- Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng hệ thống thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của Nhân dân, cụ thể như sau:
+ Xử lý và lắp đặt tấm chắn ngăn lũ tại các cống tiêu nước trên tuyến đê đấu thủy Vĩnh - Viên sau thi công. Hiện nay cống quá nhỏ so với cống cũ, không có tấm chắn, khi nước lũ về đã tràn vào đồng ruộng gây ngập lụt cục bộ, làm cho tuyến đê này không còn có tác dụng (cử tri xã Viên Thành, huyện Yên Thành).
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê Vĩnh – Viên – Khánh – Long – Nhân – Thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành (Giai đoạn 01) do UBND huyện Yên Thành làm Chủ đầu tư; Dự án đã triển khai thi công từ năm 2009 và đến năm 2014 thì dừng thi công. Tuy nhiên, đến nay các cống tiêu qua đê chưa lắp đặt cửa van, vào mùa mưa lũ nước tràn vào gây ngập lụt phía trong đồng; UBND huyện Yên Thành đã nhiều lần đề nghị nhà thầu tiếp tục triển khai thi công phần còn lại nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND huyện Yên Thành khẩn trương nghiên cứu và tìm ra hướng giải quyết phù hợp, đảm bảo quy định của pháp luật để lắp đặt cửa van tại các cống qua đê, phát huy tác dụng của tuyến đê, phát huy hiệu quả dự án đầu tư.
- Cử tri xã Kim Thành, huyện Yên Thành phản ánh xã Kim Thành có làng nghề hoa đào phai được công nhận năm 2022. Tuy nhiên, đến nay các làng nghề trên vẫn chưa được hưởng mức hỗ trợ 2 đến 3 tỷ đồng/1 làng nghề để đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 của HĐND tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm hỗ trợ kinh phí cho các làng nghề theo quy định.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Làng nghề hoa đào phai Kim Thành, xã Kim Thành, huyện Yên Thành được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định 3469/QĐ-UBND ngày 08/11/2022. Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 14, Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ quy định “UBND cấp tỉnh quyết định dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề theo quy định của Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn theo quy định hiện hành”. Vì vậy, để làng nghề được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh, UBND huyện Yên Thành căn cứ theo Luật Đầu tư công và các văn bản: Công văn số 6738/UBND-NN ngày 24/9/2019 về việc triển khai thực hiện chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và Công văn 1313/UBND-NN ngày 02/3/2022 về việc bổ sung một số nội dung để triển khai thực hiện chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.
- Cử tri xã Kim Thành, huyện Yên Thành phản ánh tại xã Kim Thành cũng như nhiều xã của huyện Yên Thành đang xây dựng nông thôn mới nâng cao nhưng việc cấp xi măng sau khi đã thẩm định xây dựng hoàn thành nông thôn mới nâng cao gặp nhiều khó khăn, bất cập; nhiều tuyến đường giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng chưa được bê tông hóa, trong khi nguồn ngân sách xã eo hẹp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 được ứng trước nguồn xi măng để hoàn thành hệ thống giao thông nông thôn trước khi báo cáo trình thẩm định.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ Nghị Quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/3/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, sau khi có Quyết định phê duyệt danh sách đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới của các địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu hỗ trợ xi măng cho các địa phương. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu phải đáp ứng các quy định pháp luật liên quan dẫn tới việc cung ứng xi măng cho các địa phương trong năm còn chậm và chưa kịp thời; một số địa phương gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và sử dụng.
Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính đẩy nhanh việc triển khai đấu thầu. Trong trường hợp việc đấu thầu và cung ứng xi măng chậm so với kế hoạch triển khai của các xã, nghiên cứu phương án cụ thể đảm bảo cung ứng sớm cho các địa phương được hỗ trợ để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Cử tri xã Viên Thành, huyện Yên Thành phản ánh hiện nay một số xã khu vực phía nam của huyện chưa có nhà máy nước sạch để phục vụ dân sinh (trong đó có xã Viên Thành). Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm có kế hoạch xây dựng nhà máy nước sạch để phục vụ Nhân dân và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Nội dung kiến nghị của Cử tri xã Viên Thành sớm có kế hoạch xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ người dân là hoàn toàn chính đáng và thiết thực. Để giải quyết nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân, UBND tỉnh đã có văn bản số 263/UBND-NN ngày 15/01/2021, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất Dự án nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến xây dựng 01 nhà máy cấp nước sạch tập trung tại xã Bảo Thành với công suất thiết kế 13.500 m3/ngày/đêm để cung cấp nước sạch cho 9 xã vùng Nam Yên Thành, (các xã: Bảo Thành, Mỹ Thành, Viên Thành, Sơn Thành, Nam Thành, Trung Thành, Lý Thành, Bắc Thành và Công Thành). Đề xuất Dự án đã được các Bộ ngành Trung ương, các Sở ngành liên quan cho ý kiến và hoàn thiện tiếp tục trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng thế giới để xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ (Văn bản của UBND tỉnh số 6158/UBND-KT ngày 26/7/2023). Hiện tại UBND tỉnh, Sở nông nghiệp và PTNT đang tích cực làm việc với các Bộ ngành Trung ương và Ngân hàng Thế giới để thống nhất, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023. Nếu dự án sớm được phê duyệt triển khai thì sẽ cấp nước sạch cho toàn bộ nhân dân 9 xã vùng Nam Yên Thành của huyện Yên Thành đảm bảo ổn định, bền vững.
- Cử tri xã Thọ Thành, huyện Yên Thành phản ánh năm 2004, xã Thọ Thành đã được đầu tư xây dựng Nhà máy cấp nước sạch trên địa bàn. Hiện nay việc quản lý vận hành Nhà máy nước gặp một số khó khăn như: (1) UBND xã không có thẩm quyền trong việc kinh doanh nước sạch nên đã bàn giao tạm thời cho Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng Hùng Dũng quản lý vận hành từ đầu tháng 5 năm 2018 đến nay. Nhưng việc bàn giao quản lý chưa dứt điểm do gặp nhiều khó khăn về hồ sơ thủ tục. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt ngày càng nhiều đòi hỏi phải đầu tư nâng cấp quy mô Nhà máy nước. UBND xã đã nhiều lần có kiến nghị nhưng chưa được giải quyết vấn đề bàn giao cho cá nhân, doanh nghiệp để họ chủ động quản lý và đầu tư phát triển Nhà máy nước; (2) giá thu nước sạch thực hiện Quyết định số 19/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An không đáp ứng được thu – chi trong hoạt động Nhà máy nước do giá nước thô cao, hóa chất, giá điện, chi phí cho nhân công đều tăng trong khi giá thu thấp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp nước sạch cho Nhân dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
(1) Theo quy định thì công trình cấp nước tập trung xã Thọ Thành, huyện Yên Thành là tài sản kết cấu hạ tầng, việc quản lý sử dụng theo quy định Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 76/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương thức giao công trình”. Như vậy, việc UBND xã Thọ Thành giao khoán cho doanh nghiệp quản lý vận hành từ năm 2018 đến nay khi chưa có quyết định của UBND tỉnh là không đúng thẩm quyền, không đảm bảo quy định của Nhà nước. Mặt khác việc bàn giao chưa đúng theo các trình tự và thủ tục pháp lý của pháp luật quy định hiện hành (khi bàn giao không xin ý kiến của UBND tỉnh), chưa đánh giá tài sản trước khi bàn giao và làm các thủ tục cần thiết, chưa làm các thủ tục lựa chọn đơn vị có đủ năng lực và chuyên môn để quản lý và khai thác.
