bna_-can-bo-xa-thanh-phong-va-xom-bo.jpg
Cán bộ xã Thanh Phong và xóm 4 chỉ đạo việc mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Ảnh: Mai Hoa

Lấy nêu gương của cán bộ, đảng viên để lan tỏa sự đồng thuận xã hội

Ở huyện Thanh Chương, xã Thanh Phong cách đây 10 năm là địa phương nằm tốp cuối trên các lĩnh vực, nay đã vươn lên thuộc tốp đầu của huyện. Đặc biệt, trong 5 năm lại đây, xã đã có bước phát triển toàn diện. Minh chứng chính là xã Thanh Phong đã hoàn thành 19 tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2019), tiếp tục đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (năm 2022) và hiện đang dấy lên phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với đích đến vào năm 2025.

Sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ của xã Thanh Phong, theo đồng chí Phan Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy xã cho hay, thì chính là từ vai trò đầu tàu, nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, các xóm và sự đồng thuận của nhân dân. Nêu gương ở cán bộ, công chức, đảng viên, trước hết là về đạo đức, lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; đi đầu các phong trào ở địa phương, không chỉ bản thân còn là gia đình của mình cũng đi đầu, làm trước trong mọi việc ở thôn, ở xóm. Từ sự nêu gương, “nói đi đôi với làm”, trăn trở, lăn lộn, bám công việc, bám địa bàn, bám nhân dân, không nề hà trước khó khăn của cán bộ, công chức, đảng viên đã lan tỏa, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

bna_-can-bo-xa-thanh-phong-huyen-thanh-chuong-truc-tiep-chi-dao-nguoi-dan-chinh-trang-duong-lang-ngo-xom..jpg
Phong trào chỉnh trang nông thôn đang được tập trung đẩy mạnh ở xã Thanh Phong (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phong lấy dẫn chứng từ thực tiễn giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư nhà máy may xuất khẩu quy mô hơn 3.000 công nhân trên địa bàn. Để đồng hành thực hiện dự án này, cán bộ, đảng viên không chỉ tiên phong thực hiện chủ trương, mà còn chủ động tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân. Như đảng viên cao tuổi Lê Xuân Dần đã bằng lời nói có “trọng lượng” và phân tích chu đáo những mặt tích cực của dự án, lấy thực tiễn phát triển ở một số địa phương để thuyết phục cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo niềm tin và sự đồng thuận của gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng nhường đất thực hiện dự án.

Hay trong phong trào xây dựng nông thôn mới, có những cán bộ chủ chốt ở xóm, như đồng chí Lê Xuân Quế - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm 4, là người vừa khởi xướng chủ trương, vừa là người tiên phong hiến đất, lùi bờ rào, đóng góp tiền trước và cao hơn mọi người để mở rộng, làm bê tông gắn với trồng cây xanh, thảm hoa đường giao thông, làm hệ thống truyền thanh xóm; bỏ tiền cá nhân mua cờ tặng cho các hộ dân, đảm bảo 100% tuyến đường, hộ dân treo cờ vào dịp lễ…

Cùng với việc thực hiện quy định nêu gương và tự nêu gương, ở xã Thanh Phong, cấp ủy, chính quyền còn tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo gắn trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến xóm; gắn kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy và phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tổ chức biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực và phê bình những cá nhân chưa tích cực, thậm chí trì trệ thông qua các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền, các cuộc sinh hoạt chi bộ, qua loa truyền thanh, Zalo, Facebook…

bna_-canh-quan-moi-truong-nong-thon-moi-o-xa-quang-thanh-huyen-yen-thanh-duoc-dau-tu-khang-trang.-anh-mai-hoa.jpg
Cảnh quan môi trường nông thôn mới ở xã Quang Thành (Yên Thành) được đầu tư khang trang. Ảnh: Mai Hoa

Ở huyện Yên Thành, xã Quang Thành cũng được huyện đánh giá có nhiều bước chuyển về phong trào thi đua thời gian qua và đang hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao để về đích trong năm 2024.

