Sáng 10/7, Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành thảo luận tại Tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ 2 có các đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở các đơn vị Nam Đàn, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu.

Dự phiên thảo luận Tổ 2 có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Đức Cường - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Hồ Lê Ngọc - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy. Cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan. Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu điều hành phiên thảo luận.

dsc_5406.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 2. Ảnh: Thanh Lê

Đề cập vấn đề nước sạch, rác thải ở nông thôn

Vấn đề xây dựng các nhà máy nước sạch, phân loại xử lý rác thải bảo vệ môi trường nông thôn là vấn đề "nóng" được các đại biểu Tổ 2 tập trung thảo luận.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (đại biểu đơn vị Quỳnh Lưu) cho rằng: Đầu tư để giải quyết vấn đề xử lý rác thải và cung cấp nguồn nước sạch cho vùng nông thôn là nội dung cử tri rất băn khoăn và mong muốn tỉnh cần có giải pháp đồng bộ trong việc xử lý cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn.

00.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Lê

"Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu về việc phân cấp phân quyền xây dựng các nhà máy xử lý rác thải cho địa phương. Bởi trên thực tế các huyện rất khó để tập trung xây dựng các nhà máy và thu hút các nhà máy nước sạch, cũng như xử lý rác thải. Đây là nhiệm vụ rất lớn trong xây dựng nông thôn mới vì vậy tỉnh cần nghiên cứu có giải pháp cụ thể vấn đề này", đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hoa kiến nghị.

Cùng băn khoăn về vấn đề thiếu nhà máy nước sạch tại các địa bàn nông thôn, đồng chí Tăng Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, hiện trên địa bàn huyện Diễn Châu đã quy hoạch đất để đầu tư dự án nhà máy nước sạch tại xã Diễn Trường nhằm phục vụ nước sạch sinh hoạt cho người dân 8 xã vùng Bắc huyện Diễn Châu. Huyện cũng đã cho ý kiến và khảo sát nhu cầu, địa điểm xây dựng nhà máy nước.

l.jpg
Đồng chí Tăng Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu đề nghị cần giải pháp đảm bảo đưa nước sạch về cho người dân ở các vùng nông thôn. Ảnh: Thanh Lê

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án này đang vướng mắc. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh và các ngành sớm nghiên cứu giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đảm bảo đưa nước sạch về cho người dân ở các vùng nông thôn, trong đó có huyện Diễn Châu.

c.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thanh Lê

Liên quan đến nội dung này, đồng chí Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, theo quy định mới từ ngày 1/1/2025 Nhà nước có quy định bắt buộc phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phân loại rác thải môi trường, hạ tầng xử lý còn nhiều bất cập, cần có giải pháp trong phân loại xử lý rác thải.

bo.jpg
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Hoàng Văn Bộ đề xuất cần có giải pháp rõ hơn trong việc phân loại rác thải. Ảnh: Thanh Lê

"Cần có giải pháp rõ hơn trong việc phân loại rác thải bởi quy định pháp lý có yêu cầu bắt buộc, trong khi hạ tầng xử lý còn nhiều bất cập, ý thức của người dân chưa cao, giá thu gom rác thải rất thấp nên chưa thể cân đối để vận hành các nhà máy rác thải. Vì vậy, đề nghị tỉnh cần quan tâm, có giải pháp rõ hơn trong quy định phân loại, xử lý, thu gom rác thải"- Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu đề xuất.

12(1).jpg
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành địa phương tham dự phiên thảo luận Tổ 2. Ảnh: Thanh Lê

Tìm giải pháp thu hút lao động cho các doanh nghiệp

Đại biểu Hà Xuân Quang - Bí thư Huyện ủy Diễn Châu bày tỏ trăn trở: Thị trường lao động, tình trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp là vấn đề dư luận rất quan tâm.

Theo đại biểu Hà Xuân Quang, thực trạng chung của tỉnh nói chung, huyện Diễn Châu nói riêng hiện nay số lao động ở địa phương đi làm việc ở ngoài tỉnh rất nhiều. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, tập đoàn ở Nghệ An hiện tại và dự báo trong tương lai rất lớn.

6(1).jpg
Đại biểu Hà Xuân Quang - Bí thư Huyện ủy Diễn Châu phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Lê

Dự báo thời gian tới khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Khu kinh tế Đông Nam sắp tới nếu như giải phóng mặt bằng bàn giao dự án VSIP 2 với diện tích khoảng 500ha thì thu hút được nhiều lao động ở đây.

Theo đại biểu Hà Xuân Quang, thực tế có xung đột thị trường lao động, đặc biệt là sau khi có đại dịch Covid -19, nhất là tại các nhà máy may trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Diễn Châu.

"Vấn đề đặt ra chúng ta có giải pháp gì để nâng cao công tác đào tạo tay nghề cho lao động, bởi vì hiện nay các công ty, doanh nghiệp thu hút lao động đòi hỏi tay nghề cao. Đây là vấn đề các ngành địa phương, các sở, ban, ngành và UBND tỉnh cần có giải pháp"- đại biểu đề xuất.

a.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai đề xuất về bố trí cán bộ công chức cấp xã, phường. Ảnh: Thanh Lê

Làm rõ nội dung đại biểu đề xuất, đồng chí Vy Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương và Xã hội cho biết: Hiện nay có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào Nghệ An, nhu cầu lao động lớn. 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có 45.000 người, trong đó doanh nghiệp trong tỉnh cần tuyển dụng 36.000 cần tuyển dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới tuyển dụng khoảng 50% số nhu cầu lao động.

3(2).jpg
Đồng chí Vy Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương và Xã hội làm rõ những nội dung các đại biểu quan tâm về thu hút lao động cho các doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Lê

"Nguồn lao động có, nhưng tuyển dụng không được bởi lao động có xu hướng tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. Hiện nhiều thị trường mở ra, thu nhập cao hơn so với trong tỉnh. Nơi nào có thu nhập cao, môi trường tốt có các chế độ phúc lợi và làm việc an toàn thì lao động sẽ tìm đến" - đồng chí Vy Ngọc Quỳnh Quỳnh lý giải.

9(1).jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Lê

Trao đổi về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động, đồng chí Vy Ngọc Quỳnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 54 cơ sở đào tạo nghề, mỗi năm đào tạo 65.000 nghìn lao động. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Trung ương có cơ chế, chính sách, Tỉnh ủy Nghệ An có Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, HĐND tỉnh có Nghị quyết 32.

1(4).jpg
Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Lê

Liên quan đến khó khăn về tuyển dụng trong khi nguồn lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, tháng 7/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã có cuộc họp tháo gỡ khó khăn nguồn lao động cho các doanh nghiệp.

dai-bieu-tham-du.jpg
Các đại biểu tham gia thảo luận tổ. Ảnh: Thanh Lê

"Ngành Lao động và các ngành liên quan đã kiến nghị nhiều lần, doanh nghiệp phải quan tâm hơn nữa mức thu nhập lương cơ sở, phúc lợi xã hội cho người lao động. Ngành Lao động sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp có giải pháp thu hút lao động nhất là có giải pháp để thu hút 7000 lao động Nghệ An đang ở các tỉnh, thành trong cả nước về làm việc tại địa phương" - đồng chí Vy Ngọc Quỳnh cho biết thêm.

Ngoài ra, ý kiến các đại biểu thảo luận các vấn đề liên quan về chậm giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia , chính sách làng nghề, chậm, cung cấp xi măng xây dựng nông thôn mới,...