Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Hoạt động giám sát chuyên đề việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Nghệ An, được HĐND tỉnh triển khai từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2024. Thông qua giám sát trực tiếp tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị và một số sở, ngành cấp tỉnh liên quan cùng UBND tỉnh, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã có báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp.

Báo cáo được Phó trưởng Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Cao Tiến Trung nhấn mạnh: Ngay sau khi Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND được ban hành UBND tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, kịp thời ban hành các văn bản triển khai, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện; các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành kế hoạch, chủ động, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND, cụ thể hóa bằng kế hoạch của ngành và nghị quyết của HĐND cấp huyện 5 năm và hằng năm để triển khai thực hiện các chỉ tiêu một cách toàn diện, có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Đồng chí Cao Tiến Trung - Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Qua giám sát cho thấy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND kết quả thực hiện mục tiêu tổng quát của cả giai đoạn 2021 - 2025: “Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên; chủ động đổi mới sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc.”, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả; điều hành kinh tế - xã hội linh hoạt và tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; văn hóa - xã hội đạt kết quả tích cực; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, dự báo mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc Trung Bộ vẫn chưa thực hiện được, còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực, phấn đấu cao trong thời gian tới.

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu cụ thể Phó trưởng Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Cao Tiến Trung nêu rõ: Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND đã đề ra 4 nhóm chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường và an ninh - quốc phòng với 39 chỉ tiêu cụ thể. Theo báo cáo của UBND tỉnh, kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong giai đoạn 2021 - 2023 và dự kiến triển vọng phát triển trong 02 năm 2024 - 2025, dự báo có 35 chỉ tiêu đạt và có khả năng vượt mục tiêu Nghị quyết, dự báo có 4 chỉ tiêu khó đạt được mục tiêu đề ra, gồm 3/7 chỉ tiêu về kinh tế và 1/9 chỉ tiêu về môi trường, cụ thể: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm; (2) GRDP bình quân đầu người năm 2025; (3) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; (4) Tỷ lệ chất thải thu gom được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó trưởng Đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng nêu các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội như: (1) Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc dự kiến khó đạt mục tiêu đề ra; (2) Hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại các địa phương chưa thống nhất, đồng bộ; có địa phương không ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo đúng quy định. (3) Việc triển khai thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. (4) Về các chỉ tiêu lĩnh vực kinh tế: Dự kiến có 3/7 chỉ tiêu về kinh tế không đạt kế hoạch đề ra. Việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp còn chậm; tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, manh mún; tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2023 còn đạt thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một số lĩnh vực công nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững. Huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư hiệu quả chưa cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hạ tầng và dịch vụ logistic phát triển chậm; hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ; (5) Các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội: việc thực hiện các chỉ tiêu văn hóa - xã hội tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, kể cả các chỉ tiêu dự kiến đến 2025 vượt kế hoạch đề ra: Một số huyện tỷ lệ thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn còn thấp; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa thực sự là động lực bứt phá, là nguồn lực cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội; Nguồn nhân lực y tế thiếu về số lượng, cơ cấu ứng tuyển; kết quả thực hiện các chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo chưa thực sự vững chắc; việc mở rộng phát triển người tham gia BHXH nói  chung, nhất là phát triển người tham gia BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn…; (6) Các chỉ tiêu: Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu còn có sự chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền; nhiều tiêu chí, kết quả thực hiện vẫn còn kém bền vững (như tiêu chí về môi trường); (7) Về quản lý tài nguyên, môi trường: Chỉ tiêu “Tỷ lệ chất thải thu gom được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường” không đạt chỉ tiêu đề ra, một số vấn đề về môi trường chưa giải quyết dứt điểm; tỷ lệ người dân được sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn thấp; công tác quản lý đất đai còn một số bất cập, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ;… ; (8) Về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội: Tình hình tranh chấp, khiếu kiện trong Nhân dân và tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn tiềm ẩn phức tạp; (9) Về cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chồng chéo; kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cải thiện chưa rõ nét, thiếu bền vững.;…

Quang cảnh Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Thành Cường

Phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra của giai đoạn 2021 - 2025

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND đạt kết quả cao nhất, Phó trưởng Đoàn giám sát Cao Tiến Trung cũng nêu 7 nhóm kiến nghị đối với UBND tỉnh nhằm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Có các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu để tổ chức thực hiện có hiệu quả, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra, nhất là những chỉ tiêu dự kiến khó đạt.

Thứ hai, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm: Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025…

Thứ ba, rà soát, cập nhật các quy định mới của Trung ương để hướng dẫn, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời trên địa bàn toàn tỉnh. Rà soát những văn bản của Trung ương, của tỉnh đang còn vướng mắc trong quá trình thực hiện để có đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Thứ tư, chuẩn bị tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030 sát với thực tế và định hướng phát triển của tỉnh.

Thứ năm, chỉ đạo rà soát tổng thể việc triển khai thực hiện và hiệu quả của các nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành; tham mưu xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách mới theo hướng tập trung nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, có khả năng kích cầu đầu tư, tạo động lực góp phần phát triển hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Thứ sáu, chỉ đạo các sở, ngành chú trọng công tác phối hợp, trao đổi, hướng dẫn cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan, đơn vị.

Thứ bảy, đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết 61 đề xuất, kiến nghị của 8 sở, ban, ngành và 9 huyện, thành phố, thị xã gửi đến Đoàn giám sát HĐND tỉnh.