UBND tỉnh đã có Công văn số 3738/UBND-NN ngày 31/5/2019, số 2286/UBND-NN ngày 16/4/2020 giao các địa phương căn cứ vào Thông tư số 54/2013/TT-BTC và Thông tư số 76/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính để hoàn thiện hồ sơ các công trình cấp nước tập trung, xác định giá trị còn lại và tổng hợp đề xuất giao công trình cho đơn vị đủ điều kiện quản lý vận hành, báo cáo Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, UBND huyện Yên Thành và UBND xã Thọ Thành chưa có báo cáo và cung cấp các hồ sơ có liên quan theo quy định.
(2) Về giá nước: giá nước sạch được áp dụng thực hiện theo Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND đến nay, đã có nhiều biến động chi phí. Theo quy định khi có biến động về chi phí, đơn vị sản xuất có trách nhiệm lập phương án giá gửi Sở Tài chính chủ trì phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan thẩm định trình UBND tỉnh. Sau khi nhận được phương án giá của đơn vị lập gửi về, Sở Tài chính sẽ chủ trì thực hiện theo quy định.
- Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể:
+ Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến quốc lộ 7 (đoạn qua xã Viên Thành, huyện Yên Thành); việc thi công mương tiêu nước 2 bên đường không đảm bảo độ dốc thoát nước; hiện tại đã có 1 số điểm đọng nước bẩn, gây ô nhiễm môi trường đoạn từ cầu Khe cát (Bảo Thành) đến quán Minh Duyên, xóm 6, xã Viên Thành (cử tri Xã Viên Thành, huyện Yên Thành).
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt đoạn Khe Thơi – Nậm Cấn, tỉnh Nghệ An đã được Bộ GTVT phê duyệ ttại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, tổng chiều dài 27,5km. Đến nay, địa phương đã bàn giao các đoạn tuyến không liên tục 38,33/55,156km (đạt 69,49%), các nhà thầu đang đồng loạt thi công, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.
Đoạn qua huyện Yên Thành từ Km9+180-Km24+600. Hiện nay, huyện đã bàn giao các đoạn không liên tục được khoảng 18,618/27,618km (trái và phải tuyến). Đoạn tuyến đi qua xã Viên Thành từ Km11+820-Km14+140 đã được UBND huyện Yên Thành bàn giao mặt bằng một số đoạn không liên tục. Các đoạn còn lại từ Km12+640-Km14+00 trái tuyến, Km11+830-Km14+084 phải tuyến chưa được bàn giao. Mặt bằng bàn giao đến đâu, Ban QLDA 4 chỉ đạo nhà thầu thi công đến đó. Do một số đoạn mặt bằng đã được bàn giao nhưng khi triển khai một số hộ dân cản trở không cho thi công, nên thi công ngắt quãng, rãnh chưa thông dẫn đến tình trạng trong lòng rãnh một số vị trí nước bị đọng như phản ánh của cử tri. Độ dốc dọc đoạn từ cầu Khe Cát (Bảo Thành) đến quán Minh Duyên, xóm 6, xã Viên Thành đảm bảo đúng quy trình, quy phạm, sau khi hoàn thiện sẽ không bị đọng nước.
Để sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường như kiến nghị cử tri, Ban QLDA 4 đề nghị chính quyền địa phương sớm bàn giao mặt bằng sạch các đoạn còn lại cho các đơn vị triển khai thi công, đảm bảo tiến độ thi công.
- Cử xã xã Viên Thành, huyện Yên Thành phản ánh sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, hiện nay các xóm đang có nhà văn hóa dư thừa không sử dụng dẫn đến xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí. Trong khi đó các nhà văn hóa đang sử dụng quá chật chội, không đủ điều kiện cho người dân sinh hoạt, gây nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các nhà văn hóa dôi dư, đồng thời có phương án nâng cấp hoặc xây dựng mới các nhà văn hóa khối, xóm để đảm bảo phục vụ sinh hoạt của người dân, góp phần đảm bảo tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (được bổ sung, sửa đổi tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021), UBND tỉnh và Sở Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện sắp lại, xử lý nhà, đất. Đến nay (thời điểm 30/6/2023) đã hoàn thành việc lập, trình phê duyệt và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là: 3.764/4.362 cơ sở đạt 87%. Cụ thể việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại một số địa phương như:
- Đối với các cơ sở Nhà văn hóa dôi dư do sáp nhập xóm tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành. Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án 12 cơ sở nhà văn hóa của UBND xã Viên Thành dôi dư do sáp nhập xóm (theo Quyết định số 2044/QĐ-UBND ngày 12/7/2023), trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng 9 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 03 cơ sở.
