Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ mạnh về kinh tế biển
Sáng 19/5, tại TP. Huế, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tổ chức hội nghị lần thứ 4. Đồng chí Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo 14 tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
PHÁT TRIỂN VÙNG MẠNH VỀ BIỂN, GIÀU TỪ BIỂN
Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.
Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 17 chỉ tiêu phát triển, 34 nhiệm vụ và 11 dự án, nhóm dự án quan trọng của vùng cần thực hiện đến năm 2030. Đến nay, đã hoàn thành 3/34 nhiệm vụ, đã phê duyệt quy hoạch của 14/14 tỉnh trong Vùng. Các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các Bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai theo tiến độ.
Về 11 dự án, nhóm dự án quan trọng, liên kết vùng, đã hoàn thành 3 cảng hàng không và 1 cảng biển; dự kiến năm 2025 hoàn thành 1 tuyến cao tốc và đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai đầu tư 7 dự án còn lại trong thời gian tới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của vùng đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước, trong đó một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên 9,16%, Bình Thuận (8,1%); Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước…
Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quan điểm phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sẽ tập trung vào các ngành kinh tế biển để vùng trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm gắn với phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Lấy văn hóa là một trụ cột phát triển bền vững, con người làm trung tâm của nguồn lực và phát triển.
Một số ngành công nghiệp ưu tiên, trọng điểm của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là: Công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, công nghiệp ven biển, du lịch biển, kinh tế hàng hải; chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng biển, đặc biệt là năng lượng tái tạo gió ven bờ, gió ngoài khơi.
Lĩnh vực thương mại đẩy mạnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế. Hình thành và phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Đồng thời tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghiệp và bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng biển ven các hải đảo xa bờ.
SẮP XẾP, LỰA CHỌN MỖI TIỂU VÙNG MỘT SỐ DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho rằng, việc Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cùng với việc 14 địa phương trong vùng đã được phê duyệt Quy hoạch tỉnh là điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đặt ra. Đặc biệt, cần thiết phải thành lập 3 tổ tại 3 tiểu vùng để hỗ trợ cho Hội đồng điều phối vùng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
Cơ bản thống nhất với đề xuất của cơ quan thường trực Hội đồng điều phối vùng về các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, các cơ chế, chính sách đã tập trung tạo thêm nguồn lực, bao gồm bổ sung nguồn và tăng nguồn; đồng thời, tăng thêm thẩm quyền, phân cấp cho các địa phương, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng hơn cho thu hút đầu tư.
Cho ý kiến vào dự thảo, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, về phát triển kinh tế biển trong dự thảo đang đề xuất khu vực Bắc Trung Bộ, phát triển khu vực kinh tế biển trọng điểm đang lựa chọn 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh.
Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm tỉnh Thanh Hoá vào khu vực kinh tế biển trọng điểm, bởi 3 địa phương này nằm trong sự gắn kết về phát triển kinh tế biển và phù hợp với tinh thần Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Về áp dụng cơ chế, chính sách, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, cần phân ra thành 2 nhóm.
Nhóm thứ 1, những cơ chế, chính sách có thể áp dụng chung cho cả vùng. Hiện trong vùng đã có 5 địa phương: Khánh Hoà, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hoá được ban hành cơ chế, chính sách đặc thù. Vì vậy, cần rà soát xem những cơ chế, chính sách đặc thù nào của 5 địa phương phù hợp với tất cả các địa phương trong vùng thì có thể cho phép áp dụng chung.
Nhóm thứ 2, tập trung vào các nhóm cơ chế, chính sách theo tiểu vùng, vì từng tiểu vùng có đặc thù riêng.
Về việc bố trí nguồn lực cho các dự án trọng điểm liên kết vùng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho rằng, phải đặt trong lợi ích tổng thể của vùng và từng tiểu vùng. Trong bối cảnh danh sách dự án nhiều, trong khi thời gian thực hiện còn lại ngắn, nguồn lực hạn chế, cần sắp xếp, lựa chọn ưu tiên mỗi tiểu vùng một số dự án để đầu tư, theo hình thức lấy ý kiến và bỏ phiếu.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh); Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); cùng 2 hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây.