ Công ty Phương Mai thuộc tài sản khách hàng đấu nối tại cột 67 ĐZ 473E15-17 Hoàng Mai có khoảng cột 10-11 vượt sông Hoàng Mai. Việc cải tạo, sửa chữa này thuộc trách nhiệm của khách hàng và Điện lực Quỳnh Lưu đã có văn bản số 496/TB-ĐQL ngày 18/11/2022 về việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện cáo áp gửi Công ty Phương Mai. Hiện nay Công ty Phương Mai đang triển khai thực hiện.

2. Các cử tri: Nguyễn Hồng Thanh, Bí thư Chi bộ khối Sỹ Tân; Hồ Sỹ Trường, Bí thư Chi bộ khối Yên Trung; Hồ Phi Hưu, trú tại khối Yên Trung; Văn Sỹ Đào, trú tại khối Yên Ninh, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai phản ánh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với đất và tài sản trên đất còn thấp so với giá thị trường và khu tái định cư. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xem xét điều chỉnh cho phù hợp và đảm bảo quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.

UBND tỉnh trả lời:

Thực hiện Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; UBDN tỉnh ban hành các Quyết định: số 54/2014/QĐ-UBND ngày 08/9/2014, số 58/2015/QĐ-UBND ngày 13/10/2015 và số 24/2022/QĐ-UBND ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh quy định hỗ trợ đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, thị trấn, xen kẽ trong khu dân cư nông thôn.

Việc điều chỉnh các mức hỗ trợ đều căn cứ vào quy định của Luật Đất đai qua các thời kỳ, điều kiện thực tế của tỉnh; việc có sự chênh lệch xuất phát từ các lý do: pháp luật đất đai qua các thời kỳ có sự thay đổi cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ; đảm bảo sự công bằng đối người sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực đô thị và nông thôn; các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất chủ yếu nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét khi xây dựng Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới.

3. Cử tri Nguyễn Thị Quy, Chủ tịch UBMTTQ xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai kiến nghị khắc phục việc tuyến Tỉnh lộ 537B đi qua địa bàn xã Quỳnh Liên có hệ thống mương nhỏ, tiêu nước chậm; một số đoạn đường xuống cấp, tình trạng dây điện chằng chịt gây khó khăn cho phương tiện đi lại, ngập lụt vào mùa mưa, tiềm ẩn mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

1501292443960.jpg
Tuyến đường tỉnh lộ 537B

UBND tỉnh trả lời:

Tuyến ĐT.537B có chiều dài 27km được nâng lên đường tỉnh theo Quyết định số 3493/QĐ-UBND ngày 20/9/1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An trong đó đoạn đi qua xã Quỳnh Liên thuộc lý trình Km14+050 - Km18+400. Do được đầu tư xây dựng từ lâu, có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn; nền đường thấp, hành lang giao thông hẹp, nhà dân xaauy dựng san sát hai bên tuyến, xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông, đắp đất xây dựng nhà cao hơn nền đường, một số vị trí thoát nước tự nhiên bị san lấp nên khi có mưa to thường xảy ra tình trạng đọng nước trên mặt đường vì không có lối thoát,.... nên một số đoạn tuyến bị xuống cấp, hư hỏng như nội dung cử tri phản ánh.

Trước thực trạng đó, từ năm 2018-2022, Sở Giao thông vận tải đã tiến hành đầu tư, sửa chữa mặt đường, hệ thống thoát nước một số đoạn trên tuyến với tổng chiều dài 2,4 Km mặt đường, 3,5Km rãnh dọc thuộc phạm vi các đoạn Km14+050 - Km14+350, Km15+00 - Km16+00, Km16+00 - Km18+00, Km14+500 - Km15+240. Tuy nhiên, do nguồn vốn cho công tác quản lý bảo trì còn hạn chế nên công tác sửa chữa, nâng cấp, mở rộng chưa thể thực hiện đồng bộ trên toàn đoạn tuyến. Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, đồng thời triển khai đầu tư sửa chữa nâng cấp mặt đường, bổ sung và cải tạo hệ thống thoát nước trên tuyến sau khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

4. Cử tri Nguyễn Hồng Thanh, Bí thư Chi bộ khối Sỹ Tân, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động tổ tự quản trên địa bàn để xây dựng Tổ tự quản “Văn minh- An toàn”.