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ: đã phê duyệt theo Quyết định số 2291/QĐ-UBND ngày 04/8/2022: 8 cơ sở giữ lại, 01 cơ sở điều chuyển (nhà văn hóa Tân Lâm, dự kiến điều chuyển cho trường mầm non Tân Lâm), hiện đang trình phê duyệt 02 cơ sở: phương án thu hồi để quy hoạch thực hiện bán đấu giá.
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ: có 15 nhà văn hóa; đang trình phê duyệt phương án giữ lại sử dụng 13 nhà văn hóa, phương án thu hồi 02 cơ sở để quy hoạch thực hiện bán đấu giá.
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa xã Nghĩa Mỹ, Thị xã Thái Hòa: có 13 nhà văn hóa UBND tỉnh đã phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng tại Quyết định số 2039/QĐ-UBND ngày 12/7/2023 và Quyết định số 1429/QĐ-UBND ngày 25/5/2022;
- Đối với các cơ sở nhà văn hóa dôi dư do sáp nhập xóm tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp: có 12 cơ sở nhà văn hóa. Hiện nay, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án 10 cơ sở nhà văn hóa của UBND xã Yên Hợp dôi dư do sáp nhập xóm, trong đó: giữ lại tiếp tục sử dụng 10 cơ sở (Quyết định số 3100/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 của UBND tỉnh); 01 cơ sở UBND huyện đang trong quá trình tổng hợp hồ sơ trình các Sở: Tài chính - Tài Nguyên - Xây dựng với phương án dự kiến là giữ lại tiếp tục sử dụng; 01 cơ sở chưa thực hiện sắp xếp do chưa có hồ sơ pháp lý về đất đai.
Phương án sắp xếp là do địa phương đề xuất trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương, trong đó đối với nhà văn hóa xóm thì một số địa phương do nhu cầu về các thiết chế văn hóa (về thư viện, về các hoạt động văn hóa, thể thao..) nên các địa phương vẫn đề nghị sắp xếp theo phương án giữ lại tiếp tục sử dụng đối với các cơ sở Nhà văn hóa sau sáp nhập.
Trường hợp địa phương đề xuất phương án bán đấu giá đối với Nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập (sau khi lấy ý kiến của người dân địa phương sẽ quy hoạch một điểm mới, đấu giá địa điểm cũ để lấy nguồn kinh phí xây dựng lại), trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới thì thống nhất theo đề xuất của địa phương và HĐND tỉnh cũng đã có cơ chế chính sách đối với kinh phí thu được từ bán đấu giá cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập, cụ thể như sau:
- Chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị công trình khu văn hóa - thể thao cho các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khối, xóm được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh;
- Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh đã quy định để lại và điều tiết 100% tiền bán cơ sở nhà, đất đối với tài sản công để đầu tư trở lại xây dựng trụ sở các cơ quan đơn vị có tài sản theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, trường hợp các nhà văn hóa của các xóm cũ không đảm bảo khuôn viên và vật chất để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân sau sáp nhập mà thực hiện phương án bán đấu giá để thực hiện quy hoạch địa điểm mới hoặc mở rộng diện tích hiện có thì sau khi bán đấu giá được sử dụng số tiền thu được bán đấu giá để xây dựng mới theo quy định tỷ lệ tại Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 nêu trên.
