- Cử tri Nguyễn Ngọc Năm, trú tại khối Chế biến lâm sản 2, phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa kiến nghị quan tâm khắc phục ô nhiễm môi trường tại làng nghề mộc trên địa bàn thị xã Thái Hòa.
UBND tỉnh trả lời như sau:
UBND phường Quang Phong đã tổ chức làm việc với ông Nguyễn Ngọc Năm và một số công dân về nội dung môi trường làng nghề. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, xác minh các công dân không có ý kiến về vấn đề môi trường làng nghề. Đồng thời, công dân “đề nghị UBND thị xã, các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu sản xuất, phun sơn tập trung tại phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa để đưa quá trình sản xuất và phun sơn của làng Nghề chế biến lâm sản tại phường Quang Phong vào sản xuất ổn định, lâu dài, nhằm bảo vệ môi trường làng nghề” (nội dung này được trả lời tại ý kiến số 42).
- Cử tri Nguyễn Quang Ánh, trú tại khối Chế biến lâm sản 2, phường Quang phong, thị xã Thái Hòa phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể: Khảo sát thực địa và quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở cho các hộ dân ven bờ sông Vòng, khu vực khối Chế biến lâm sản, phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Theo báo cáo của UBND thị xã Thái Hoà: UBND thị xã Thái Hòa đã kiểm tra hiện trường và khảo sát tại điểm sạt lở khu vực bờ Sông Vòng đoạn qua khối Chế biến lâm sản 2, 3 phường Quang Phong, hiện trường khu vực sạt lở với khối lượng lớn, dự toán nguồn kinh phí từ 25-30 tỷ, trong khi nguồn ngân sách địa phương có hạn. Vì vậy UBND thị xã Thái Hòa đã báo cáo cấp trên kiến nghị bố trí kinh phí để khắc phục (Báo cáo số 73/BC-UBND ngày 21/3/2023 của UBND thị xã Thái Hoà gửi Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An; Báo cáo số 384/BC-UBND ngày 30/9/2023 của UBND thị xã gửi Sở Nông nghiệp và PTNT). Trong khi chưa bố trí được kinh phí, UBND Thị xã đã chỉ đạo UBND phường Quang Phong có phương án tổ chức cùng người dân gia cố bờ sông để không bị sạt lở thêm bằng các biện pháp như trồng tre và các loại cây rễ chùm; đóng cọc giữ đất….
- Theo ý kiến từ Văn phòng Thường trực BCH PCTT-TKCN và PTDS tỉnh: Đối với tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh: Trước mùa mưa bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT-TKCN và PTDS tỉnh) đã có Văn bản số 90/VP.PCTT ngày 17/7/2023 về việc kiểm tra, rà soát, chủ động phòng, chống sạt lở đảm bảo tính mạng và tài sản của Nhân dân trước, trong mùa mưa lũ.
Theo báo cáo từ UBND thị xã Thái Hòa, hiện nay trên địa bàn thị xã có 07 điểm xảy ra sạt lở và có nguy cơ sạt lở tại phường Quang Phong, xã Nghĩa Tiến, xã Đông Hiếu, phường Hòa Hiếu với kinh phí khắc phục dự kiến 71,8 tỷ đồng, trong đó sạt lở tại khu vực khối Chế biến lâm sản, phường Quang Phong dự kiến kinh phí khắc phục là 60,8 tỷ đồng; UBND thị xã Thái Hoà đã chỉ đạo xã, phường xây dựng kế hoạch khắc phục nguy cơ xảy ra sạt lở.
Ngày 23/8/2023 UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 7095/UBND-NN về việc kết quả rà soát các thiệt hại, sạt lở do mưa lũ thời gian qua, đề xuất hỗ trợ xử lý khẩn cấp cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, UBND tỉnh đã thống kê các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh (trong đó có 07 điểm tại Thị xã Thái Hòa), đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ tỉnh Nghệ An xử lý các điểm sạt lở trên địa bàn.
Trong thời gian tới, đề nghị chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng bởi sụt lún, sạt lở đất, đá tiếp tục sẵn sàng phương án và kiên quyết triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng khi xuất hiện tình huống bất lợi; thường xuyên theo dõi diễn biến sụt lún, sạt lở, cắm biển cảnh báo và hạn chế hoặc cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm. Đối với những vị trí sụt lún, sạt lở đất xảy ra trong phạm vi hẹp, quy mô nhỏ, người dân và chính quyền địa phương bố trí và cân đối các nguồn lực để khắc phục.
- Cử tri Nguyễn Ngọc Năm, trú tại khối Chế biến lâm sản 2, phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa kiến nghị hỗ trợ triển khai phát triển làng nghề tập trung trên địa bàn thị xã Thái Hòa.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn được quy định tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh, gồm: Hỗ trợ di dời cơ sở ngành nghề nông thôn ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch: Hỗ trợ một lần 50% tổng chi phí nhưng không quá 200 triệu đồng /cơ sơ ngành nghề nông thôn để di dời ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch; Hỗ trợ công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống: Hỗ trợ 50 triệu đồng/làng; Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề: Hỗ trợ 02 tỷ đồng/làng nghề vùng đồng bằng, 03 tỷ đồng/ làng nghề miền núi để đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: đường giao thông, điện, nước sạch, hệ thống tiêu thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề.
- Trong thời gian qua, UBND thị xã Thái Hòa đã đề xuất UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến 2030 trong đó có Khu chế biến lâm sản tập trung các làng nghề mộc thị xã Thái Hòa với quy mô diện tích 3,52 ha tại phường Hòa Hiếu (Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 21/9/2022 của UBND tỉnh).
Song song với đó, từ năm 2020, UBND thị xã đã triển khai công tác xúc tiến, thu hút đầu tư doanh nghiệp (Công ty CP ứng dụng công nghệ Hoa Linh) nộp hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu chế biến lâm sản tập trung các làng nghề mộc thị xã Thái Hòa với tổng mức đầu tư dự kiến 78,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND thị xã Thái Hòa quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An “về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, TTCN giai đoạn 2021-2030” phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề TTCN trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Kết quả: 07 Hợp tác xã và khoảng 2.500 hộ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm; 02 doanh nghiệp, 03 Hợp tác xã và 333 hộ gia đình hoạt động sản xuất, chế biến đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ; tập trung chủ yếu ở phường Quang Phong và phường Hòa Hiếu; 01 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hương các loại (phường Long Sơn); 05 hộ sản xuất kẹo lạc, kẹo cu đơ; 05 hộ sản xuất bánh hoa, tập trung ở phường Hòa Hiếu; 03 doanh nghiệp và 51 hộ gia công tôn thép, cơ khí các loại nằm rải rác trên địa bàn thị xã; 04 Doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên địa bàn thị xã, trong đó 2 đơn vị ở phường Long Sơn, 01 đơn vị ở phường Quang Phong và 01 đơn vị ở xã Tây Hiếu.
- Đến nay trên địa bàn thị xã Thái Hòa có một số làng nghề truyền thống như:
+ Làng nghề Mộc dân dụng và Mỹ nghệ CBLS Nghĩa Quang (Khối CBLS 1, 2, 3 phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa);
+ Làng nghề Mộc dân dụng và Mỹ nghệ Tân Quyết Thắng (khối Tân Thắng, Liên Thắng, Quyết Thắng - phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa);
+ Làng nghề sản xuất mật mía Nam Cường (khối Nam Cường, phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa).