ong_quy1_20240711110634.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn sáng 11/7.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa, điều hành kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

o_quy_4_20240711110634.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý điều hành phiên chất vấn lĩnh vực Nội vụ.

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đã báo cáo tổng quan về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 và sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An lên phương án sắp xếp 92 đơn vị hành chính cấp xã thành lập 43 đơn vị mới, 1 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số; qua đó dự kiến dôi dư hơn 1000 người.

ong_hung_3_20240711110634.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng báo cáo tổng quan về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Chế độ, chính sách cho CBCCVC, người làm việc dôi dư

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đức Hồng (Yên Thành) đặt câu hỏi: Từ những kinh nghiệm sắp xếp đơn vị hành chính trước đây, đề nghị Giám đốc Sở cho biết việc tham mưu văn bản cấp cơ sở trong việc sắp xếp, bố trí đào tạo cán bộ viên chức công chức, cơ quan ban ngành trong thời gian qua và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới?

hong_yen_thanh_20240711110634.jpg
Đại biểu Nguyễn Đức Hồng (Yên Thành) nêu ý kiến.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đức Hồng, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết đây là lần thứ 2 tỉnh ta sắp xếp, thực hiện 2 chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; Đưa công an chính quy về xã; thực hiện Nghị định 34 thay thế Nghị định 92, giảm thêm mỗi xã 2 CBCC, tổng số toàn tỉnh giảm gần 1700 CBCC. Hiện, chỉ còn 28 trường hợp dôi dư tại Hưng Nguyên và Nam Đàn, sẽ được giải quyết dứt điểm vào cuối năm nay. Đây là 1 kinh nghiệm để ngành Nội vụ thực hiện giải quyết cán bộ dôi dư trong giai đoạn này.

Trong thực hiện đề án sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, ngay từ đầu, Sở Nội vụ với tư cách là cơ quan Thường trực đã có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể các đơn vị. Khi xây dựng dự án đã lồng ghép việc này, Sở đã có tham mưu để Tỉnh ủy có Công văn 2646, UBND tỉnh có Kế hoạch 588, chỉ đạo khi sắp xếp tổ chức bộ máy CCVC sau sắp xếp đưa vào chỗ này. Trên tinh thần đó, Sở Nội vụ đã bàn bạc, thống nhất với các đơn vị để tổ chức thực hiện, chỉ đạo qua tập huấn các đơn vị hành chính.

ong_hung_20240711110634.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng giải trình ý kiến đại biểu nêu.

Tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp cán bộ CCVC, cán bộ không chuyên trách dôi dư vào đề án và lấy ý kiến rộng rãi. Về đề án của tỉnh, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội đồng liên bộ để thẩm định. Trong đó có thành phần của Ban Tổ chức TW, Văn phòng Chính phủ. Các đơn vị này đánh giá rất cao phương án sắp xếp cán bộ dôi dư của tỉnh Nghệ An. Việc tính toán dựa trên căn cứ khoa học.

Theo Kế hoạch 117 của Chính phủ, Kế hoạch 588 của UBND tỉnh, sau khi có Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu chi tiết quy trình thủ tục tiếp nhận thuyên chuyển cán bộ công chức, tiếp tục đào tạo. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ lần sát nhập trước để thực hiện bố trí cán bộ công chức dôi dư cấp xã. Trước, trong và sau sát nhập, đều có sự phối hợp giữa các bộ ngành TƯ, từ tỉnh đến xã có sự nhịp nhàng, các ngành cấp tỉnh thường xuyên trao đổi khi sắp xếp cán bộ, công tác phối hợp giữa các Sở ngành thường xuyên cung cấp thông tin về lộ trình, số lượng, thời gian.

them_20240711111323.jpg
Đại biểu Chu Đức Thái (Diễn Châu) nêu câu hỏi chất vấn.