- Cử tri xã Viên Thành, huyện Yên Thành phản ánh một số người được tặng thưởng Huân chương chiến công từ năm 2010 nhưng đến nay chưa được chi trả tiền thưởng.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ Khoản 1, Điều 66, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng: “Quỹ Thi đua, khen thưởng trong nghị định này để chi trong vệc tổ chức thực hiện phong trào thi đua và chi thưởng đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng mà thành tích đạt được trong thời kỳ đổi mới (trừ trường hợp danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng)”. Như vậy, các hình thức khen thưởng thành tích Huân chương chiến công trong các cuộc kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào và tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa đều không có tiền thưởng kèm theo.
- Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể:
+ Sữa chữa, nâng cấp tuyến đường 538E, đoạn từ xã Tân Thành đi Quốc lộ 48 đã xuống cấp trầm trọng, cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết (cử tri xã Tân Thành, huyện Yên Thành);
+ Kiểm tra và có hướng khắc phục việc thi công tuyến quốc lộ 7 ( Đoạn qua xã Viên Thành) tiến độ thi công quá chậm; mương tiêu nước 2 bên đường không đảm bảo độ dốc thoát nước, hiện đã có một số điểm đọng nước gây ô nhiễm môi trường đoạn từ cầu Khe cát (xã Bảo Thành) đến xóm 6, xã Viên Thành (cử tri xã Viên Thành, huyện Yên Thành);
+ Đầu tư xây dựng mương kẹp đường thoát nước có nắp đậy khoảng hơn 200 mét trên tuyến Tỉnh lộ 538E đoạn ngã 05 xóm Trần Phú (từ cây Gạo đến cầu khe nhà Đác), xã Hậu Thành (cử tri xã Hậu Thành, huyện Yên Thành).
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Sữa chữa, nâng cấp tuyến đường 538E, đoạn từ xã Tân Thành đi Quốc lộ 48 đã xuống cấp trầm trọng, cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết (cử tri xã Tân Thành, huyện Yên Thành);
Tuyến ĐT.538E dài 22Km được chuyển thành đường tỉnh tại Quyết định số 4064/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 và Quyết định số 1190/QĐ-UBND ngày 16/4/2019 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh hướng tuyến và số hiệu của các tuyến đường tỉnh. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải quản lý đoạn Km3+970-Km22+00 dài 18,03Km; đoạn Km0+00-Km3+970 dài 3,97Km hiện chưa bàn giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý do UBND huyện Yên Thành đang thực hiện dự án XDCB (trong đó có đoạn Km0-Km1+700 thuộc địa bàn huyện Diễn Châu). Đoạn từ xã Tân Thành đi QL.48 thuộc lý trình Km0+00-Km6+00/ĐT.538E: Hiện tại có quy mô Bnền=7 - 11m, Bmặt=5,5 - 8m; kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng và đá dăm láng nhựa, chất lượng còn tương đối tốt, êm thuận; hệ thống thoát nước đáp ứng yêu cầu.
- Kiểm tra và có hướng khắc phục việc thi công tuyến quốc lộ 7 (Đoạn qua xã Viên Thành) tiến độ thi công quá chậm; mương tiêu nước 2 bên đường không đảm bảo độ dốc thoát nước, hiện đã có một số điểm đọng nước gây ô nhiễm môi trường đoạn từ cầu Khe Cát (xã Bảo Thành) đến xóm 6, xã Viên Thành (cử tri xã Viên Thành, huyện Yên Thành)
Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt đoạn Khe Thơi – Nậm Cấn, tỉnh Nghệ An đã được Bộ GTVT phê duyệ ttại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, tổng chiều dài 27,5km. Đến nay, địa phương đã bàn giao các đoạn tuyến không liên tục khoảng 38,7km/55,156km (đạt 70,16%) tính cả trái và phải tuyến, các nhà thầu đang đồng loạt thi công hoàn thành cơ bản đến lớp BTN C16, đáp ứng tiến độ đề ra. Công tác GPMB triển khai rất chậm; các đoạn được bàn giao chủ yếu là đất nông nhiệp, đất công do địa phương quản lý, đất đã giải phóng từ dự án QL7 cũ. Hiện nay phần GPMB còn lại chủ yếu là đất ở của dân chưa được bàn giao, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án cũng như công tác giải ngân kinh phí GPMB.