UBND tỉnh trả lời:

Kinh phí hỗ trợ hoạt động đối với tổ tự quản là một trong những nội dung thuộc nhiệm vụ chi quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội cấp xã và được thực hiện theo quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 tại Nghị quyết số 21/2021/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh. Theo đó, định mức hỗ trợ chi quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội cấp xã được tính trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính cấp xã (căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội và các yếu tố đặc thù), như sau:

- Xã, phường, thị trấn loại I: 165 triệu đồng/xã/năm.

- Xã, phường, thị trấn loại II: 150 triệu đồng/xã/năm.

- Xã, phường, thị trấn loại III: 135 triệu đồng/xã/năm.

Định mức hỗ trợ chi quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội cấp xã được xây dựng trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách địa phương và đã tăng lên đáng kể so với định mức hỗ trợ giai đoạn 2017 - 2020. Việc phân bổ chi tiết kinh phí chi quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội đối với từng xã (trong đó bao gồm hỗ trợ hoạt động đối với tổ tự quản) được UBND cấp xã trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết nghị phân bổ theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

5. Cử tri Lê Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai kiến nghị nạo vét mương tiêu thoát lũ ở thôn 3B, xã Quỳnh Lộc.

UBND tỉnh trả lời:

Tuyến kênh tiêu 3B như phản ánh của cử tri chính là tuyến kênh Nhà Lê chảy từ giáp ranh tỉnh Thanh Hoá về thị xã Hoàng Mai qua xã Quỳnh Lộc đổ ra biển tại cửa Lạch Cờn, có chiều dài khoảng 7km. Đoạn phía thượng nguồn dài khoảng 5km từ Thanh Hóa đến khu công nghiệp Hoàng Mai I cơ bản đã được mở rộng, nạo vét, được kè đá 02 bên đảm bảo thông thoáng, không bị ách tắc.

Riêng đoạn phía hạ nguồn từ khu công nghiệp Hoàng Mai I đổ ra Lạch Cờn đi qua thôn 3B, xã Quỳnh Lộc dài khoảng 2 km đã bị bồi lắng lâu ngày chưa được nạo vét, cỏ cây mọc dày hai bên bờ cản trở dòng chảy, bên cạnh đó tại vị trí thôn 3B có một tràn ngăn mặn có khẩu độ tiêu thoát nước quá nhỏ kết hợp đường giao thông của người dân đi lại sản xuất được đắp từ năm 1977. Hàng năm, khi có mưa lớn sẽ gây ngập lụt vùng dân cư và vùng nuôi tôm thâm canh, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và gây thiệt hại về tài sản và tôm nuôi của người dân. Do đó, việc cử tri đề nghị nạo vét, gia cố đoạn kênh này là rất cần thiết.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND thị xã Hoàng Mai trước mắt tập trung xử lý tình trạng lấn chiếm, đắp ao nuôi trồng thủy sản, giải tỏa các công trình nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, theo đúng quy định. Đồng thời, rà soát, đề xuất phương án cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư nạo vét, gia cố và mở rộng đoạn kênh tiêu tại thôn 3B, đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

6. Cử tri phường Quỳnh Phương và xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai phản ánh việc hỗ trợ tiền dầu cho Ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên bị chậm, đề nghị quan tâm hỗ trợ sớm cho người dân.

