Phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt nhất

Trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã có các quy chế phối hợp công tác giữa các bên: Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh; UBND tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An với Thường trực HĐND tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh. Mối quan hệ phối hợp giữa các bên ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện cho mỗi bên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều kết quả tốt từ mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh

Nổi bật về kết quả công tác phối hợp giữa các bên là các kỳ họp HĐND tỉnh được tổ chức thành công, ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Công tác chuẩn bị các kỳ họp HĐND tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh thực hiện chủ động, kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa”, với sự tích cực tham gia đóng góp ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh. Công tác phối hợp giữa UBND tỉnh với Thường trực, các Ban HĐND tỉnh từ quá trình chuẩn bị tài liệu đến việc tổ chức các phiên họp thẩm tra và tiếp thu, chỉnh sửa báo cáo, nghị quyết sau thẩm tra được thực hiện chặt chẽ; các phiên họp thẩm tra đều được thảo luận kỹ lưỡng, chất lượng.

Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026

Năm 2023, ngoài 02 kỳ họp thường lệ (kỳ họp thứ 14 và 17), trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã tổ chức 04 kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 12,13,15,16). Việc tổ chức các kỳ họp chuyên đề linh hoạt để kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết giải quyết các nội dung quan trọng, cấp thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết an sinh, xã hội trên địa bàn của tỉnh. 

Cùng với đó, các khó khăn, vướng mắc của tỉnh được các cơ quan Trung ương quan tâm, tháo gỡ. Song song với việc Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề xuất, làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban MTTQ VN tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp, chuyển tải đến các Bộ, ngành thì các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực trao đổi, phát biểu thảo luận tại hội trường, thảo luận tại tổ để đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan quan tâm, tháo gỡ, giải quyết. Nhiều ý kiến của Đoàn đã được Quốc hội tiếp thu, ban hành Nghị quyết và giao Chính phủ xem xét, quyết định  (như đồng ý bổ sung kinh phí chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù  giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1A; bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để tiếp tục thực hiện và sớm hoàn thành và đưa vao sử dụng Dự án kè sông Nậm Mộ, đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; giải quyết tồn tại, vướng mắc Thủy điện Bản Vẽ; kinh phí thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng...).

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường kỳ họp Quốc hội kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tỉnh

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có nhiều hoạt động phối hợp góp phần củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn được các cơ quan tích cực phối hợp triển khai thực hiện; các bên đã phối hợp tuyên truyền, vận động và đã được các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia tích cực với tinh thần trách nhiệm cao. Nổi bật là các hoạt động an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, phối hợp triển khai thực hiện tốt Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Chỉ thị 21-CT/TU ngày 10/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đại biểu Quốc hội chung vui Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Khu dân cư đã tăng cường sự gắn kết giữa đại biểu dân cử với cử tri, Nhân dân

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đối với các dự án luật, Nghị quyết của HĐND tỉnh được quan tâm thực hiện, nhất là các dự án luật, dự thảo Nghị quyết tác động lớn đến quyền và lợi ích của đại đa số người dân như Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết quy định chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, khối, bản; người trực tiếp tham gia ở xóm, khối, bản; mức khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và tổ dân vận ở xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh... Các ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là cơ sở quan trọng, thể hiện tính dân chủ cao để chính quyền địa phương đưa ra những chính sách phù hợp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời cung cấp thêm thông tin để Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại các phiên họp Quốc hội.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội về Luật Đất đai sửa đổi

Công tác phối hợp trong hoạt động giám sát giữa HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, hạn chế trùng lặp. Thông qua giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý, điều hành; tiếp thu chỉnh sửa các dự thảo văn bản phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tiễn địa phương. Trên cơ sở, UBND tỉnh ban hành văn bản giao các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện để kịp thời có những giải pháp điều chỉnh, khắc phục.

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh và giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh được tiến hành nghiêm túc. Các vấn đề được lựa chọn để chất vấn, giải trình đều là những vấn đề nổi cộm, được cử tri và dư luận quan tâm. Các phiên chất vấn, giải trình và trả lời chất vấn thể hiện tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm. Sau chất vấn, giải trình đã làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, từ đó đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị ký kết Quy chế phối hợp bốn bên

Đánh giá về công tác phối hợp giữa các cơ quan trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kết quả đã đạt được và khẳng định hiệu quả tác động hỗ trợ rất tích cực cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, đóng góp lớn vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả tốt nhất

Dù kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa các bên là rất tích cực và ngày càng có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn có một số nội dung cần điều chỉnh để phối hợp chặt chẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Đồng thời, các quy chế còn tồn tại dưới hình thức quy chế hai bên, ba bên, chưa có quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH tỉnh và UBND tỉnh.

Với vai trò quan trọng trong điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh và có mối quan hệ đan xen, giao thoa với nhau trong công tác, trước yêu cầu nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, việc hợp nhất, nâng tầm các quy chế chế phối hợp giữa hai bên, ba bên thành một quy chế phối hợp bốn bên giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh là hết sức cần thiết, thể hiện sự thống nhất cao nhất giữa các bên vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì lợi ích của Nhân dân.

Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội nghị ký kết quy chế phối hợp

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ký kết quy chế phối hợp, đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Quy chế phối hợp bốn bên phải bao quát hết tất cả các mối quan hệ công tác giữa các bên và tạo ra sự nhuần nhuyễn, chặt chẽ trong phối hợp để thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt nhất.

Phối hợp trên 06 nhóm nội dung công tác

Quy chế phối hợp được bốn cơ quan thống nhất ký kết gồm 03 chương và 26 điều, quy định rõ mối quan hệ phối hợp giữa các bên trên 06 nhóm nội dung.

Đối với công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Quy chế quy định trách nhiệm chủ trì của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong việc chủ trì xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện và đa dạng hóa các hình thức tập hợp các tầng lớp Nhân dân, phát huy mọi nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trách nhiệm phối hợp của Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh.

Đối với công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, Quy chế quy định Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ VN tỉnh tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh do Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tổ chức lấy ý kiến. Đối với việc xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quy chế quy định cụ thể trách nhiệm của các bên trong việc xây dựng danh mục Nghị quyết ban hành trong năm của HĐND tỉnh, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết, công tác thẩm tra, xem xét việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc đình chỉ thi hành các nghị quyết của HĐND tỉnh và vai trò phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Đại diện Lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ VN tỉnh ký kết Quy chế phối hợp

Đối với công tác thực thi pháp luật, Quy chế điều chỉnh mối quan hệ phối hợp giữa các bên trong việc xây dựng chương trình giám sát; tổ chức giám sát, khảo sát; việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát; chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh; giải quyết công việc giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đối với công tác chuẩn bị, tổ chức các kỳ họp, phiên họp, Quy chế quy định sự phối hợp của các bên trong công tác chuẩn bị các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND tỉnh, phiên họp hàng tháng của UBND tỉnh.

Đối với công tác dân nguyện, thông tin, Quy chế quy định sự phối hợp trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh và tổng hợp, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động thông tin.

Đối với công tác đối ngoại, tham dự cuộc họp, phiên họp, Quy chế điều chỉnh sự phối hợp trong việc đón tiếp các đoàn đại biểu đến thăm, làm việc tại tỉnh; việc mời dự các cuộc họp, phiên họp do mỗi cơ quan chủ trì và chế độ báo cáo.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX và trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với tinh thần quyết tâm cao ngay từ đầu năm, tin tưởng rằng, với việc thống nhất ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp, hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ VN tỉnh sẽ đạt hiệu quả cao nhất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.