Đoạn qua huyện Yên Thành từ Km9+180-Km24+600. Hiện nay, huyện đã bàn giao các đoạn không liên tục được 18,618/27,618km (trái và phải tuyến); . Đoạn tuyến đi qua xã Viên Thành từ Km11+820-Km14+140 đã được UBND huyện Yên Thành bàn giao mặt bằng một số đoạn không liên tục. Các đoạn còn lại từ Km12+640-Km14+00 trái tuyến, Km12+533-Km14+084 phải tuyến chưa được bàn giao. Mặt bằng bàn giao đến đâu, Ban QLDA 4 chỉ đạo nhà thầu thi công đến đó. Do một số đoạn mặt bằng đã được bàn giao nhưng khi triển khai một số hộ dân cản trở không cho thi công, nên thi công ngắt quãng, rãnh chưa thông dẫn đến tình trạng trong lòng rãnh một số vị trí nước bị đọng như phản ánh của cử tri. Độ dốc dọc đoạn từ cầu Khe Cát (Bảo Thành) đến quán Minh Duyên, xóm 6, xã Viên Thành đảm bảo đúng quy trình, quy phạm, sau khi hoàn thiện sẽ không bị đọng nước. Để sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường như kiến nghị cử tri, Ban QLDA 4 đề nghị chính quyền địa phương sớm bàn giao mặt bằng sạch các đoạn còn lại cho các đơn vị triển khai thi công, đảm bảo tiến độ thi công.
- Đầu tư xây dựng mương kẹp đường thoát nước có nắp đậy khoảng hơn 200 mét trên tuyến Tỉnh lộ 538E đoạn ngã 05 xóm Trần Phú (từ cây Gạo đến cầu khe nhà Đác), xã Hậu Thành (cử tri xã Hậu Thành, huyện Yên Thành);
Tuyến ĐT.538E dài 22Km được chuyển thành đường tỉnh tại Quyết định số 4064/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 và Quyết định số 1190/QĐ-UBND ngày 16/4/2019 của UBND tỉnh Nghệ An. Hiện tại Sở GTVT quản lý đoạn Km3+970-Km22+00 dài 18,03Km; đoạn Km0+00-Km3+970 dài 3,97Km chưa bàn giao cho Sở quản lý do UBND huyện Yên Thành đang thực hiện dự án XDCB (trong đó có đoạn Km0-Km1+700 thuộc địa bàn huyện Diễn Châu).
Thời điểm nâng cấp, tuyến ĐT.538E có nhiều đoạn mặt đường bị xuống cấp nghiêm trọng; hệ thống an toàn chưa đầy đủ; hệ thống thoát nước công trình trên tuyến chưa đầy đủ, đồng bộ. Từ thời điểm tiếp nhận quản lý, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý tập trung chỉnh trang tuyến, bổ sung và sửa chữa hệ thống an toàn giao thông và thoát nước trên tuyến. Trong năm 2022, Sở GTVT đã thực hiện sửa chữa các đoạn Km10+200-Km10+900, Km13+200-Km15+200, cầu Khe Nhà Đác Km16+600 với tổng mức đầu tư 8,6 tỷ đồng.
Đoạn tuyến cử tri kiến nghị đầu tư xây dựng rãnh có lý trình Km16+600 - Km16+800 là cần thiết; do nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo trì còn nhiều khó khăn, hạn chế nên hiện tại chưa thể đầu tư xây dựng rãnh kín đối với đoạn tuyến; Sở Giao thông vận tải sẽ thực hiện khi đảm bảo điều kiện về nguồn lực.