20220614_104021.jpg
Ảnh minh họa

UBND tỉnh trả lời:

Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận 340 bộ hồ sơ/338 tàu; tuy nhiên, tiến độ công tác hỗ trợ theo Chính sách khai thác biển xa vẫn còn chậm, nguyên nhân:

+ Hồ sơ chưa đảm bảo đầy đủ và chính xác theo quy định, vẫn còn tình trạng tẩy xóa, bị sai, thiếu… buộc phải bổ sung nhiều lần; Thiết bị giám sát hành trình bị mất tín hiệu kết nối trên biển, một số tin nhắn giữa thiết bị VX1700 với VMS chưa phù hợp, Nhật ký khai thác không có số vào sổ của cảng cá, nhật ký khai thác ghi không có sản lượng do hỏng lưới, bị ảnh hưởng gió mùa không khai thác,… nên cần thời gian xác minh, làm rõ từ các ban ngành khác nhau, thậm chí từ lực lượng Biên phòng các tỉnh khác.

+ Một số quy định mới có hiệu lực trong năm 2022, mặc dù đã được triển khai thực hiện và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuy nhiên các chủ tàu/thuyền trưởng vẫn chưa nắm bắt kịp thời để thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, ngày 18/01/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 04/3/2022. Theo đó, có ban hành mẫu Sổ Danh bạ thuyền viên tàu cá mới và quy định Ban quản lý cảng cá xác nhận trong Sổ Danh bạ khi tàu vào bốc dỡ hàng hóa, sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không có xác nhận của Ban quản lý cảng cá, do đó đã gây khó khăn cho công tác thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ và làm kéo dài thời gian thẩm định.

+ Một số xã/phường chậm trễ trong việc thực hiện niêm yết công khai Danh sách các tàu cá dự kiến hỗ trợ tại địa phương và gửi kết quả về Chi cục Thủy sản. Bên cạnh đó, việc niêm yết công khai danh sách các tàu cá dự kiến đề nghị hỗ trợ sau khi có kết quả thẩm định đợt 2/2022 là 15 ngày làm việc trùng vớt lịch nghỉ tết nguyên đán nên kéo dài thời gian giải ngân hỗ trợ cho các chủ tàu.

+ Quy trình hỗ trợ, phê duyệt danh sách và cấp phát kinh phí phải qua nhiều bước và qua nhiều Sở, Ban, Ngành dẫn đến thời gian nhận hỗ trợ của các chủ tàu bị kéo dài.

+ Các thành viên Tổ thẩm định, Tổ niêm phong và tháo niêm phong gồm nhiều lực lượng/ban ngành (BCH Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, Sở tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản, UBND huyện/thị và UBND các xã/phường) làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng gặp một số khó khăn nhất định, gây mất thời gian thực hiện.

- Một số giải pháp đã và đang thực hiện:

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn các quy định liên quan trong thực hiện Chính sách khai thác biển xa cho các chủ tàu/thuyền trưởng tham gia khai thác biển xa nhằm khắc phục tình trạng hồ sơ đề nghị hỗ trợ bị tẩy xóa, bị sai, thiếu, thiết bị giám sát hành trình bị mất tín hiệu kết nối trên biển, nhật ký khai thác không có số vào sổ của cảng cá, nhật ký khai thác ghi không có sản lượng do hỏng lưới, bị ảnh hướng gió mùa không khai thác,… buộc phải bổ sung hồ sơ nhiều lần và cần thời gian xác minh từ các cơ quan, ban ngành.

+ Cung cấp các biểu mẫu liên quan cho UBND xã/phường có tàu cá tham gia khai thác biển xa; hướng dẫn chi tiết các biểu mẫu hồ sơ cho các chủ tàu cá trong các giờ đàm thoại, trực tiếp tại cơ sở trong quá trình niêm phong hoặc kiểm tra tháo niêm phong thiết bị VX-1700 và trực tiếp tại Trạm bờ.

+ Ban hành Quy trình thực hiện hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa thực hiện từ năm 2023 thay thể Quy trình cũ ban hành ngày 13/12/2021.

7. Cử tri Nguyễn Hồng Quân, đại biểu HĐND thị xã Hoàng Mai kiến nghị khắc phục tình trạng ngập lụt khi mưa lớn ở tuyến Quốc lộ 1A, đoạn đi qua phường Quỳnh Xuân.