Liên quan nội dung này, đại biểu Chu Đức Thái, Tổ đại biểu huyện Diễn Châu nêu: Qua thực tế còn bất cập trong bố trí người làm việc trong đơn vị sự nghiệp, nhất là đơn vị thuộc cấp huyện như: TTDV nông nghiệp, TTGDTX, Giáo dục dạy nghề theo NĐ120. Ngành đã có giải pháp gì để tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề này? Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết: hiện toàn tỉnh có 51/1661 đơn vị sự nghiệp có dưới 15 biên chế viên chức. Trong đó có 10 đơn vị đã hoàn thành thủ tục công nhận đơn vị cung cấp dịch vụ cơ bản thiết yếu; 10 đơn vị có phương án tổ chức lại của cơ quan có thẩm quyền; 31 đơn vị tiến hành tổ chức lại theo quy định.

db1_20240711111333.jpg
Các đại biểu tham dự.

Trong việc tổ chức lại 10 Trung tâm GDTX không đủ con người để đảm bảo thực hiện theo NĐ120. Sở đã xin ý kiến Bộ Nội vụ xin chưa tổ chức lại ở các đơn vị này nhưng Bộ yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của NĐ120; Trung tâm không thể sát nhập với đơn vị tương đồng; Không thể thực hiện nhập liên ngành nhưng gặp vướng mắc trong Mục 3 Nghị quyết 19 của Ban chấp hành TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp do thiếu biên chế, trong khi tỉnh đang thực hiện tinh giản.

Sở Nội vụ đang tham mưu theo hướng phối hợp với các đơn vị thực hiện chỉ đạo các đơn vị này tăng nguồn thu để đảm bảo chi trả lương cho viên chức hưởng lương từ nguồn thu để có thể tuyển dụng thêm viên chức đảm bảo số lượng; Tìm kiếm yếu tố đặc thù để đề nghị công nhận đơn vị cung cấp dịch vụ cơ bản thiết yếu để không đòi hỏi về số lượng CCVC theo quy định.

khanh_linh_tpv_20240711110634.jpg
Đại biểu Trần Thị Khánh Linh (TP Vinh) chất vấn.

Liên quan đến việc giải quyết cán bộ dôi dư sau sáp nhập phường, xã đối với chức danh Chủ tịch hội CCB, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, đặc biệt quan tâm tới cán bộ Đoàn quá tuổi như đại biểu Trần Thị Khánh Linh (TP Vinh) đã nêu, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết thêm việc bố trí đối tượng Chủ tịch hội CCB, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ sẽ tập trung chuyển sang công chức và các vị trí lãnh đạo. Nếu không giải quyết được, có thể vận động đối tượng nghỉ trước tuổi hoặc chuyển vị trí, việc khác nếu đủ yêu cầu.

Chính sách đối với CBCC và nhân dân vùng đặc thù sau sáp nhập

Trả lời câu hỏi đại biểu Lữ Thị Khuyên, Tổ đại biểu huyện Con Cuông: Chính sách đối với CBCC và nhân dân ở xã có chính sách đặc thù nhưng khi sát nhập vào các xã không có chính sách đặc thù sẽ như thế nào? Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết: Nội dung này được quy định rõ trong Nghị quyết 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trung ương cũng rút kinh nghiệm giai đoạn trước, các Bộ, ngành đã triển khai các loạt văn bản giấy tờ để định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để sắp xếp.

lu_khuyen_con_cuong_20240711110634.jpg
Đại biểu Lữ Thị Khuyên, Tổ đại biểu huyện Con Cuông nêu ý kiến.

Cụ thể quy định rõ trong Điều 14 - Việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp. Theo đó, khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện mà không làm thay đổi tên gọi, địa giới của đơn vị hành chính cấp xã thì tại các đơn vị hành chính cấp xã vẫn được áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù như trước khi thực hiện sắp xếp. Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã mà không làm thay đổi phạm vi của thôn, tổ dân phố thì tại thôn, tổ dân phố vẫn được áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù như trước khi thực hiện sắp xếp.

Khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà làm thay đổi tên gọi, địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, phạm vi thôn, tổ dân phố thì việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù được thực hiện như sau: Người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

db_20240711110634.jpg
Các đại biểu tham dự.

Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã được thay đổi tên gọi, điều chỉnh nguyên trạng vào 1 đơn vị hành chính cấp huyện thì cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại đơn vị hành chính đó tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã này với đơn vị hành chính cùng cấp khác thì cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được áp dụng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng với mức cao nhất của một trong các đơn vị hành chính cùng cấp được nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính mới cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền;

db4_20240711112457.jpg
Các đại biểu tham dự.

Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện được nhập vào đơn vị hành chính cấp huyện khác thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được áp dụng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng với mức cao nhất của một trong các đơn vị hành chính cùng cấp được nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính mới cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

Người đứng đầu Sở Nội vụ thông tin thêm: Thời gian hưởng các chế độ, chính sách đặc thù quy định tại khoản 2 Điều này kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định mới. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành rà soát, công nhận theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định, công nhận việc hưởng các chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

ong_hung_2_20240711110634.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng trả lời ý kiến đại biểu chất vấn.

Trường hợp nhập toàn bộ đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, điều chỉnh toàn bộ phạm vi thôn, tổ dân phố vào đơn vị hành chính cấp xã khác thì ngân sách phân bổ cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được tính trên cơ sở cộng gộp định suất của các đơn vị hành chính, của thôn, tổ dân phố trước khi thực hiện sắp xếp.

Trường hợp điều chỉnh một phần đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác thì căn cứ nguồn vốn đã phân bổ, tỷ lệ dân số hoặc tỷ lệ diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính phải điều chỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh phân bổ ngân sách cho các đơn vị hành chính cấp huyện sau sắp xếp; Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh phân bổ ngân sách cho các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp; tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện theo nghị quyết của Quốc hội thì Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định điều chỉnh phân bổ ngân sách cho đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc sau sắp xếp.

Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố có thay đổi tên gọi sau khi thực hiện sắp xếp thì sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố để tiếp tục tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù.

tinh_qp_20240711110635.jpg
Đại biểu Moong Văn Tình, Tổ đại biểu huyện Quế Phong nêu chất vấn.

Xung quanh câu hỏi của đại biểu Moong Văn Tình, Tổ đại biểu huyện Quế Phong: Hiện cấp xã có tình trạng một công chức kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ của các Sở ngành cấp tỉnh. Cụ thể như công chức văn hoá cấp xã phải thực hiện các lĩnh vực như văn hoá, TDTT, du lịch, TTTT, Y tế, TBXH,… Làm thế nào để mọi hoạt động được vận hành thông suốt, hiệu quả, chất lượng công việc đảm bảo. Việc lãnh đạo chỉ đạo trong giải quyết việc này như thế nào?

Làm rõ thêm vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay số lượng và nhiệm vụ CBCC cấp xã được quy định cụ thể tại Nghị định 33 của Chính phủ. Tỉnh cũng vừa ban hành Nghị quyết 29 thực hiện Nghị định 33. Theo Nghị định của HĐND tỉnh giao biên chế CBCC cấp xã cho từng đơn vị hành chính cấp huyện nêu cấp huyện giao.

Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính

Trả lời ý kiến của đại biểu Trần Phan Long (Cửa Lò) hỏi: Để sắp xếp các đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị cần thực hiện nhiều nhiệm vụ như: quy hoạch, xây dựng chương trình phát triển đô thị, đánh giá phân loại lại đô thị… Thực hiện những nhiệm vụ này theo quy trình mất nhiều thời gian, thủ tục, trình tự phức tạp. Đề nghị cho biết giải pháp để giải quyết những khó khăn này nhằm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo đúng tiến độ đề ra?

phan_long_clo_20240711111743.jpg
Đại biểu Trần Phan Long (Cửa Lò) nêu ý kiến.