Đồng chí Thái Thị Thanh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quang Thành cho rằng, cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt nếu không sâu, không bám sát công việc và cơ sở để chỉ đạo, không tiên phong gương mẫu trong lời nói và hành động thì sẽ không thể tạo phong trào và công việc sẽ không trôi chảy được. Như hiện nay, để hoàn thiện tiêu chí về thiết chế văn hóa ở các xóm, trên cơ sở nghị quyết của cấp ủy, từng đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành và từng công chức được phân công phụ trách chuyên môn, địa bàn đã về từng xóm để họp chi ủy, chi bộ, họp xóm, họp từng cụm liên gia để bàn bạc giải pháp thực hiện và huy động xã hội hóa. Cán bộ xã, xóm cũng là người tiên phong đóng góp trước và cao hơn mức đóng của người dân để lan tỏa.

Hiện tại, ở xã Quang Thành, ngoại trừ 1 xóm đang chờ di chuyển đến địa điểm mới để xây dựng, 7/8 xóm đều đã chỉnh trang, hoàn thiện đầy đủ các thiết chế văn hóa. Trong xây dựng đường giao thông, cán bộ, đảng viên cũng là người tiên phong hiến đất, phá dỡ công trình và đóng góp tiền, ngày công. Trong xây dựng nhà ở, có hộ, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội phải họp đến 9 cuộc, bởi bản thân hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở không dám làm nhà vì “trong tay” không có đồng nào. Song chính từ quyết tâm và đóng góp bằng vật chất, bằng ngày công phá dỡ nhà cũ, san nền, đào móng làm nhà mới của cán bộ, đảng viên đã lan tỏa sự đóng góp trong nhân dân bằng tiền, bằng gạch xây, bằng ngày công với tổng 9/12 ngôi nhà đã được xây trao cho người nghèo của giai đoạn 2023 - 2025.

bna_-can-bo-ban-to-chuc-huyen-uy-yen-thanh-trao-doi-voi-cap-uy-xa-quang-thanh-va-xom-quang-long-ve-ket-nap-dang-vien.-anh-mai-hoa.jpg
Cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành trao đổi với cấp ủy xã Quang Thành và xóm Quang Long về phát huy vai trò nêu gương, lan tỏa của cán bộ, đảng viên trong huy động nguồn lực đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất nông thôn. Ảnh: Mai Hoa

Thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên thời kỳ mới

1 trong 5 phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng chính là thông qua vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan liêu, cửa quyền, đùn đẩy, né tránh những việc khó, phức tạp, việc dân…

Thời gian qua, Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về nêu gương, về chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính...

Từ triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định này, trong đó có Quy định số 2993, ngày 8/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh, đã tạo ra bước chuyển về vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

bna-_dong-chi-nguyen-van-thong-pho-bi-thu-thuong-truc-tinh-uy-cung-lanh-dao-huyen-nghia-dan-truong-tieu-hoc-nghia-hong.-anh-mai-hoa(1).jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn trao đổi với cán bộ quản lý Trường Tiểu học Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn). Ảnh: Mai Hoa

Dư luận ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện nêu gương đã tạo ra sự thay đổi lớn về đạo đức, lối sống; ý thức, trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, lăn lộn hơn đối với công việc; xây dựng phong cách công tác “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” trong cán bộ, công chức, đảng viên. Minh chứng rõ cho điều này, chính là kết quả kinh tế - xã hội ở từng địa phương và chung của tỉnh đều có bước phát triển rõ.

Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã trăn trở, quyết liệt hơn trong việc tìm các giải pháp, “điểm nghẽn” để giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi cộm, kéo dài và đơn thư, phản ánh của người dân bằng tinh thần giải quyết thay giải trình, nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khắc phục các hạn chế về quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn lao động, giải quyết các chế độ, chính sách; thủ tục hành chính tiếp tục được cải cách tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp…

bna_can-bo-cong-chuc-ubnd-thi-xa-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-cho-nguoi-dan-tren-dich-vu-cong-truc-tuyen.-anh-mai-hoa.jpg
Cán bộ, công chức UBND thị xã Thái Hòa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh tạo nhiều chuyển biến tích cực, thì vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt chưa thể hiện tốt vai trò nêu gương, nói chưa đi đôi với làm, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cá biệt có trường hợp vi phạm pháp luật, bị truy tố hình sự, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Cùng với đó là biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, vô cảm trước bức xúc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong một số cán bộ, công chức, đảng viên.

Để tiếp tục khắc phục tình trạng nói trên, các cấp ủy trong tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt hơn để triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII), Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện Kết luận số 01, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với Quy định số 144 của Bộ Chính trị, ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Trong đó, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm… Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng, nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm…