Tưới nước, bón phân bằng điện thoại thông minh
Chẳng ai nghĩ rằng, đồng đất cát trắng ven biển Diễn Hải (Diễn Châu) lâu nay trồng cây gì cũng kém năng suất, qua bàn tay, khối óc của người nông dân mạnh dạn đổi mới như ông Lê Diện lại thành những sào ruộng tiền tỷ. Dẫn chúng tôi đến thăm mô hình dưa lưới công nghệ cao của hội viên Lê Diện, ông Ngô Đình Tưu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu hãnh diện: “Quá nể phục lão nông này. Đấu thầu đất, không ngại bỏ cả tỷ đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới; đưa giống dưa lưới, cà chua cherry vào trồng. Các khâu như tưới nước, bón phân, kiểm tra độ PH, kiểm tra sâu bệnh… đều tự động hoá. 3 sào dưa, mỗi năm 4 vụ mà vẫn nhàn tênh”.
Năm 2020, ông Diện bắt tay vào xây dựng mô hình trồng trọt trong nhà lưới, ban đầu, ông trồng thử nghiệm rau, củ quả nhưng do khó về đầu ra, giá thành khó cạnh tranh với các sản phẩm rau trên thị trường. Do đó, đến năm 2021, ông chuyển sang trồng dưa lưới. Tìm hiểu các mô hình trong huyện, trong tỉnh và các mô hình dưa lưới đã thành công trên mạng xã hội, ông dốc vốn đầu tư hệ thống tưới tự động, bón phân tự động để giảm thời gian, nhân công lao động, tăng năng suất lao động. Theo đó, nước được bơm sẵn trong các bể, chỉ hẹn giờ qua điện thoại, trời nắng gắt thì tưới ngày 2-3 lần, trời mát thì 1-2 lần, cứ đến khung giờ thì máy tự khởi động, bơm tưới lần lượt từng luống, từng ô thửa, từng khu nhà lưới; phân bón cũng vậy, ông pha sẵn liều lượng theo các thùng và lập trình thứ tự cụ thể trong máy (theo độ phát triển của từng nhà lưới).
Ông Lê Diện cho biết: “Nhà 2 vợ chồng, nếu không đầu tư hệ thống tưới, bón phân tự động thì sẽ phải thuê nhân công. Mà thuê người thì vừa giá cao lại năng suất không bằng máy, do đó, đầu tư bằng máy sẽ giảm được chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, 6 vụ dưa vừa rồi, trừ mọi chi phí, tôi còn lãi ròng 300 triệu đồng. Đặc biệt, có những thời điểm, bận việc gia đình, đi vắng cả mấy ngày thì các vườn dưa vẫn được bơm tưới đều đặn thông qua việc điều khiển điện thoại có kết nối mạng”.
Không chỉ tự động hoá trong chăm sóc dưa mà “lão nông” này cũng rất “rành” nền tảng số như Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử… Hầu hết, dưa lưới của ông tiêu thụ qua kênh này, qua các hội nhóm dưa lưới toàn quốc. Nhờ đó, sản phẩm dưa lưới của ông ít khi ế ẩm, ít khi bị ép giá.
Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi gà trong chuồng lạnh
Nếu như các trang trại khác phải giảm đàn, giảm mật độ chuồng nuôi khi thời tiết cực đoan thì trang trại nuôi gà của ông Trần Xuân Sơn (Nghĩa Hưng, Nghĩa Đàn) vẫn duy trì ổn định số gà đẻ trứng với quy mô gần 12.000 con. Trang trại của ông Sơn được biết đến là một trong những trang trại đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn áp dụng phương pháp nuôi chuồng lạnh. Để xây dựng nuôi gà trại lạnh, ban đầu ông Sơn phải bỏ ra một nguồn vốn khá lớn, gần 3 tỷ đồng cho hai chuồng trại. Trại được xây dựng kiên cố, xây bằng bê tông, khung thép, hệ thống máy lạnh làm mát không khí, cùng máng nước tự động, khay để thức ăn, xung quanh trại là vườn cây xanh rợp bóng mát.
