Chuyển đổi tập quán chăn nuôi

Từ làm ruộng và vườn, kinh tế chỉ đủ sống, cách đây 3 năm, vợ chồng ông Lô Minh Xuyết, ở bản Ná Phày, xã Mường Noọc chuyển sang làm trang trại trồng cỏ, chăn nuôi bò, dê. Hình thức nuôi của gia đình vừa nuôi bò sinh sản, vừa nuôi bò vỗ béo, trong chuồng lúc nào cũng có 10 – 15 con bò.

8e8419ee9f64463a1f75.jpg
Chăn nuôi bò nhốt tại huyện Quế Phong

Theo chia sẻ của ông Lô Minh Xuyết, nuôi 5 – 7 con bò sinh sản mỗi năm sẽ có thêm 5 – 7 con bê con và khi được giá thì bán, còn không để lại nuôi nên giá bán luôn cao, ở mức 13 - 15 triệu đồng/con. Nuôi bò gầy, mua vào khoảng 12 – 13 triệu đồng/con, thời gian nuôi khoảng 01 năm bán ra trên 30 triệu đồng/con. Chăn nuôi bò của gia đình ông Xuyết hoàn toàn nuôi nhốt, thức ăn chính là cỏ trồng, công tác thú y được quan tâm nên hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng. Ngoài bò, gia đình ông còn nuôi dê với trên dưới 20 con, nuôi gà cỏ.

Cùng nuôi nhốt theo mô hình trang trại, gia trại, ở xã Mường Noọc, gia đình ông Trần Văn Thắng (xóm Hải Lâm) cũng nuôi 8 – 10 con bò sinh sản kết hợp nuôi thêm bò vỗ béo; nuôi 3 lợn nái và 20 – 30 con lợn thịt/lứa. Hay ông Nguyễn Quyết Thắng nuôi 5 con bò sinh sản cùng gà cỏ hàng hoá.

Tại Quế Phong, sản xuất nông nghiệp là mũi trọng tâm của huyện, trong đó chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế về đất đai, hệ thống sông, suối nhiều; cộng với truyền thống chăn nuôi đại gia súc, cùng một số vật nuôi được thị trường ưa chuộng, như bò cỏ, gà cỏ địa phương, gà đen, gà ác, lợn đen, lợn nít, vịt bầu… của người dân, huyện Quế Phong định hướng tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc và thuỷ sản.

cf9aba3639bce0e2b9ad.jpg
Người dân các huyện miền núi thay đổi tư duy từ chăn nuôi thả rông sang trồng cỏ nuôi bò nhốt

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Bá Hiền – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chăn nuôi bò giống lai sind theo mô hình trang trại, gia trại đượ tập trung tại các xã có quỹ đất hạn chế ở vùng thấp: Tiền Phong, Mường Noọc, Châu Kim…. Đối với các xã vùng cao, điều kiện đất rừng lớn như Tri Lễ, Châu Thôn, Đồng Văn, Thông Thụ…, ưu tiên tập trung chăn nuôi theo hình thức khoanh nuôi tập trung giống bò cỏ địa phương có khả năng tự kiếm ăn tốt, tính thích nghi cao với khí hậu, thổ nhưỡng và giá trị kinh tế thực phẩm cao. Ngoài ra định hướng tạo thành các vùng, vệt chăn nuôi các loại đặc sản, như nuôi vịt bầu tại các xã Quang Phong, Cắm Muộn, Châu Thôn; nuôi gà cỏ, gà đen tại xã Nậm Giải, Tri Lễ, Châu Kim; nuôi lợn đen tại xã Châu Thôn, Tri Lễ; nuôi trồng thủy sản tập trung vùng hồ thuỷ điện… Cùng với định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng, vệt, Quế Phong tăng cường chỉ đạo phát triển các trang trại, gia trại và thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để vừa khắc phục tập quán sản xuất nhỏ lẻ, thả rông khó kiểm soát dịch bệnh; vừa nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm để chăn nuôi bền vững. HĐND huyện cũng đã ban hành nghị quyết phê duyệt đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc và thủy sản theo hướng hàng hoá giai đoạn 2021 – 2025, với việc xác định rõ nguồn lực ưu tiên cho mũi chăn nuôi thông qua lồng ghép các nguồn lên đến gần 119 tỷ đồng. Đây là cơ sở quan trọng để chăn nuôi ở Quế Phong tạo bước chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững

Vùng miền Tây Nghệ An có quỹ đất lớn để trồng cỏ, để làm trang trại và nguồn thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp mía, ngô dồi dào. Chăn nuôi đại gia súc và một số vật nuôi đặc sản là truyền thống của người dân miền núi, nhiều hộ có quy mô đàn trâu, bò từ 50 – 70 con. Đây là các điều kiện quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi ở vùng này.

Thực tiễn, các địa phương hiện nay cũng đang xác định chăn nuôi là thế mạnh để tập trung và phát triển theo hướng bền vững. Như huyện Quỳ Hợp, chăn nuôi là nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều hộ nghèo tạo sinh kế bền vững và vươn lên. Hiện tại tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện hơn 40.000 con; đàn lợn gần 170.000 con và hơn 1 triệu gia cầm. Huyện Quỳ Hợp cũng đang định hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại tập trung, quy mô hợp lý; tăng cường diện tích trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi gia súc. Hay ở huyện Quỳ Châu, chăn nuôi bò thịt và các vật nuôi đặc sản: vịt bầu, lợn đen địa phương, cá lồng là một trong nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương mà huyện đã chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2025.

3eb677e4f06e2930707f.jpg
Mô hình chăn nuôi gà quy mô hàng trăm con của người dân huyện Quế Phong

Bên cạnh sự chủ động của các địa phương, theo ông Đặng Văn Minh – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trên cơ sở đánh giá lợi thế vùng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cũng định hướng tập trung chuyển dịch phát triển chăn nuôi từ vùng đồng bằng lên vùng miền Tây; gắn tập trung chỉ đạo với hỗ trợ nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và theo chuỗi liên kết giá trị. Hiện tại đã có một số tập đoàn, công ty đầu tư dự án chăn nuôi theo mô hình này tại một số huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thanh Chương… Tỉnh cũng đang tích cực chỉ đạo các địa phương phát triển trang trại, gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích người dân chăn nuôi bán chăn thả gia súc, gia cầm mang tính đặc sản như gà cỏ thả vườn, gà ác, gà đen, vịt bầu; đồng thời phát triển các vật nuôi khác như ong, dúi, lợn rừng, lợn đen… Đây là hướng chăn nuôi khắc phục tình trạng nuôi nhỏ lẻ, đồng thời nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế vùng và giảm nghèo bền vững cho người dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.