1. Cử tri xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc đề nghị khảo sát, có kế hoạch tu sửa và bổ sung thêm các trạm biến áp tại các khu vực cuối nguồn, công suất yếu, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân; chủ động nâng cấp các tuyến đường điện mất an toàn, cột điện hư hỏng, dây sà lấn vào nhà dân để đảm bảo an toàn và mỹ quan.

25-1642989311-1236.jpg
Huyện Nghi Lộc.

UBND tỉnh trả lời:

Trong những năm gần đây ngành điện đã đầu tư cải tạo trên địa bàn xã Nghi Văn: dắm thêm 6 trạm biến áp; sửa chữa thay thế đường dây hạ thế cũ nát tuy nhiên do nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, ngành Điện hiện đang tiếp tục tận dụng mọi nguồn vốn để đầu tư, cải tạo, cụ thể như sau:

- Trong năm 2022 Điện lực Nghi lộc đã thực hiện thay 18 cột yếu kém sau TBA số 5,6,7. Thay 620m dây dẫn kém chất lượng tại TBA số 5,6 trên địa bàn xã Nghi Văn.

- Đã thực hiện khảo sát dắm 04 TBA CQT giảm bán kính cấp điện cho TBA số 2,3,6,7 và sẽ bổ sung vào Kế hoạch đầu tư trong năm 2023 và các năm tiếp theo, các tồn tại còn lại sẽ dần đưa vào kế hoạch sửa chữa thường xuyên hàng tháng, quý, năm để thực hiện thay thế các vị trí cột, dây dẫn còn yếu kém.

2. Cử tri xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc phản ánh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với đất và tài sản trên đất còn thấp so với giá thị trường và khu tái định cư. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xem xét điều chỉnh cho phù hợp và đảm bảo quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.

UBND tỉnh trả lời:

Thực hiện Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; UBDN tỉnh ban hành các Quyết định: số 54/2014/QĐ-UBND ngày 08/9/2014, số 58/2015/QĐ-UBND ngày 13/10/2015 và số 24/2022/QĐ-UBND ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh quy định hỗ trợ đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, thị trấn, xen kẽ trong khu dân cư nông thôn.

Việc điều chỉnh các mức hỗ trợ đều căn cứ vào quy định của Luật Đất đai qua các thời kỳ, điều kiện thực tế của tỉnh; việc có sự chênh lệch xuất phát từ các lý do: pháp luật đất đai qua các thời kỳ có sự thay đổi cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ; đảm bảo sự công bằng đối người sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực đô thị và nông thôn; các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất chủ yếu nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét khi xây dựng Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới.

3. Cử tri các xã: Nghi Đồng, Nghi Văn, huyện Nghi Lộc phản ánh trong công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với các trường hợp tách thửa, việc trích đo lại mốc vệ tinh sai lệch nhiều so với thời điểm đo đạc bản đồ địa chính năm 2014, bên cạnh đó các công trình nhà dân xây dựng kiên cố từ trước, nếu thực hiện được phải tháo dỡ các công trình liên quan các hộ liền kề, gây khó khăn và bức xúc cho nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo có giải pháp tháo gỡ cho nhân dân.

UBND tỉnh trả lời:

Công tác đo đạc bản đồ địa chính tại xã Nghi Văn (năm 2006), Nghi Đồng (năm 2014) đã được đo vẽ đúng hiện trạng quản lý, sử dụng đảm bảo theo quy định tại các Quy phạm thành lập bản đồ địa chính được ban hành các tại Quyết định: số 720/1999/QĐ-ĐC ngày 30/12/1999 của Tổng Cục địa chính, số 08/2008/QĐ-BTNMT ngày 10/11/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; sản phẩm bản đồ đã được UBND 02 xã: Nghi Văn, Nghi Đồng kiểm tra và ký xác nhận đo vẽ đúng hiện trạng quản lý, sử dụng tại thời điểm đo đạc. Hiện nay, khi thực hiện đo đạc lại bản đồ hoặc trích đo địa chính phục vụ cấp Giấy chứng nhận đối với các trường hợp tách thửa có sự sai lệch so với thời điểm đo đạc trước đây (năm 2006, 2014); nguyên nhân chủ yếu là do quá trình sử dụng đất có biến động đất đai so với bản đồ địa chính. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 67/STNMT-ĐĐBĐVT ngày 04/01/2023 hướng dẫn UBND huyện Nghi Lộc và chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh triển khai thực hiện.

4. Cử tri xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc phản ánh việc cấp đất ở cho các hộ dân tại xóm 21, xã Nghi Văn có kế hoạch di dời ở lòng hồ đập Lim đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân.

nghi-van-duoc-xem-la-vung-kho-han-nhat-huyen-nghi-loc-cac-ho-dap-thuong-can-tro-day-trong-nhung-nam-truoc-anh-tu-lieu-quang-an-2736.jpg
Nghi Văn được xem là vùng khô hạn nhất huyện Nghi Lộc, các hồ, đập thường cạn trơ đáy trong những năm trước

UBND tỉnh trả lời:

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường: các hộ gia đình có kiến nghị đều được UBND xã Nghi Văn đổi đất sau ngày 15/10/1993 (năm 2002). Do đó, đối chiếu các quy định của pháp luật liên quan, việc các hộ này yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo thời điểm mà các hộ đã sử dụng trước đây (vị trí bị thu hồi) là không có cơ sở. UBND tỉnh đã có Công văn số 282/BTCD ngày 24/3/2023 chuyển kiến nghị của công dân đến Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc xem xét, xử lý.

5. Cử tri Nguyễn Văn Truyền, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc đề nghị tăng thêm các thuốc bảo hiểm đa dạng về chủng loại, khắc phục tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm lặp lại nhiều lần, nhất là dịp cuối năm; đồng thời xây dựng quầy thuốc tại các trạm y tế xã, thị trấn để đảm bảo quá trình quản lý chất lượng của thuốc; tăng thêm kinh phí hoạt động, quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại các trạm y tế xã để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

UBND tỉnh trả lời:

Theo báo cáo của Sở Y tế: Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Lộc (là đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng thuốc cho Trạm Y tế trên địa bàn huyện Nghi Lộc) đã tổng hợp nhu cầu của Trạm Y tế xã Nghi Hoa và cung ứng đúng theo nhu cầu đề xuất của Trạm Y tế xã Nghi Hoa. Để tránh việc thiếu thuốc xảy ra tại Trạm Y tế xã, ngành y tế đã chỉ đạo các Trạm Y tế xã phải bảo cáo bằng văn bản nếu có hiện tương thiếu thuốc xẩy ra để Sở Y tế nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời, tuy nhiên trong thời gian qua Sơ Y tế chưa nhận được văn bản của Trạm Y tế nào báo cáo về tình trạng thiếu thuốc.

Về việc mở Quầy thuốc tại Trạm Y tế xã: Trạm Y tế xã chỉ được mở Tủ thuốc Trạm Y tế và kinh doanh thuốc trong phạm vi quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 49 của Luật Dược 105/2016/QH13.

6. Cử tri Trần Văn Tâm, Trưởng trạm y tế xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc phản ánh công tác đào tạo bác sỹ gia đình cho một số trạm y tế chưa toàn diện. Nhiều bác sỹ đào tạo về chưa có điều kiện để hoạt động dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực và chuyên môn bị mai một. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các bác sỹ gia đình; hỗ trợ đào tạo bác sỹ chuyên khoa 1 cho các trạm y tế các xã, phường, thị trấn; hỗ trợ thâm niên ngành Y tế; hỗ trợ thêm trang thiết bị, máy móc cho các trạm y tế đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 559/KH-UBND ngày 05/6/2021 về việc tăng cường năng lực y tế cơ sở tại Trạm Y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Hiện nay ngành y tế Nghệ An đã triển khai thí điểm mô hình thành công tại 06 trạm y tế xã thuộc huyện Nam Đàn và đang mở rộng triển khai mô hình tại 65 Trạm Y tế xã, mục tiêu đến năm 2025 mở rộng 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai mô hình. Song song với việc mở rộng triển khai mô hình tại các trạm y tế thì ngành y tế đã chú trọng đạo tạo nguồn nhân lực chuyên ngành Y học gia đình như phối hợp với Trường đại học Y Dược Hải Phòng tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên khoa định hướng bác sĩ gia đình cho 96 bác sĩ công tác tại Trạm Y tế xã trên 21 huyện, thành, thị, cử 02 bác sĩ đi học chuyên khoa I chuyên ngành Bác sĩ gia đình, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ đào tạo cho các Bác sĩ công tác tại TYT đi học sau đại học chuyên ngành Bác sĩ gia đình (thạc sĩ, CK1: 40 triệu, CK2: 60 triệu, tiến sĩ: 80 triệu) từng bước đạt mục tiêu 100% bác sỹ công tác tại TYT được đào tạo chuyên môn theo nguyên lý y học gia đình vào năm 2025.

7. Cử tri Thái Đình Lâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An phản ánh Hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện phổi đã được đầu tư và đạt chuẩn nhưng hiện tại chưa có điểm xả thải (chưa có nguồn đầu tư để làm đường dẫn); đường vào bệnh viện đã xuống cấp nhiều năm không được sửa chữa ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh và nhân dân trên địa bàn; Khu tập thể Bệnh viện đã xuống cấp nhưng chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa… Bên cạnh đó, nhu cầu về trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh rất cần thiết nhưng khi xây dựng đề án triển khai gặp nhiều khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo để khắc phục các bất cập, phục vụ tốt cho công tác khám chữa bệnh.

1502963358249.jpg
Hệ thống vận hành xử lý nước thải tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An

UBND tỉnh trả lời:

Bệnh viện Phổi Nghệ An được thành lập từ năm 1957 với chức năng là bệnh viện cấp tỉnh chuyên khám, tư vấn và điều trị bệnh lao và bệnh phổi. Bệnh viện đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, công nghệ AAO, công suất 250m3/ ngày.đêm. Nước thải sau khi xử lý được bệnh viện dẫn về lưu giữ tại 04 hồ chứa trong khuôn viên. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải định kỳ tháng 3 và tháng 6 năm 2022 đạt QCVN 28:2010/BTNMT - Cột B, K=1 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải y tế). Theo báo cáo của Sở Y tế, trước đây nước thải sau khi xử lý đạt QCVN 28:2010/BTNMT - Cột B được thải ra ngoài mương nước (mương tự đào của các hộ dân) theo giấy phép xả thải. Tuy nhiên, hiện nay người dân đã chặn không cho nước thải của Bệnh viện xả vào mương này. Một số thời điểm trời mưa lớn, nước từ hồ chứa chảy tràn ra ngoài mương cũ và chảy vào diện tích đất canh tác của người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành lấy 01 mẫu lấy tại hồ cuối trước khi chảy tràn ra ngoài môi trường. Kết quả phân tích: 01/13 chỉ tiêu vượt QCVN 28:2010/BTNMT - Cột B, K =1. Cụ thể: NH4+ vượt 1,19 lần. Nước thải của Bệnh viện hiện nay không có mương thoát ra ngoài (do mương thoát cũ đã bị lấp), lưu chứa vào 04 hồ trong khuôn viên, gặp trời mưa nước chảy tràn ra ngoài và chảy vào diện tích đất canh tác của người dân.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Phổi Nghệ An: Cải tạo hệ thống xử lý nước thải để nước sau xử lý đạt QCVN 28:2010/BTNMT - Cột B; khắc phục tình trạng nước thải từ Bệnh viện tràn ra khu vực canh tác của người dân; Lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường của Bệnh viện trong đó có nội dung rà soát, xác định hướng tuyến thoát thải và vị trí xả thải; Chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu của Báo cáo Đánh giá tác động môi trường và quy định pháp luật liên quan.

8. Cử tri Thái Đình Lâm, Phó Giám đốc bệnh viện Phổi Nghệ An phản ánh việc thanh quyết toán bảo hiểm y tế còn chậm trễ, cụ thể như năm 2017 còn 7.074.4770.222đ chưa được quyết toán; năm 2018 còn 4.109.912.652đ chưa được quyết toán; việc tạm ứng 80% chi phí khám chữa bệnh thường xuyên bị muộn (theo quy định sau 5 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán nhưng thực tế thường sau 17 ngày); việc giao khoán quỹ bảo hiểm còn nhiều bất cấp, chưa sát với tình hình thực tế, đặc biệt là trong dịch và sau dịch Covid-19. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục để đảm bảo công tác khám chữa bệnh.

UBND tỉnh trả lời:

- Việc thanh quyết toán bảo hiểm y tế còn chậm trễ cụ thể:

Thực hiện Công văn số 1697/BHXH-CSYT ngày 24/6/2022 của BHXH Việt Nam về việc rà soát chi phí vượt định mức kinh tế kỹ thuật (ĐMKTKT) của năm 2016, 2017, 2018; BHXH tỉnh Nghệ An đã phối hợp Bệnh viện Phổi rà soát và thống nhất bằng Biên bản chi phí vượt ĐMKTKT đối với quỹ KCB BHYT, trần đa tuyến đến, dự toán chi KCB năm 2017, 2018, kết quả:

+ Năm 2017: Chi phí vượt ĐMKTKT do nguyên nhân khách quan vượt trần đa tuyến đến đề nghị BHXH Việt Nam thanh toán là 7.370.470.226 đồng;

+ Năm 2018: Chi phí vượt ĐMKTKT do nguyên nhân khách quan vượt dự toán chi KCB đề nghị BHXH Việt Nam thanh toán là 2.878.299.178 đồng.

BHXH tỉnh đã báo cáo chi phí này ra BHXH Việt Nam để được thẩm định trình Hội đồng quản lý thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định hiện hành. Khi có ý kiến phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan BHXH sẽ thực hiện thanh quyết toán chi phí vượt định mức kinh tế, kỹ thuật, thời gian, nhân lực năm 2017, 2018 với Bệnh viện.

- Việc tạm ứng 80% chi phí khám chữa bệnh (KCB) thường xuyên bị muộn

Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức bảo hiểm y tế tạm ứng một lần bằng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

Điểm a Khoản 2 Điều 32 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định: “Trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi tháng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm gửi bản tổng hợp đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của tháng trước cho tổ chức bảo hiểm y tế; trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi quý, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm gửi báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của quý trước cho tổ chức bảo hiểm y tế;”

Như vậy, căn cứ vào quy định của Luật Bảo hiểm y tế và tình hình thực tế Bệnh viện nộp báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ quan BHXH, BHXH tỉnh Nghệ An thực hiện cấp ứng nguồn kinh phí cho Bệnh viện Phổi Nghệ An theo đúng quy định.

- Việc giao khoán quỹ bảo hiểm còn nhiều bất cấp chưa sát với tình hình thực tế, đặc biệt là trong dịch và sau dịch Covid 19

Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Quyết định 501/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2021, theo đó cơ quan BHXH không thực hiện giao quỹ cho các đơn vị KCB mà việc thanh quyết toán thực hiện theo Tổng mức thanh toán quy định tại Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.