UBND tỉnh trả lời:

Tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn khối 13 phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An thuộc Dự án ĐTXD công trình mở rộng QL1A đoạn Km368+400 (Nghi Sơn) - Km 402+330 (Cầu Giát), tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An theo hình thức hợp đồng BOT được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 05/2015, hai bên đoạn tuyến đã được bố trí hệ thống rãnh dọc kín. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết mưa lũ lớn kéo dài hoặc ảnh hưởng do việc xả lũ của đập thủy lợi Vực Mấu nên một số đoạn rãnh cục bộ tiết diện không đủ để thoát nước dẫn đến xảy ra việc nước tràn mặt đường như cử tri phản ánh.

Trước thực trạng đó, Công ty BOT đã báo cáo, đề xuất và được Bộ Giao thông vận tải có văn bản chỉ đạo số 4620/BGTVT-KCHT ngày 12/05/2022 về việc bổ sung hệ thống thoát nước dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát. Trên cơ sở văn bản số 5819/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 23/09/2022 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) về việc thỏa thuận phương án sửa chữa, bổ sung hệ thống thoát nước đoạn qua phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai thuộc Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát, Công ty BOT đã chỉ đạo Tư vấn thiết kế hoàn thiện hồ sơ Báo cáo Kinh tế kỹ thuật và đã được Nhà đầu tư phê duyệt tại Quyết định số 21250/QĐ-LD ngày 31/10/2022. Công trình đã được triển khai thi công từ ngày 10/12/2022, đối với hạng mục cống hộp tại Km393+726, QL.1 sẽ triển khai thi công ngay khi được Hội đồng bồi thường GPMB thị xã Hoàng Mai bàn giao mặt bằng, nếu không gặp vướng mắc về mặt bằng thi công Công ty BOT sẽ đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ và dự kiến hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình trong tháng 6/2023.

8. Cử tri thị xã Hoàng Mai phản ánh khi chuyển quyền sử dụng đất, Chi cục Thuế không căn cứ vào giá nhà nước đã phê duyệt mà thu theo quyết định của ngành thuế, do đó có thể tăng nhiều lần và không có căn cứ để đề ra mức thu thuyết phục. Đề nghị xem xét, giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người dân.

UBND tỉnh trả lời:

Luật Thuế Thu nhập cá nhân năm 2007 và các văn bản sửa đổi, bổ sung quy định: Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi tính thuế Thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giá thực tế ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng; Trường hợp không xác định được giá thực tế hoặc giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định căn cứ theo Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định. Trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, có những thời điểm giá bất động sản tăng cao rất nhiều lần so với giá đất do UBND tỉnh quy định; tuy nhiên, hầu hết các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản kê khai giá chuyển nhượng chỉ bằng hoặc thấp hơn giá do UBND tỉnh quy định, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã tăng cường nhiều biện pháp chống thất thu, trong đó đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai theo đúng giá giao dịch chuyển nhượng bất động sản, đồng thời yêu cầu người nộp thuế giải trình về giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Từ đó người nộp thuế ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật thuế, chủ động khai tăng giá chuyển nhượng ngay từ khi làm hợp đồng công chứng. Đặc biệt, nhiều trường hợp đã tự giác kê khai lại giá chuyển nhượng cao hơn rất nhiều so với giá đã ghi trên hợp đồng, góp phần tăng thu cho ngân sách tỉnh trong năm vừa qua.

9. Ông Hồ Tuấn Anh, cử tri thị xã Hoàng Mai phản ánh việc tăng học phí từ 90.000 đồng lên 300.000 đồng đã ảnh hưởng đến các hộ gia đình thuộc diện khó khăn nhưng không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đề nghị có giải pháp để đảm bảo cơ hội đến trường cho các em học sinh.

UBND tỉnh trả lời:

Thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định thuộc tỉnh Nghệ An quản lý từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026. Theo đó, mức thu học phí ban hành tại Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An là mức thấp nhất theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ các quy định pháp luật hiện hành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-223 giữ ổn định như năm học 2021-2022.