Đa dạng các mô hình

Sau một thời gian ly hương, mở dịch vụ kinh doanh nhưng làm ăn kém hiệu quả nên cuối năm 2021, anh Đinh Nho Phú Quý (xóm 4, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương) về quê lập nghiệp. Có sẵn diện tích đất vườn rộng, gần hồ nước nên anh dự định sẽ mở trang trại chăn nuôi lợn kết hợp nuôi cá. Song thời điểm đó (tháng 6/2021), dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn lại “chạm đáy”, người chăn nuôi lợn thua lỗ nên anh đang loay hoay chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu. May mắn, lúc đó, Hội Nông dân huyện và Công ty Cổ phần Greefeed Việt Nam đang “bắt tay” nhau để triển khai mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao trên địa bàn. Đáp ứng được các yếu tố diện tích đất, vốn để đầu tư chuồng trại nên hộ hội viên Đinh Nho Phú Quý được lựa chọn tham gia mô hình. Theo đó, phía Hội Nông dân đứng ra kết nối, giám sát và tạo điều kiện vốn vay cho hội viên tham gia mô hình; phía Công ty cung cấp con giống, thức ăn cho vịt, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi vịt và bao tiêu đầu ra; hộ hội viên phải có diện tích đất để làm trang trại, vốn đầu tư chuồng trại và chăm sóc vịt.

1.jpg
Quá trình thực hiện mô hình nuôi vịt công nghệ cao, hộ anh Đinh Nho Phú Quý được hỗ trợ kỹ thuật

Anh Đinh Nho Phú Quý cho biết: “Điều mà người nông dân nào cũng quan tâm nhất đó là vấn đề kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm, thì với việc liên kết này, con vịt đã có công ty cam kết bao tiêu, cho người hỗ trợ kỹ thuật. Và quan trọng, trong quá trình chăn nuôi, nông dân có sự đồng hành của Công ty, của Hội Nông dân huyện và chính quyền địa phương, nhiệm vụ của mình là chăm sóc vịt theo đúng quy trình, đạt trọng lượng và phẩm chất thịt”. Theo anh Quý cho biết, từ tháng 8/2021 đến nay, anh đã xuất bán 3 lứa vịt với quy mô 6.500 con/lứa, 22 tấn vịt thịt, giá thành dao động 35 - 40.000 đồng/kg, trung bình mỗi lứa, trừ mọi chi phí anh Quý còn thu lãi 100 triệu đồng. Đặc biệt là, trại vịt 6.500 con nhưng chỉ xuất bán gọn trong vòng 2 ngày, không kéo dài thời gian, mất công sức, hao tổn vịt. Từ hiệu quả bước đầu mang lại, sắp tới, anh Quý dự định sẽ mở rộng thêm chuồng trại, tăng quy mô đàn, dự kiến, mỗi năm thu lãi cả tỷ đồng.

2.jpg
Lứa vịt 6.500 con được Công ty bao tiêu toàn bộ và thời gian xuất chuồng gói gọn trong vòng 2 ngày

Mô hình trồng cây dược liệu trên đất Thanh Chương cũng là minh chứng hiệu quả trong việc tổ chức liên kết sản xuất này. Theo đó, từ năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân huyện Thanh Chương, hợp tác xã Tân Hưng Thịnh và một số hộ dân vùng Thổ Hào triển khai trồng thí điểm nhằm phục tránh lại giống sâm quý bản địa. Thực hiện mô hình này, HTX Tân Hưng Thịnh cung cấp giống sâm, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm sâm củ cho người dân. Đánh giá tiến độ bước đầu trên cây sâm Thổ Hào cho thấy những tín hiệu khả quan: Cây sâm phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Thổ Hào, năng suất khá và đầu ra ổn định, giá trị kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng như ngô, sắn trước đây. Đặc biệt, toàn bộ sâm củ được HTX Tân Hưng Thịnh thu mua, bao tiêu toàn bộ.

3.jpg
Theo đánh giá bước đầu, mô hình liên kết trồng cây sâm Thổ Hào mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hoàng Văn Thục, Phó Chủ tịch xã Thanh Hà (Thanh Chương) cho biết: “Trước đây, vùng đất này chỉ trồng sắn hoặc cỏ voi phục vụ chăn nuôi, hiệu quả thấp. Qua vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, cây sâm Thổ Hào đạt năng suất trên 1 tạ/sào, theo giá thị trường bà con thu về 25-30 triệu đồng/sào, cao gấp hàng chục lần so với các loại cây trồng khác. Đặc biệt, đầu ra của cây sâm được HTX Tân Hưng Thịnh bao tiêu toàn bộ theo giá thị trường”. Hiệu quả bước đầu mang lại, từ 2ha thí điểm ban đầu, sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng ra 4ha, trong đó, chủ yếu tập trung ở xã Thanh Hà. Đồng thời, sẽ đưa một số cây dược liệu khác như cây xạ đen, sâm cau, cà gai leo vào trồng thử nghiệm; huyện Thanh Chương cũng đã có kế hoạch xây dựng các sản phẩm dược liệu này thành các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch sinh thái nhằm nâng cao thu nhập và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng đất “đặc thù” chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn này.

Bền vững trong liên kết

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương cho biết: “Từ thành công của các mô hình trên, Hội Nông dân huyện đã có kế hoạch nhân rộng ra các địa phương khác. Cụ thể, nhân rộng mô hình liên kết chăn nuôi vịt công nghệ cao ở Thanh Lương, Thanh Tùng và Thị trấn; mô hình liên kết trồng cây dược liệu ở Thanh Hà, Thanh Lâm, Thanh Tùng; mô hình nuôi thả các ở Thanh Xuân, Đại Đồng... Đồng thời, tìm kiếm thêm các doanh nghiệp đối tác liên kết theo chuỗi trong chăn nuôi lợn, gà, cá, trâu bò vỗ béo; trong trồng trọt như chè, cây sắn nguyên liệu; lúa giống… Quan điểm của chúng tôi là liên kết phải bền vững, chặt chẽ, trong đó, chú trọng là vấn đề đầu ra cho sản phẩm phải được đảm bảo. Hội Nông dân sẽ đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp, nhà nông và ngân hàng; giám sát quá trình liên kết, đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình”.

4.jpg
Thu hoạch cá ở Thanh Xuân, Thanh Chương

Xu thế chung hiện nay trong sản xuất nông nghiệp là liên kết theo chuỗi. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Đây là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, sản xuất thua lỗ do không đáp ứng được cái thị trường cần. Mặt khác, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.

Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng các chuỗi liên kết có hiệu quả, bền vững thì điều cần thiết là người dân phải nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật, yêu cầu quy trình chăm sóc và chất lướng sản phẩm do doanh nghiệp đề ra; tuân thủ ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, không tự ý bán hàng ra thị trường, phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng đang được UBND huyện Thanh Chương ưu tiên mở rộng. Hiện các địa phương đang đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Có nhiều chủ trương, cơ chế nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX… Với phương châm “ăn chắc”, các mô hình liên kết sẽ được đánh giá theo định kỳ, nếu không hiệu quả, không còn phù hợp thì sẽ đưa ra khỏi quy hoạch; quá trình thực hiện chỗ nào còn bất cập sẽ điều chỉnh phù hợp… từ đó, đảm bảo tính bền vững trong liên kết.

Bài, ảnh: Thục Tuệ