...
Nghệ An cửa ngõ của Miền Trung, vùng đất có nhiều tiềm năng, địa linh nhân kiệt, nơi đây đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, là người sáng lập ra Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An đã đoàn kết, vượt qua những khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển; nông nghiệp và nông thôn đạt kết quả tích cực, trong đó, lĩnh vực xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và xây dựng nông thôn mới có chuyển biến rõ rệt; An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện; An ninh, quốc phòng, đối ngoại được củng cố, tăng cường; Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt được kết quả quan trọng; Huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai... Những thành tựu chung đó có sự đóng góp rất quan trọng của cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn tỉnh.

Qua theo dõi phong trào Hội, thấy rằng: Trong nhiệm kỳ qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả các hoạt động. Các cấp Hội đã bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh khóa 8, nhiệm kỳ 2017 - 2022 và các chương trình, kế hoạch hàng năm của Trung ương Hội, đã chủ động tham mưu, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các địa phương, đơn vị, các nhà tài trợ để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ. Tiêu biểu như phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; “Tháng nhân đạo”; Dự án “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, “Giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng”; “Tặng áo phao cho ngư dân nghèo”, v.v... Các mô hình nhân đạo như “Bếp ăn tình thương”, “Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ”, “Thùng quỹ nhân đạo”, Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống,... được triển khai hiệu quả, lan tỏa hành động nhân ái, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, tự nguyện tham gia. Những việc làm của Hội đã giúp cho hàng trăm nghìn lượt nạn nhân, người nghèo, người gặp rủi ro, bất hạnh giảm bớt một phần khó khăn, tự tin vượt qua số phận vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, phòng chống bệnh tật, phòng chống thiên tai, giải quyết các vấn đề xã hội.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên đã không quản ngại khó khăn trên mặt trận tuyến đầu chống dịch; có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm, kinh phí, cho các lực lượng làm nhiệm vụ và các khu cách ly phong tỏa; vận động tiền, hàng hỗ trợ đồng bào các tỉnh Miền Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch và người lao động về quê tránh dịch.

Với tổng giá giá trị hoạt động của toàn Hội nhiệm kỳ qua đạt 184 tỷ 810 triệu đồng, trợ giúp 718.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Đây là kết quả có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sâu sắc tinh thần “Chữ thập đỏ - vì mọi người, ở mọi nơi”.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và chúc mừng những kết quả mà cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Tôi trân trọng và đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, một số Hội quốc gia, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố trong nước; những nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã hỗ trợ nguồn lực và chung tay cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động nhân đạo và tổ chức Hội ở một số nơi còn hạn chế; công tác quản lý, phát huy vai trò hội viên, tình nguyện viên ở một số địa phương, đơn vị vẫn chưa phù hợp, thiếu khoa học; một số cấp Hội chưa tích cực, chưa chủ động tham mưu để thực hiện tốt hơn các hoạt động nhân đạo; việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể có lúc chưa hiệu quả, chưa có chiều sâu; công tác tuyên truyền các giá trị nhân đạo, tuyên truyền về Hội ở một số địa phương chưa sâu rộng; một số cấp Hội còn thụ động trong vận động nguồn lực và xây dựng quỹ....

