- Các cử tri: Hoàng Đình Long, trú tại xóm Tân Thịnh, xã An Hòa; Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể: Đầu tư tu sửa, nâng cấp tuyến đường 537B đoạn từ Quỳnh Bá đi qua xã An Hòa có nhiều đoạn bị xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Tuyến ĐT.537B có chiều dài 27km được nâng lên đường tỉnh theo Quyết định số 3493/QĐ-UBND ngày 20/9/1996 của UBND tỉnh Nghệ An, trong đó: Đoạn từ Quỳnh Bá. đi An Hoà có lý trình Km0 - Km5+850.
Thời điểm được nâng cấp, ĐT.537B là đường cấp thấp có mặt đường rộng 3,5m; nhiều đoạn xuống cấp; công trình thoát nước gần như không có, mất tác dụng; hệ thống ATGT thiếu nhiều và không đồng bộ...
Từ khi được nâng cấp thành đường tỉnh Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, xử lý các hạng mục hư hỏng đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời báo cáo và được UBND Tỉnh bố trí 46,4 tỷ đồng để sửa chữa và mở rộng 17,05 km mặt đường và xây dựng 11.035 md rãnh thoát nước trên tuyến (Cụ thể: Năm 2017 - 2020: sửa chữa mặt đường, bổ sung hệ thống thoát nước các đoạn Km3+382 – Km4+00, Km7+00 – Km9+00, Km10+00 – Km23+600 với tổng mức đầu từ gần 34,9 tỷ đồng; Năm 2021: sửa chữa, bổ sung hệ thống thoát nước các đoạn Km8+670 – Km9+025, Km9+275 – Km9+788, Km11+689 – Km12+054 với tổng mức đầu từ gần 4,9 tỷ đồng; Năm 2022: sửa chữa mặt đường, bổ sung hệ thống thoát nước các đoạn Km1+400 – Km1+700, Km2+850 – Km3+382 với tổng mức đầu tư 6,6 tỷ đồng).
Như vậy, trong các năm vừa qua ĐT.537B đã được UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn mở rộng nhiều đoạn mặt đường, xây dựng rãnh thoát nước và hệ thống ATGT. Tuy nhiên do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn chế nên chưa đầu tư nâng cấp mở rộng được toàn tuyến. Hiện tại, đoạn từ xã Quỳnh Bá đi xã An Hoà hiện còn khoảng 3,1km mặt đường rộng 3,5m (gồm các đoạn: Km0+00 - Km1+400, Km1+700 - Km2+850, Km5 +300 - Km5+850) đã xuống cấp cần được sửa chữa như ý kiến cử tri nêu. Trước mắt, Sở GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị quản lý tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, đắp phụ lề đường, sửa chữa các hư hỏng mặt đường đảm bảo ATGT trên tuyến; đồng thời sẽ rà soát đưa vào kế hoạch bảo trì năm 2024 để báo cáo và đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn sửa chữa trong thời gian tới.
- Cử tri Nguyễn Đình Mỹ, trú tại thôn Bút Thành, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu phản ánh Hội cựu giáo chức là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng hoạt động không có kinh phí, phải tự túc. Kiến nghị có chế độ, chính sách hỗ trợ cho đối tượng này.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Điều 3 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, quy định nguyên tắc tổ chức hoạt động của hội quy định: “Tổ chức, hoạt động của hội được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây: 1. Tự nguyện; tự quản; 2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; 3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động…”.
- Điều lệ Hội Cựu giáo chức được Đại hội thông qua và được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã ghi rõ nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động.
- Điều 2, Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 24//8/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phân cấp bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh Nghệ An quy định: “Hội có tính chất đặc thù được ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ kinh phí hàng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Hội có tính chất đặc thù thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm và hỗ trợ kinh phí”.
Như vậy, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với các hội có tính chất đặc thù. Hội Cựu giáo chức hiện chưa được công nhận là hội đặc thù, vì vậy không có căn cứ pháp lý để hỗ trợ kính phí cho hội từ ngân sách nhà nước.
- Cử tri Trần Thị Loan, thôn 14, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu kiến nghị UBND tỉnh giải quyết dứt điểm ranh giới đất 364 giữa xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong sản xuất nông nghiệp và sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” các cấp (Gọi tắt là dự án 513); Quyết định số 302/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc kéo thực hiện dự án 513 đến hết năm 2023. Tính đến nay, công tác lập hồ sơ, bản đồ ĐGHC các cấp trên địa bàn tỉnh theo dự án 513 đã cơ bản thực hiện hoàn thành xong. Trong đó, có tuyến ĐGHC giữa xã Quỳnh Trang, TX Hoàng Mai và xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu đã được giải quyết phân định ĐGHC một cách rõ giữa các xã thuộc 2 huyện.
Hiện nay, Sở Nội vụ đang trình các hồ sơ, bản đồ ĐGHC các cấp đã lập hoàn thành để Bộ Tài nguyên và Môi trường phúc tra thẩm định về mặt kỹ thuật theo quy định. Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định xong kỹ thuật, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng thẩm định cấp nhà nước để phê duyệt toàn bộ hồ sơ, bản đồ ĐGHC các cấp của tỉnh Nghệ An lập theo dự án 513.
Thời gian tới, sau khi có kết quả phê duyệt chính thức, Sở Nội vụ sẽ thực hiện bàn giao lại hồ sơ, bản đồ ĐGHC về cho từng địa phương để quản lý, khai thác, sử dụng và thực hiện các quyền cũng như các nghĩa vụ khác theo quy định của nhà nước. Vì vậy, trong lúc chờ đợi phê duyệt hồ sơ chính thức của Trung ương đề nghị các địa phương cần quán triệt và tuyên truyền cho nhân dân để biết tuân thủ thực hiện tốt việc quản lý đường ĐGHC đã được xác lập ĐGHC theo dự án 513 hiện nay.
- Cử tri Trần Thị Loan, trú tại thôn 14, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu phản ánh nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn có tình trạng thiếu giáo viên. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên và học sinh.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 22/4/2024 về phê duyệt bổ sung biên chế giáo viên năm học 2023 - 2024 và điều chỉnh tổng biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức Hội năm 2024; theo đó, phê duyệt bổ sung 2.187 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập.
- Cử tri Chu Kim Hoài, trú tại xóm 2, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu phản ánh đất của xí nghiệp gạch ngói Vinaconex đóng trên địa bàn xã Quỳnh Lâm bỏ hoang nhiều năm nay gây lãng phí tài nguyên đất. Kiến nghị sớm thu hồi bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Ngày 01/4/2024, UBND tỉnh có Công văn số 2481/UBND-CN giải quyết kiến nghị cử tri, trong đó giao:
1) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Có văn bản yêu cầu Công ty CP Xây dựng 16 Vinaconex (Xí nghiệp sản xuất gạch Vinaconex 16) có phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh trong năm 2024 để đưa dự án đi vào hoạt động, sử dụng đất có hiệu quả. Trong trường hợp đến hết năm 2024 (trên cơ sở báo cáo của UBND huyện Quỳnh Lưu) mà chủ đầu tư vẫn không đưa dự án đi vào hoạt động, sử dụng đất có hiệu quả thì tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định.
2) UBND huyện Quỳnh Lưu: Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và theo dõi quá trình hoạt động sản xuất của Công ty CP Xây dựng 16 Vinaconex. Báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).
- Cử tri Nguyễn Thị Thùy Hương, công chức Địa chính - nông nghiệp xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu kiến nghị UBND tỉnh xem xét việc lùi mốc thời gian hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu phi và viêm da nổi cục ở trâu bò từ ngày 01/01/2021 để tránh thiệt thòi cho người dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Để kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) theo Công văn số 8108/VPCP-NN ngày 18/10/2023 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 9496/UBND-NN ngày 03/11/2023, thời gian hỗ trợ Lợn bị bệnh DTLCP từ ngày 01/01/2021, trâu bò bị bệnh VDNC từ ngày 27/9/2021 đến nay (thời gian hỗ trợ được tính từ thời điểm Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 và Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 18/8/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung bệnh DTLCP, bệnh VDNC vào Danh mục các bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch có hiệu lực thi hành).