Về nội dung này, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Việc quy định khi mở rộng địa giới hành chính đô thị phải làm nhiều việc, trong đó tối thiểu nhất là công tác quy hoạch. Đối với TP Vinh, việc mở rộng căn cứ theo Quyết định 52 của Chính phủ, còn cấp xã cơ bản đưa vào quy hoạch chung của Tỉnh. Đây chính là căn cứ để chúng ta vận dụng. Việc xây dựng chương trình phát triển đô thị, trước đây không phải thông qua HĐND tỉnh. Nhưng khi có Nghị định 35 của Chính phủ, việc thực hiện phải thông qua HĐND nên quy trình bị ngắt quãng khoảng 2 tháng về sắp xếp mở rộng đô thị Vinh. Về xây dựng đề án công nhận xếp loại đô thi, tỉnh đã xây dựng Đề án và nộp cho Bộ Xây dựng. Đến nay đã có Quyết định 52 của TTCP công nhận đô thị Vinh đạt đô thị loại I.

Về xây dựng chương trình phát triển đô thị, HĐND cấp huyện đã đồng thời triển khai. HĐND tỉnh công nhận sau khi sát nhập một số xã vào thị trấn của một số huyện đều được UBND tỉnh công nhận là Đô thị loại V, đủ điều kiện trình các cấp có thẩm quyền sắp xếp các đơn vị hành chính này với nhau.

Về giải pháp sắp tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, cần triển khai sớm và đồng bộ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào sự phối hợp các cấp, ngành. Vì vậy, thường xuyên tranh thủ ý kiến của các Bộ ngành TW; Bám nắm công việc; giải quyết khó khăn vướng mắc; Đồng thời phát huy, vai trò của người đứng đầu.

pgd_so_xd_20240711110634.jpg
Ông Vũ Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng giải trình thêm nội dung đại biểu chất vấn.

Làm rõ hơn ý kiến của đại biểu Trần Phan Long (Cửa Lò) về sắp xếp các đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị, ông Vũ Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: tỉnh hiện có 6 đơn vị thuộc diện phải sát nhập. Quy trình của việc sắp xếp này khác hơn so với quy trình thực hiện sát nhập một số đơn vị hành chính cấp huyện và một số xã ở Nghi Lộc vào TP Vinh. Theo NQ35, khoản 2 điều 4 nêu rõ thực hiện công nhận trước, sau đó thực hiện quy trình lập quy hoạch và lập chương trình phát triển đô thị rồi đánh giá công nhận lại. Thẩm quyền đánh giá công nhận lại thuộc UBND tỉnh.

“Sau khi có phương án, quyết định công nhận 6 đô thị này, ngành Xây dựng sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương liên quan thực hiện. Về quy trình thực hiện, các địa phương phải bố trí đủ nguồn lực để thực hiện xong và tiến độ trong chương trình sắp xếp đơn vị hành chính” – ông Vũ Tuấn Dũng cho biết thêm.

huong_hung_nguyen_20240711110634.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hương (Hưng Nguyên) nêu câu hỏi.

Về vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Hương (Hưng Nguyên) nêu: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sát nhập thôn, xóm, bản, khối sẽ phát sinh những thay đổi về các loại giấy tờ của tổ chức, cá nhân. Việc giải quyết vấn đề này trong thực tế còn rườm rà, phức tạp. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ cho biết các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thay đổi giấy tờ thuận tiện hơn.

Giải thích ý kiến này, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho hay: theo khoản 1, Điều 21, Nghị quyết 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, các loại giấy tờ đã được cơ quan cấp có thẩm quyền cấp cho công dân, trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, nếu chưa hết hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng; Khi thực hiện chuyển đổi được tạo điều kiện thuận lợi; Không thu phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi các giấy tờ.