Ông Trần Xuân Sơn cho biết: “Trước đây, khi nuôi theo hình thức chuồng hở thì mình không chủ động được nhiệt độ nên trại lúc nóng, lúc lạnh, ẩm ướt... khiến gà rất dễ sinh bệnh, nguy cơ thất thu cao. Nuôi gà bằng chuồng lạnh chi phí đầu tư khá cao nhưng lại rất yên tâm. Toàn bộ quy trình từ nuôi đến cho ăn đều được khép kín, nhiệt độ trong chuồng luôn duy trì 30-31 độ C nên bất kỳ trong điều kiện thời tiết nào thì gà vẫn phát triển tốt, ít khi bị dịch bệnh, chất lượng trứng cũng tốt hơn. Trung bình mỗi ngày, trang trại của tôi cung ứng ra thị trường 8.000 – 10.000 quả trứng, doanh thu hàng năm đạt 7 tỷ đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi gà chuồng lạnh còn giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Trong tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, đầu vào và đầu ra bấp bênh như hiện nay, việc người dân chuyển sang chăn nuôi với quy mô lớn và áp dụng hình thức nuôi lạnh đang mở ra cơ hội cho người chăn nuôi phát triển kinh tế. Từ đó, giúp người chăn nuôi tránh khỏi những rủi ro bởi các nhân tố gây bệnh từ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hướng đến chăn nuôi hiệu quả bền vững.
Lãi lớn từ mô hình nuôi lươn theo hướng công nghệ cao
Sau khi nghiên cứu kỹ, tự mày mò và học hỏi, anh Ngô Sỹ Quân (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu) đã xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xây với mật độ cao, sử dụng thức ăn công nghiệp. Đầu năm 2021, anh Quân đầu tư xây dựng 22 bể vuông, mỗi bể có diện tích 6 m2, bên trong lát gạch để tạo độ trơn, giúp lươn không bị tổn thương, trầy xước khi di chuyển. Thay vì mua con giống tự nhiên, anh chọn mua 10.000 con giống lươn bán nhân tạo, với đủ các loại kích cỡ từ 500 – 2.000 con/kg về thả nuôi. Để lươn sinh trưởng, phát triển tốt khi làm trại nuôi, anh Quân chú trọng đảm bảo yếu tố thoáng mát vào mùa hè, che chắn tạo độ ấm vào mùa đông.
Do đặc thù lươn là loại khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể nuôi, vì vậy mỗi ngày anh đều đặn thay nước 2 lần theo đúng khung giờ buổi sáng và chiều. Nguồn nước được lấy từ kênh mương, qua hệ thống lọc có chứa than, cát, đá để lọc các thành phần tạp chất như phèn sắt, NH3, NH4 rồi dẫn vào bể chứa, sau đó, tự động theo khung giờ cài đặt sẵn và thay thế nước. Khác với cách nuôi truyền thống, sử dụng thức ăn tự nhiên, phương pháp nuôi của anh Quân sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Nhờ đó, giúp lươn khỏe mạnh, phát triển đồng đều, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong quá trình nuôi, anh Quân còn sử dụng công nghệ tạo ô-xy, giúp lươn sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế tình trạng lươn bị chết do thiếu dưỡng khí. Điều đặc biệt là mỗi ngày, anh đều cho lươn nghe nhạc giúp làm quen với âm thanh lạ, nhằm tránh sốc tiếng động dẫn đến chết đột tử. Nhờ vậy, tỷ lệ con giống sống đạt trên 97%, sinh trưởng tốt.
Sau gần 2 năm gắn bó mô hình nuôi lươn theo hướng công nghệ cao của anh Quân cho thấy, ưu điểm rõ nét nhất của mô hình là góp phần giảm thải ô nhiễm môi trường, ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, chất lượng lươn đạt tốt, người tiêu dùng ưa chuộng, đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi. Theo chia sẻ của anh Quân, nhờ tuân thủ các bước chăm sóc nên một năm anh xuất bán ra thị trường từ 6 – 7 tấn lươn thịt, với giá lươn thịt là 170.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí cho anh thu lãi từ 30 – 35 triệu đồng/ bể chỉ với 6m2. Mô hình của anh Quân mở ra hướng đi mới cho nông dân, từ đó thay đổi dần tập quán nuôi theo truyền thống.