Vì vậy, tôi đề nghị Đại hội chúng ta tập trung thảo luận kỹ về những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua, rút ra các bài học kinh nghiệm; đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cho nhiệm kỳ tới phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Tôi thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ tới mà báo cáo Đại hội đã nêu, và xin được chia sẻ thêm ở một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”, Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới; Chiến lược phát triển Hội Chữ thâp đỏ Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (giai đoạn 2020 - 2025) của tỉnh, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác nhân đạo và các lĩnh vực hoạt động chữ thập đỏ.
Thứ hai, Hội tiếp tục củng cố và phát triển mạnh mẽ tổ chức, nhất là ở cơ sở, phát huy vai trò cầu nối, điều phối của hội Chữ Thập đỏ trong hoạt động nhân đạo, góp phần làm cho hoạt động nhân đạo được quản lý chặt chẽ, bảo đảm minh bạch, công bằng và đạt hiệu quả cao. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ các cấp có nhiệt huyết và có kỹ năng hoạt động của Hội, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền cho hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng trong các hoạt động Chữ thập đỏ.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các giá trị, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân đạo và về hoạt động của Hội Chữ Thập đỏ các cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và của xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng công tác nhân đạo. Qua đó, vận động, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia hoạt động nhân đạo với hình thức đa dạng, khả năng phù hợp. Hội cần chú trọng công tác truyền thông, nêu gương người tốt việc tốt, khẳng định được màu sắc, vai trò trong hoạt động xã hội của tỉnh.

Thứ tư, tổ chức thực hiện có hiệu quả 7 lĩnh vực hoạt động đã được quy định trong Luật Hoạt động Chữ thập đỏ. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh các lĩnh vực: cứu trợ nhân đạo và trợ giúp sinh kế mang tính bền vững lâu dài; phòng ngừa ứng phó thiên tai; sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa vào cộng đồng; hiến máu tình nguyện,... Tiếp tục đổi mới hoạt động Hội theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn bó với người dân, nắm chắc đối tượng khó khăn để vận động trợ giúp trực tiếp, thiết thực, bền vững, đúng đối tượng theo đúng tinh thần của cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Phấn đấu ở đâu có khó khăn, có nguy cơ ở đó có Hội Chữ thập đỏ, có màu áo đỏ thân thương.
Thứ năm, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh hội khóa tới phát huy nhân tố đoàn kết, đổi mới, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo; chỉ đạo sâu sát các cấp Hội trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ được Trung ương, Tỉnh giao và nghị quyết Đại hội đề ra.
Một trong các chức năng cơ bản và hướng hoạt động chính của Hội Chữ thập đỏ các cấp là vì mục tiêu nhân đạo, hòa bình, hữu nghị, góp phần xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và vì hành phúc Nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta. Trong thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta nghe nhiều về phạm trù nhân đạo và tôi thấy rằng chủ nghĩa nhân đạo, tinh thần nhân đạo, lòng nhân đạo của chúng ta có những nét đặc trưng riêng, gắn với truyền thống văn hóa Việt, đó là:
+ Nhân ái, nghĩa tình là nhân tố cơ bản tạo ra nền tảng của văn hóa Việt Nam.
+ Chủ nghĩa nhân đạo, lòng nhân đạo là nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo nên sức mạnh đoàn kết, yêu nước thương nòi, mà các giá trị này lại là cốt lõi để dân tộc Việt Nam đứng vững trước các cuộc xâm lăng để tồn tại và phát triển như ngày nay.
+ Chủ nghĩa nhân đạo mà người Việt Nam chúng ta thể hiện có nhiều nét rất đặc biệt: Nó không mang tính ban phát, thương hại, không mang yếu tố vụ lợi mà gần như là bản năng, như là một nhu cầu tự thân....
Như vậy các phong trào nhân đạo của các cấp Hội chúng ta còn phải mang một sứ mạng cao cả là thể hiện, truyền tải giá trị văn hóa Việt Nam.
Tại Đại hội này, tôi đề nghị các cấp, các ngành, chính quyền từ tỉnh đến các phường, xã coi công tác vận động nhân đạo là một nhiệm vụ quan trọng, tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội Chữ Thập đỏ tỉnh thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo. Đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ Thập đỏ tỉnh trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để thực hiện các hoạt động nhân đạo và phong trào Chữ Thập đỏ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.
Tôi cũng rất mong các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, chủ động và tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo; thiết thực, kịp thời chăm lo, trợ giúp đồng bào khó khăn, nạn nhân của thiên tai, thảm họa… chung tay cùng tỉnh thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.
...
(* Tít bài do BBT đặt)