Trong Kế hoạch 58 của UBND tỉnh và Thông báo số 01 của Ban chỉ đạo đã nêu vấn đề này, có phân công cụ thể, khi có quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện việc chuyển đổi này.

Và khi có Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Sở sẽ tham mưu ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết để tham mưu phân công nhiệm vụ. Phía Sở cũng đã chuẩn bị dự thảo khi có chủ trương của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình cấp có thẩm quyền ký, ban hành để các cơ quan đơn vị căn cứ tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhất tránh rườm rà, phiền hà.

phuong_thao_nghia_dan_20240711110634.jpg
Đại biểu Hà Thị Phương Thảo (Nghĩa Đàn) nêu ý kiến.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Hà Thị Phương Thảo (Nghĩa Đàn) đặt câu hỏi: Việc thực hiện NQ35 của UBTVQH và NQ117 của CP thực hiện sắp xếp, sát nhập đơn vị hành chính của huyện và xã giai đoạn 2023 - 2025 và NQ của HĐND tỉnh đã có những sự đổi mới. Tuy nhiên diện tích Nghệ An lớn, dân cư phân bố không đồng đều, gây khó khăn, bất cập. Đề nghị nêu rõ những khó khăn bất cập và hướng giải quyết.

“Hiện mỗi trung tâm văn hoá truyền thông có 4-5 người chủ yếu, PTV PV, KTV có thâm niên công tác nhưng chưa được thăng hạng chức danh nghề nghiệp để hưởng lương đúng với bằng cấp. Hướng giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ này?” – đại biểu Hà Thị Phương Thảo chất vấn thêm.

Về vấn đề này, người đứng đầu Sở Nội vụ đã trao đổi làm rõ thêm: Khó khăn là số lượng lớn; cán bộ VCCC cơ bản trẻ, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn; chuyển đổi nghề nghiệp khó vì địa bàn vùng nông thôn chưa có đơn vị, doanh nghiệp phù hợp với trình độ chuyên môn. Một yếu tố chính đáng khác là nhiều người đã cống hiến trong khoảng thời gian dài nên vẫn muốn ở lại lĩnh vực mà mình đã gắn bó. Liên quan việc thăng hạng, Nghị định85 đang chờ Bộ ngành Trung ương hướng dẫn. Bộ TT-TT sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn.

tran_thi_thanh_huyen_tc_20240711112042.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Huyền, Tổ đại biểu huyện Thanh Chương chất vấn.

Liên quan đến phương án sắp xếp trường, lớp học sau sắp xếp đơn vị hành chính gắn với xây dựng đầu tư mạng lưới trường, lớp học mà đại biểu Trần Thị Thanh Huyền, Tổ đại biểu huyện Thanh Chương đặt câu hỏi, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành đã trao đổi làm rõ thêm. Theo đó, Sở GD&ĐT thực hiện quy hoạch quốc gia và tỉnh, trên cơ sở phối hợp với Sở Nội vụ, các tiêu chí quy định về sát nhập xã của Quốc hội đã tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Sau khi sát nhập xã, ngành đã phối hợp các huyện, tùy vào quy mô điều kiện nhập trường Tiều học và THCS; Căn cứ Thông tư 13, 14, trường nào có quy mô từ 12 lớp trở lên thì chưa sát nhập để đảm bảo quyền lợi học tập cho các cháu.

ong_can_tpv_20240711110634.jpg
Đại biểu Nguyễn Duy Cần (TP Vinh) chất vấn.
si_nguyet_ql_20240711110634.jpg
Đại biểu Hồ Sĩ Nguyệt (Quỳnh Lưu) chất vấn.

 

luc_thi_lien_20240711112940.jpg
Đại biểu Lục Thị Liên (Con Cuông) chất vấn.

Sau phần trả lời của Giám đốc Sở Nội vụ và các ngành liên quan, một số đại biểu vẫn bày tỏ sự trăn trở và đăng kí tranh luận. Đó là các vấn đề về phương án giải quyết cán bộ dôi dư; Tình trạng một cán bộ xã kiêm quá nhiều phần việc, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác.

Chất vấn sôi nổi, trả lời trọng tâm

Thay mặt chủ tọa kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh, trong phần chất vấn này đã có 20 câu hỏi của các đại biểu. Cả câu hỏi chất vấn và trả lời của lãnh đạo các Sở cũng trách nhiệm, đúng trọng tâm. Không khí chất vấn sôi nổi, trách nhiệm. Về phía giám đốc Sở nắm chắc vấn đề, nội dung mình phụ trách, trả lời đầy đủ, chi tiết, nêu được giải pháp thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong thời gian tới. Các Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Giáo dục, Tài chính đã phối hợp trả lời, làm rõ nội dung mà đại biểu, cử tri quan tâm. Chủ tịch HĐND tỉnh cũng khẳng định đây là chủ trương lớn quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Bộ Chính trị đã có Kết luận 48 từ đầu năm 2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 35, Chính phủ có Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Ngay khi có kết luận Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã có chủ trương tạm dừng tuyển dụng đôi ngũ công chức cấp huyện, cấp xã để chủ sắp xếp đội ngũ sau tiến hành sắp xếp. Chủ trương này có thể làm cho một số địa bàn khó khăn nhưng về ý nghĩa chiến lược đảm bảo giải quyết vấn đề cán bộ CCVC người lao động dôi dư sau sát nhập. Đến thời điểm này, Nghệ An là một trong những tỉnh sớm xây dựng các bước thực hiện các quy trình đúng theo hướng dẫn, quy định, luật, tinh thần của Bộ Chính trị từ xây dựng phương án, đề án, thông qua các bước ở tỉnh và báo cáo ra Bộ. Hội đồng TW giao cho Bộ Nội vụ chủ trì đã thống nhất để chuẩn bị trình Chính phủ.

o_quy_3_20240711110634.jpg
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu kết luận phiên chất vấn lĩnh vực Nội vụ.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị thời gian tới, UBND tỉnh lãnh đạo chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền; Đeo bám để sớm trình được Thủ tướng, Chính phủ 2 đề án về Mở rộng địa giới hành chính TP Vinh và Sắp xếp địa giới hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để Chính phủ trình UBTVQH thông qua và ban hành nghị quyết, với tinh thần luôn sẵn sàng, kịp thời giải trình; Đồng thời căn cứ đề án đã trình sớm dự thảo trình UBND xem xét trình HĐND xem xét các chế độ chính sách đội ngũ CBVCCC người lao động dôi dư với tinh thần minh bạch, công khai, đảm bảo đúng quy định chính sách Trung ương; Sau khi có nghị quyết của UBTVQH, phân công rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, địa phương, người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện; Ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử để giản lược các bước đơn giản trong thực hiện các thủ tục hành chính, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

ong_quy1_20240711112705.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Sau chất vấn nội dung này, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương liên quan triển khai thực hiện tốt kết luận và các nội dung mà thủ tưởng các cơ quan đã nêu, cam kết; Giao thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu, đại biểu tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện nội dung này trong thời gian tới để việc sắp xếp địa giới hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và mở rộng địa giới hành chính TP Vinh được thực hiện đúng kế hoạch, chất lượng, được nhân dân đồng thuận ủng hộ. Và sau sát nhập nhanh chóng xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH đáp ứng nhu cầu phát triển và các mục tiêu đề ra.

Chiều nay (11/7), HĐND tỉnh sẽ tiến hành thảo luận, thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp. Phiên họp này tiếp tục được Đài PTTH Nghệ An tường thuật trực tiếp trên hai sóng PTTH, trang thông tin điện tử truyenhinhnghean.vn, App NTV go và các fanpage Truyền hình nghệ an, Nghệ An TV.