Nguồn vốn được giải ngân 100%

Có mặt tại căn nhà mới kiên cố được hỗ trợ từ Dự án 1 của ông Hà Chí Thành ở xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, chúng tôi thấy rõ niềm vui hiện diện trên khuôn mặt ông. “Trước đây, gia đình tôi ở trong căn nhà tạm. Đến năm 2022, được dự án 1 hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với số vốn tích góp và vay mượn thêm, hai vợ chồng đã xây dựng được căn nhà với phòng khách, 2 phòng ngủ, phòng bếp… Nhờ nhà nước hỗ trợ, tôi mới có căn nhà kiên cố để ở”, ông Thành xúc động chia sẻ.

cap-nhat-kien-thuc-cho-nguoi-co-uy-tin-trong-dong-bao-dtts.jpg
Cập nhật kiến thức cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: P.Tiến

Hay như với hoàn cảnh của chị Lê Thị Liên (dân tộc Thổ) ở xã Nghĩa Lạc, một mình nuôi 2 con đang tuổi ăn, học. Cũng từ nguồn ngân sách tại Dự án 1, chị Liên đã được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới. Nhờ đó, ngôi nhà “3 cứng” được khởi công xây dựng, gia đình chị Liên đã có nơi “an cư”… “Mẹ con chị Liên có nhà kiên cố để ở, có việc làm và thu nhập ổn định nên mới đây chị Liên đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo”, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nghĩa Đàn Trương Thị Vân Anh chia sẻ.

Theo báo cáo của UBND huyện Nghĩa Đàn, giai đoạn 2021- 2024, huyện Nghĩa Đàn được phân bổ hơn 63 tỷ đồng để thực hiện Chương trình 1719 (trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển hơn 33 tỷ, nguồn vốn sự nghiệp hơn 30 tỷ đồng). Theo đó, với hơn 30 tỷ đồng được phân bổ, nguồn vốn sự nghiệp đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến đời sống dân sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Cụ thể, tính đến ngày 20.11.2024, nguồn vốn hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 đã được huyện Nghĩa Đàn giải ngân 100%. Toàn huyện đã có 13/13 hộ thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở được vào “an cư” trong nhà kiên cố… Điều đáng mừng, trong số 13 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Nếu cuối năm 2021, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghĩa Đàn có tỷ lệ hộ nghèo cao (8,3%), thì đến cuối năm 2024 chỉ còn 2,46%.

Hỗ trợ sinh kế nâng cao thu nhập

Theo chia sẻ của lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Đàn, ngoài được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, nhiều hộ gia đình trên địa bàn còn được hỗ trợ con giống để tạo sinh kế… Đơn cử như gia đình ông Hà Chí Thành cũng đã được hỗ trợ 3 con dê giống. Nhờ chăm sóc tốt và phòng tránh bệnh đúng kỹ thuật nên dê giống sinh trưởng tốt và có hai con đang gần đến thời kỳ sinh sản lứa đầu.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, dê là loài vật nuôi sinh sản nhanh, đầu ra ổn định nên có hiệu quả kinh tế cao. Mỗi lần sinh, dê mẹ thường sinh 2 con. Từ 4 – 6 tháng sau khi sinh, dê con có trọng lượng từ 15-20kg, và có thể trở thành dê thương phẩm… Theo đó, nếu mỗi con dê mẹ sinh 2 con thì gia đình ông Hà Chí Thành sẽ có thêm 4 con dê con, nâng tổng đàn lên 7 con. Nếu chăm sóc tốt, đến tháng 6 năm sau, gia đình ông có thể thu về gần 10 triệu đồng.

Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế của Chương trình 1719, trên địa bàn xã Nghĩa Đức còn có 6 hộ gia đình khác cũng được hỗ trợ dê giống... Đến nay, tất cả dê giống được cấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nuôi đều phát triển tốt; đặc biệt, có 2/7 hộ nhận nuôi, dê đã sinh sản lứa đầu.

Cùng với hỗ trợ sinh kế, UBND huyện Nghĩa Đàn cũng đã tổ chức mở 68 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 2.036 học viên người dân tộc thiểu số... Ngoài ra, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động cũng đang được địa phương triển khai hiệu quả. Theo đó, nhiều lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghĩa Đàn cũng đã tham gia xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập cao... Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã tăng lên nhanh chóng, đạt 50,4 triệu đồng/người/năm.

Có thể khẳng định, sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình 1719 đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến mọi mặt trong đời sống vùng dân tộc thiểu số ở huyện Nghĩa Đàn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghĩa Đàn, từng bước được đồng bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho sự phát triển toàn diện. Hai chỉ số quan trọng (tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực sự đã được cải thiện nhiều so với trước.

Trong cơ cấu phân bổ nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1719 ở huyện Nghĩa Đàn, nguồn vốn để thực hiện nội dung của Dự án 4 "Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi" là nhiều nhất (hơn 24 tỷ đồng)... Qua gần 4 năm thực hiện, nguồn vốn đã đầu tư xây dựng 14 công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (7 đường giao thông; 6 nhà văn hóa; 1 công trình y tế). Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở huyện có đường ô tô đến trung tâm; 100% số trạm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng kiên cố, đạt chuẩn.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Nghĩa Đàn TRƯƠNG THỊ VÂN ANH

Diệp Anh