Đến nay, hồ sơ đề nghị hỗ trợ lợn tiêu hủy do bệnh DTLCP từ ngày 01/01/2021, trâu, bò tiêu hủy do bệnh VDNC từ ngày 27/9/2021 đến nay đang được UBND các huyện gửi đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính trình UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn, trâu, bò bị tiêu hủy.
Về hỗ trợ tiêu hủy trâu, bò bị bệnh VDNC trước ngày 27/9/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 9914/UBND-NN ngày 20/11/2023 gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương hỗ trợ cho người chăn nuôi tỉnh Nghệ An có trâu, bò tiêu hủy theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ (Có văn bản số 9914/UBND-NN kèm theo). Sau khi có chủ trương của Chính phủ, Sở Nông Nghiệp và PTNT sẽ báo cáo, tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn cho người dân thực hiện.
- Cử tri Võ Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu phản ánh UBND xã đã lập hồ sơ trình thanh lý nhà văn hóa thôn sau sáp nhập, đến nay đã 3 năm nhưng vẫn chưa thực hiện. Kiến nghị sớm thực hiện để các thôn có điều kiện nâng cấp cơ sở, vật chất, khuôn viên, nhà văn hóa thôn.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Sở Tài chính đã có Công văn số 361/STC-QLG&CS ngày 26/01/2024 gửi UBND huyện Quỳnh Lưu như sau:
“Về thẩm quyền quyết định thanh lý nhà văn hóa thôn: Khoản 3, Điều 10, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thanh lý theo đề nghị của cơ quan tài chính cùng cấp: Trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan, đơn vị cấp xã phải phá dỡ để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật (không bao gồm quyền sử dụng đất).
Theo đó, trường hợp UBND xã đã lập hồ sơ trình thanh lý nhà văn hóa thôn, xóm theo đúng quy định thì thẩm quyền quyết định thanh lý nhà văn hóa thôn, xóm thuộc Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu. Vì vậy, để có cơ sở trả lời cử tri, báo cáo UBND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh, Sở Tài chính đề nghị:
- UBND huyện Quỳnh Lưu rà soát về hồ sơ thủ tục, quá trình thanh lý nhà văn hóa thôn theo kiến nghị của cử tri nêu trên (nếu có).
- UBND xã Quỳnh Hoa báo cáo về quá trình lập, trình hồ sơ đề nghị thanh lý nhà văn hóa thôn xóm theo nội dung phản ánh của cử tri.”
Hiện nay, theo báo cáo của Sở Tài chính, UBND huyện Quỳnh Lưu chưa gửi các hồ sơ theo yêu cầu của Sở nên không có cơ sở để tham mưu giải quyết.
- Cử tri Chu Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu phản ánh bộ sách giáo khoa không đồng nhất tại các trường học cùng cấp học gây khó khăn trong việc lựa chọn đầu sách của phụ huynh và học sinh đầu năm học; việc liên tục phải mua sách giáo khoa mới thay vì tái sử dụng gây lãng phí rất lớn. Kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt dùng chung cho các cấp học trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng mỗi trường, mỗi xã, mỗi huyện lựa chọn một bộ sách gây lãng phí.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Giá cả sách giáo khoa đã được các Nhà xuất bản thực hiện các thủ tục phê duyệt, việc lựa chọn sách giáo khoa đã tính đến tiêu chí phù hợp với điều kiện của địa phương. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa là thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (Hiện nay, dạy học và thi là theo chương trình, sách giáo khoa chỉ là tài liệu dạy học. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa là để người dạy và người học được tự chọn cho mình bộ sách phù hợp). Sách bài tập của các môn học không có trong Danh mục các sách giáo khoa được Bộ GDĐT phê duyệt ban hành và UBND tỉnh phê duyệt lựa chọn.